Những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái Tây Bắc

Từ 18 – 20/10, tại tỉnh Điện Biên diễn ra Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc Thái.

Trong các ngày từ 18 – 20/10/2019, tại tỉnh Điện Biên diễn ra Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II năm 2019 nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Thái trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Tại Điện Biên nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, cộng đồng dân tộc Thái chủ yếu thuộc 2 nhóm ngành là: Thái Đen và Thái Trắng. Đặc điểm nhận dạng dân tộc Thái Trắng và Thái Đen ở miền Tây Bắc chủ yếu ở trang phục của phụ nữ.

Trong các ngày từ 18 – 20/10/2019, tại tỉnh Điện Biên diễn ra Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II năm 2019 nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Thái trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Tại Điện Biên nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, cộng đồng dân tộc Thái chủ yếu thuộc 2 nhóm ngành là: Thái Đen và Thái Trắng. Đặc điểm nhận dạng dân tộc Thái Trắng và Thái Đen ở miền Tây Bắc chủ yếu ở trang phục của phụ nữ.

Phụ nữ Thái Trắng mặc áo có cổ hình chữ V ở phía trước và không búi tóc (Tẳng Cẩu) khi lấy chồng. Phụ nữ Thái Đen mặc áo cổ cao, khăn đội đầu trang trí công phu hơn (khăn Piêu) và Tẳng Cẩu khi lập gia đình.

Trong 19 dân tộc tại Điện Biên, dân tộc Thái chiếm khoảng 38% với nhiều nét văn hóa đặc sắc từ tín ngưỡng, cấu trúc xã hội, kiến trúc, ẩm thực, văn hóa dân gian, chữ viết…

Về kiến trúc, người Thái ở nhà sàn và thường chọn vị trí cao ráo, thoáng mát, tựa lưng vào núi để làm nhà và phải gần nguồn nước.

Trong thiết kế, xây dựng nhà sàn truyền thống, theo quan niệm số lẻ tượng trưng cho sự vận động phát triển đi lên, còn số chẵn tượng trưng cho sự tĩnh tại, người Thái cố tình tạo ra những số lẻ với mong ước về một cuộc sống có nhiều điều may mắn, tốt đẹp. Số bậc trên chiếc cầu thang nhà sàn thường là 5 bậc, 7 bậc, 9 bậc; cửa sổ và cửa đi lại bao giờ cũng là 5 hoặc 7.

Gia đình là hạt nhân của xã hội, do đó ở các thôn, bản, các gia đình luôn sống gần nhau. Trong cuộc sống, người Thái đặc biệt lịch sự, lễ phép và rất hiếu khách, trẻ em luôn được dạy dỗ phải kính trọng những người bậc trên.

Tại Thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, địa phương có diện tích rất nhỏ được ví von với câu nói “Thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi” được xem là thủ phủ của người Thái Trắng tại Điện Biên. Nơi đây người dân còn sử dụng đá đen Granite để lợp mái nhà sàn. Một ngôi nhà sàn 5 gian sẽ cần khoảng 4.000 viên đá loại này.

Thị xã Mường Lay – thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi, hiện người dân vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc này với hàng trăm ngôi nhà sàn lợp đá đen đều tăm tắp 2 bên bờ sông Đà.

Về kinh tế nông nghiệp, người Thái gắn bó với ruộng nước, trong đó Gạo Nếp là thức ăn chủ đạo hay được dùng để làm các món Xôi.

Nhiều nơi cao, dốc, người dân sử dụng Cọn nước để dẫn nước tưới vào đồng ruộng.

Khi còn trẻ, phụ nữ đã học cách dệt và thiêu, thậm chí họ còn chuẩn bị những bộ chăn, gối để làm của hồi môn.

Túi đeo vai của người Thái Trắng khác với Thái Đen, nó được làm bằng cốt tông trắng và pha lẫn những đường kẻ xọc màu tối.

Người Thái có ngôn ngữ và văn tự riêng. Các nhà dân tộc học hiện nay đã xếp tộc người này vào nhóm nói tiếng Thái ngữ hệ Nam Thái (Austro Thái) tức Thái Ka-đai. Trong ảnh nghệ nhân ưu tú Lương Thị Đại, Nghệ nhân loại hình Tiếng nói, chữ viết, Tập quán, xã hội và tín ngưỡng của tỉnh Điện Biên đang biên dịch lại chữ Thái cổ.

Nhắc đến người Thái không thể không nhắc đến những nét đặc trưng trong phong cách ẩm thực. Người Thái thích những món ăn đậm đà, giàu chất dinh dưỡng của các món nướng.

Thịt trâu gác bếp, cá nướng (Pa Pỉnh Tộp), thịt nướng, xôi… là những món ăn đặc trưng khi đến thăm các gia đình người Thái ở Tây Bắc.

Ngoài ra, trong ẩm thực người Thái Tây Bắc còn có món nộm rất đặc sắc được làm từ ngọn, hoa của cây Ban.

Đây cũng là loài hoa gắn với câu chuyện tình yêu đẹp giữa chàng Khum – nàng Ban, thể hiện vẻ đẹp trinh trắng chung thủy của người con gái Thái.

Văn hóa dân gian của người Thái có nhiều nét đặc sắc thể hiện ở các câu truyện dân gian, truyện thơ, các điệu múa (Xe) như: múa xòe, múa sạp, múa nón, múa khăn, múa chai… Hiện nay "Nghệ thuật xòe Thái" đang được tỉnh Điện Biên đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Múa khăn...

...múa nón.

Một trong những di sản đặc biệt được người Thái trắng tỉnh Điện Biên trao truyền đến nay là Lễ Kin Pang Then, tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay. “Kin” có nghĩa là ăn, ăn mừng; “Pang” là lễ, người dự lễ; “Then” là chỉ các vị thần linh ở Mường Trời. Trong ảnh một nghi thức của lễ Kin Pang Then.

Lễ cúng đặt tên cho trẻ mới sinh của người Thái đen.

“Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước”, người Thái Trắng ở Mường Lay hiện vẫn tổ chức lễ hội đua thuyền đuôi én trong dịp đầu xuân năm mới mô phỏng lại cuộc sống mưu sinh, chế ngự sự khắc nghiệt của dòng Đà giang hung dữ từ xưa đến nay.

Thi đấu Tó Má Lẹ…

… và tung còn là những trò chơi dân gian thường được tổ chức trong các lễ hội của người Thái.

Với những cá tính, những nét đẹp đã được kết tinh lại từ ngàn đời, văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái Tây Bắc đã góp phần tạo nên vẻ đẹp phong phú, đa dạng cho bức tranh văn hóa dân tộc Việt Nam đầy màu sắc./.

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/anh-nhung-net-van-hoa-dac-sac-cua-dong-bao-thai-tay-bac-959338.vov