Những nẻo đường xuân

Mưa phùn đem đến sự tươi non, mỡ màng cho mùa màng, hoa trái. Song thời tiết ẩm ướt kéo dài lại gây ra bất tiện cho cuộc sống hằng ngày. Trẻ nhỏ dễ bị nhiễm khuẩn, viêm đường hô hấp; người già húng hắng ho, mình mẩy đau nhức. Mưa ẩm cũng khiến hành trình mưu sinh của người lao động thêm phần khó nhọc. Mấy cô, mấy chị bán hàng rong nhẫn nại trong tấm áo mưa rong ruổi phố xá mịt mờ, ánh mắt đượm buồn vì vắng khách. Thợ cửu vạn khép nép trú dưới mái hiên, gốc cây mỏi mắt kiếm việc làm thuê. Cánh xe ôm buồn bã túm tụm nơi gầm cầu, bến xe ngán ngẩm nhìn trời mưa lây phây; ướt át thế này, khách chọn ta-xi, xe buýt di chuyển, mấy ai đi xe ôm đội mưa gió? Ra Tết, bao nhiêu việc lo toan mà túi tiền vơi cạn, họ đành tất tả rời quê tiếp tục mưu sinh vất vả, nhọc nhằn chốn thị thành...

Mưa xuân đem theo hơi lạnh, tuy không còn tê tái như mấy đợt rét đậm trong năm, nhưng vẫn thương các bà, các chị dầm mưa cấy nốt thửa ruộng dang dở. Giờ đây, trồng lúa thu hoạch không đáng kể, song “năng nhặt, chặt bị”, vả lại cốt lo đủ gạo ăn suốt vụ cho cả nhà. Quá trình đô thị hóa diễn ra, đất nông nghiệp thu hẹp dần, dành chỗ cho các công trình công cộng, nhà cửa, phần còn lại, người nông dân miệt mài cấy lúa, trồng tỉa rau màu, củ quả. Không kể những khu vực sản xuất quy mô trang trại, phần lớn các gia đình vẫn duy trì lối canh tác nhỏ lẻ, với phương châm “tự cung, tự cấp”, thừa mới mang ra chợ bán.

Thuở nhỏ, mùa mưa xuân làm bước chân tôi và lũ trẻ trong xóm ngập ngừng e ngại mỗi lần tới lớp trên quãng đường ngập ngụa bùn lầy, nước đọng. Hồi đó, đường làng gập ghềnh bùn đất hoặc gạch lát lổng chổng, lũ học trò đeo cặp sách lủng lẳng, tay lễ mễ cầm dép, đôi chân bì bõm lội bùn. Nhiều khi giày dép đứt quai, bong đế vì dính bùn. Mấy làng ngoài bãi sông Hồng, đất phù sa ngập sâu gần đầu gối, trở thành nỗi ám ảnh khó quên...

Thời gian trôi qua, bộ mặt nhiều làng quê ngoại thành “thay áo mới”, điều dễ nhận diện trước tiên là mạng lưới giao thông nông thôn rộng mở. Quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã, liên thôn giăng mắc ngang dọc. Lòng đường được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, tu bổ tinh tươm. Nhiều trục huyết mạch thênh thang, phẳng phiu mạn các huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Phú Xuyên... xe bon bon vút nhanh. Trước đây, từ Hà Nội muốn vượt sông Hồng chỉ có cách duy nhất là qua cầu Long Biên; rồi sau đó, lần lượt cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân được xây dựng... và nhiều cây cầu nữa nay mai sẽ ra đời. Tuy vậy, thành phố còn phải mở mang giao thông nhiều hơn nữa, vì quỹ đất dành cho giao thông chưa đạt như quy hoạch; không ít cung đường, đoạn tuyến cần khắc phục tình trạng thi công chậm trễ, dầm dề. Đi dưới mưa xuân ấm áp, nghe lòng tràn ngập niềm lạc quan phơi phới khi mỗi con đường, cây cầu mới lại sắp mở ra, kết nối những miền đất trù phú vùng ngoại ô và vươn xa khắp nẻo...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/39500002-nhung-neo-duong-xuan.html