Những nét mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Đồng chí Mai Văn Chính – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2018 có những đổi mới và đạt được nhiều kết quả.

Đổi mới quy mô đào tạo, bồi dưỡng

Ban Tổ chức Trung ương kịp thời ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2018 theo hướng chú trọng chất lượng đào tạo, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả. Đào tạo, bồi dưỡng đạt nhiều kết quả cả quy mô và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Năm 2018 có 164 lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trong đó 71 lớp hệ tập trung với 3.199 học viên và 83 lớp hệ không tập trung với 7.460 học viên. Hệ hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị có 18 lớp với 1.620 học viên. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh 5 khóa với 332 đồng chí.

Coi trọng tổ chức lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo chức danh, trong đó bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối với các đồng chí Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa XII; lớp bồi dưỡng bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương. Đồng thời, mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng đảng, tuyên giáo, dân vận, kiểm tra. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì tổ chức 29 đoàn với 569 lượt cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài, đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng ta và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tổ chức đoàn phân cấp theo Ban Chỉ đạo Đề án 165 và Bộ Nội vụ đi nghiên cứu, học tập tại Nga.

Nâng chất lượng đào tạo

Các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ đối tượng đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm minh bạch, công bằng. Công tác tuyển sinh, thẩm định danh sách học cao cấp lý luận chính trị có nền nếp, đúng đối tượng, tiêu chuẩn.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sớm hoàn thiện khung chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị và các chương trình bồi dưỡng chức danh bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại, phù hợp với đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cắt bỏ nội dung trùng lặp, cập nhật tri thức mới, những vấn đề mang tính toàn cầu, khu vực và trong nước. Nội dung chương trình bám sát đường lối Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương. Tăng cường bồi dưỡng theo chức danh và chuyên môn, nghiệp vụ. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định liên quan đến quản lý đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống. Tăng cường quản lý đội ngũ giảng viên bằng quy chế, kỷ luật phát ngôn và đạo đức nhà giáo. Công nghệ thông tin được ứng dụng trong quản lý đào tạo nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật học đường.

Nội dung nghiên cứu, học tập ở nước ngoài được thiết kế phù hợp với đối tượng cán bộ, bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả. Các đoàn đi nghiên cứu, học tập về đều có báo cáo kết quả nghiên cứu, học tập, nhiều báo cáo chất lượng tốt, có giá trị tham khảo cao.

Một số hạn chế

Các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo, mới đạt khoảng trên 50% nhu cầu đào tạo, 65% nhu cầu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức. Sự mất cân đối giữa đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung và hệ không tập trung chưa được rút ngắn. Hạn chế về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, chỗ ở của học viên gây khó khăn cho việc tăng số lượng cán bộ học cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung.

Khó khăn trong chiêu sinh các lớp, các khóa như lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chức danh do số lượng học viên ít. Các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh một số địa phương, cơ quan, đơn vị và cán bộ được triệu tập đi học xin hoãn nhiều lần. Một số đoàn cán bộ cấp cao đi nghiên cứu, học tập tại Trung Quốc chưa chiêu sinh đủ chỉ tiêu. Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng nặng về lý luận, ít phần thực tiễn, kỹ năng…

Kinh nghiệm

Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tổ chức Trung ương với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các cấp ủy đảng. Đây là yếu tố quyết định tới thành công đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Sự đồng thuận, chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, đảng viên. Trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các cơ sở đào tạo và cán bộ, đảng viên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được nâng lên. Khâu tổ chức triển khai thực hiện đã có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương, đơn vị. Quan tâm gắn kết đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn quy định. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tích cực đổi mới hoạt động giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, học viên nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong học tập, tự nghiên cứu. Khắc phục tình trạng học để có đủ bằng, chứng chỉ theo chức danh. Cán bộ đi học đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bố trí hài hòa công việc của cơ quan, đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Mai Văn Chính – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/can-bo/2019/12599/nhung-net-moi-trong-dao-tao-boi-duong-can-bo.aspx