Những nẻo đường cõng hàng cứu trợ

Những người cõng hàng cứu trợ vào cho đồng bào bị cô lập đi từng bước thật chậm, mắt dán chặt vào những bước chân phía dưới. Sức nặng của bao hàng ước chừng hơn 60kg trên vai khiến lưng họ oằn xuống. Nhưng, gần 3.000 người dân bị cô lập trong vùng núi đang rất cần lương thực từng giờ.

Đi theo mệnh lệnh của trái tim

Từ Rào Trăng ở Thừa Thiên-Huế đến Hướng Hóa tại Quảng Trị và nay là Trà Leng, Phước Lộc, Phước Thành của Quảng Nam, tang thương mất mát chồng chất với chung một nỗi đau tột cùng mang tên sạt lở. Tiếng khóc thương ai oán nghe não nề, xé nát tâm can người ở lại. Trời xanh ơi có thấu?

Bão số 9 gây mưa lũ, sạt lở khiến 3.000 người 2 xã Phước Thành và xã Phước Lộc bị chia cắt, cô lập; cạn kiệt gạo, thức ăn, đường sá chưa thông... Các hàng quán cũng đã cạn lương thực, thực phẩm, thậm chí còn thiếu cả muối. Nguy hiểm nhất là do hệ thống cung cấp nước sinh hoạt bị lũ cuốn trôi và hư hại nên lượng nước mưa người dân dự trữ cũng chỉ đủ dùng cho 2 ngày. Các xe hàng cứu trợ chưa thể vào nên người dân và lực lượng chức năng hẹn nhau gùi hàng vượt núi, đưa qua sông rồi lực lượng tại chỗ ra tiếp ứng cõng hàng để trung chuyển, đưa tiếp hàng vào cứu tế bà con vùng cô lập.

Tuyến đường từ thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) đến 5 xã vùng cao: Phước Chánh, Phước Công, Phước Thành, Phước Kim và Phước Lộc trong ngày qua tiếp tục sạt lở gây ách tắc giao thông. Nhiều xe tiếp cận các địa phương này gặp nguy hiểm khi sa vào bùn lầy, bị xìa chệch đường không thể tiến thêm được.

Lực lượng công an, quân đội tiếp tục tìm kiếm người bị nạn trong những vụ sạt lở vừa qua.

Lực lượng công an, quân đội tiếp tục tìm kiếm người bị nạn trong những vụ sạt lở vừa qua.

Sự thâm trầm phủ kín dãy Trường Sơn nhưng cũng đầy hiểm nguy, trên đầu đoàn người mang cõng là hàng triệu khối đất đá sẵn sàng ụp xuống bất cứ lúc nào. Dưới những sườn núi của dãy Trường Sơn hùng vĩ, hàng chục con người đã phải vùi thân vì sạt lở đất trong những ngày qua. Và, trong đoàn mang cõng, có những người nén đau thương gùi hàng lên cho đồng bào mình đang mong đợi từng giờ.

Những ngày qua, chính quyền địa phương và các lực lượng quân sự, biên phòng, công an, dân quân, người dân các xã lân cận đã huy động gần 500 người tham gia gùi cõng gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm vào tiếp tế cho đồng bào 2 xã Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Phước Thành và Phước Lộc là 2 xã của huyện Phước Sơn có hơn 3.000 người dân đang bị cô lập nhiều ngày do mưa lũ và sạt lở. Chính quyền, lực lượng cuân đội, công an sử dụng nhiều biện pháp để tiếp cận 2 xã này để cứu trợ khẩn cấp như cõng hàng băng rừng vào xã, trực thăng thả hàng cứu trợ.

Sáng ra, sương đã giăng kín trên Phước Sơn tạo nên khung cảnh huyền ảo. Rất lạ, mây cứ lững lờ ngay sát trên đầu người, đối với người có kinh nghiệm sống ở vùng này, khi nhìn mây hoặc các đám sương bay đến phủ kín trước mặt là có thể đoán biết được trời đổ mưa lúc nào. Sáng sớm, lối mòn trên những nẻo đường núi là con đường để đi đến các nóc trên lưng chừng núi của huyện Phước Sơn (Quảng Nam) rồng rắn đoàn người mang cõng. Nhưng, từ trung tâm huyện đi đến các nóc (làng) lại là cả một hành trình gian nan.

Sự thông thương giữa trung tâm huyện với các nóc, có nóc nằm chót vót trên lưng chừng đỉnh núi chỉ được thực hiện duy nhất bằng một con đường mang cõng trên vai... Đoạn nào đi được sẽ dùng xe máy vận chuyển hàng, đoạn nào đường xấu, lực lượng xung kích gùi cõng bộ men theo sông Đắk Mi đưa đến điểm tập kết để lực lượng từ Phước Thành ra nhận hàng. Dự kiến lực lượng cứu trợ phải đưa vào Phước Thành khoảng 7-8 tấn hàng.

Những đoàn người mang cõng hàng cứu trợ đi từng bước thật chậm, mắt dán chặt vào bước chân phía dưới. Sức nặng của bao hàng ước chừng 50-60kg trên vai khiến lưng họ oằn xuống. Tiết trời buổi sáng lạnh nhưng ai cũng nhễ nhại mồ hôi từ đầu tới chân, có người phải cởi áo vắt ngang cổ cho bớt nóng. Họ bước đi trong thinh lặng như để giữ hơi, dồn sức cho cả chặng đường hướng tới đồng bào đang chờ đợi. Đoàn mang cõng đeo ba lô, những bao hàng hóa, ủng, gậy và nhìn theo hướng núi mà đi. Dọc theo con dốc cheo leo ấy có những bụi hoa dại, cỏ non, rau rừng xanh đến miên man. Cứ tiếp tục trèo lên, trèo lên! Lên cao nữa với những nẻo đường mang cõng trên lưng... phía ấy có đồng bào đang chờ đợi.

Ông Hồ Văn Xiên (47 tuổi) vừa cõng hàng lên núi, vừa cởi mở nói chuyện với chúng tôi. Rằng những người mang hàng lên núi này có thể mang bất kể thứ gì, từ gạch, cát, đá, xi măng, sắt, thép, giường, tủ, bàn, ghế, nước sinh hoạt... đến gạo, mì tôm, bánh kẹo, xoong nồi, chảo, bát... là đều nhận mang vác, không chừa một thứ gì. Tất cả đều có thể yên vị trên những tấm lưng trần chắc khỏe lên với những nóc làng đang bị cô lập. Xe cộ không thể đi lại được vì sạt lở, lũ quét, nước dâng và tất cả đều được đưa lên bằng sức người.

Đoạn đường đến với các xã bị cô lập cứ dốc dựng cứ như leo lên ngọn tháp. Những đoàn người vẫn cứ cặm cụi mang theo hàng hóa lên các nóc để giúp đồng bào qua cơn nguy khó. Công việc mang cõng hàng hóa này nặng nhọc lại khá nguy hiểm vì đường lên núi nhiều đoạn rất dốc, đá lởm chởm, sơ sẩy một chút là té ngã như chơi. Tất nhiên, phần lớn mọi người đều thừa nhận đây là một công việc cực kỳ lao lực. Họ phải cúi đầu lấy gáy làm điểm tựa, lấy vai làm giá đỡ vác từng bao hàng lên đến đỉnh.

Có những đoạn cả cây số đường lên dốc, có đoạn gần như thẳng đứng. Công việc khó nhọc ấy luôn tiềm ẩn những tai nạn bất ngờ và cả hậu quả được báo trước. Ông Hồ Văn Xiên dặn dò: “Nếu không có kinh nghiệm cõng hàng thì rất dễ bị ngã rách toạc cả tay chân, bong gân, thậm chí gãy tay gãy chân, hay cả hàng và người rơi xuống khe vực là chuyện bình thường!”.

Trên con đường mang cõng, núi sạt, núi bửa ra từng mảng lớn, đổ ầm xuống nền đường rồi trôi xuống suối, cuốn theo cây gỗ, ập xuống mặt đất. Đoàn mang cõng vẫn nghe thoang thoảng âm thanh róc rách của nước luồn trong những thớ đất có thể đã hở toác; rồi những tiếng tí tách như sự vụn vỡ từ trong lòng đất và chực chờ cơ hội để đất, đá trượt ra khỏi mảng núi, hòa tan xuống phía dưới.

Sau gần một ngày trèo đèo, lội suối, băng rừng, bu bám vách đá,... với quyết tâm cao, đoàn mang cõng cũng đã đến được xã Phước Lộc và tiến hành cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực cho địa phương này. Đoàn mang cõng bám theo đường mòn của người dân mở ra trong rừng để đi nhưng nhiều đoạn phải đi đường vòng vì xuất hiện thêm các điểm sạt lở. Dọc đường, bà con các bản làng, trong đó có rất nhiều trẻ em và phụ nữ nhận hàng rồi gùi, vác đu bám theo các sườn núi, đạp lên các đống sạt lở, lội suối trở về. Tình cảnh thật thảm thương và thấy quá hiểm nguy vì với mưa liên tục, càng có thêm các điểm sạt lở lớn nên nguy hiểm cho những người dân gùi hàng trở về quãng đường rừng hàng chục cây số...

Ngày 1-11, máy bay trực thăng số hiệu 8432 do Thượng tá Nguyễn Ngọc Trung và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 930 Quân chủng Phòng không - Không quân làm cơ trưởng đã tiếp tế đồ ăn cho người dân vùng cô lập. Người dân vùng cô lập đã dùng cờ Tổ quốc đánh dấu điểm nhận cứu trợ trên những đỉnh núi. Nhiều tấn hàng cứu trợ đã đến được xã Phước Lộc và Phước Thành an toàn.

Theo báo cáo, đây là trường hợp ứng cứu khẩn cấp cho các xã bị sạt lở có gần 3.000 người dân. Ngoài vận chuyển lương thực, trực thăng còn đưa 3 trường hợp đặc biệt tới Đà Nẵng để chăm sóc, chữa trị. Cụ thể là 1 cô giáo mang thai 7 tháng, 1 công nhân nhà máy thủy điện Đắk Mi 2 đứt dây chằng và cụ bà 70 tuổi bị thương nhẹ.

Trong những ngôi nhà chật hẹp, thấp tè, le lói ánh sáng tối tăm và ám khói, những người bị cô lập nhiều ngày qua có thể yên tâm hơn với số lương thực được đoàn mang cõng vượt rừng, lội suối mang tới.

Đoàn mang cõng đưa nhiều tấn hàng vào giúp bà con 2 xã bị cô lập.

Những hoang hoải miền rừng

Tại miền rừng phía Đông dãy Trường Sơn, địa chất vốn không ổn định, giờ lại thêm tác động từ bên ngoài, nhiều quả đồi cao có những khe nứt lên đến nửa mét. Rồi những quả đồi ngày một trọc dần, mưa xuống, những khe núi tạo lũ ống, quét xuống nhà dân. Mùa mưa lũ nào những huyện miền núi Quảng Nam cũng có nhà bị sập, ít thì vài ba cái, nhiều thì hàng chục nhà. Hết mưa, dân lại vay mượn dựng lại nhà, rồi lại thấp thỏm khẩn cầu mưa lũ đừng cuốn đi.

Những triền núi sạt lở tan hoang, tiếng thú không còn âm vang ở nhiều đồi rừng nữa, những tiếng động trong lòng núi đầy ắp hiểm nguy rình rập sinh mệnh con người, nhiều vạt rừng bị xâm hại, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng đe dọa đời sống và sản xuất của người dân.

Chị Hồ Thị Thơm ngụ thôn 4, xã Phước Thành chia sẻ: “Mình dậy sớm lắm, 5 giờ lên đường. Đi bộ xa lắm. Đồi núi, vực cao, suối nhiều nên phải mất 4-5 tiếng mới đến nơi. Nhận quà xong thì phải về liền không thì trời tối”.

Trong đoàn người đi nhận hàng, có rất nhiều người già, trẻ em. Một cậu học sinh lớp 7 Trường THCS Phước Thành nói: “Quê em bị sạt lở, nhiều người mất nhà cửa, tài sản lắm. Nhờ mọi người cõng lương thực lên đây nên ra nhận để mang về làng!”.

Những người dân nhận hàng cứu trợ từ đoàn mang cõng đưa tới điểm trung chuyển, rồi họ lại tất tưởi ra về tránh trời tối và những trận mưa tiềm ẩn nhiều hiểm nguy trên đường. Sau lưng họ là những cây gỗ lớn vài người ôm không xuể nằm ngổn ngang sau trận lũ quét. Sau những ngày sạt lở đất, lũ quét, núi toác ra, những cây chò già chiều cao chừng 30 mét nằm sát bờ đất và chỉ cần những cơn gió thì có thể ập xuống mặt đường và phận người đi dưới đó xem như một ván bài may rủi.

Vào mùa mưa lũ, dễ dàng nhìn thấy nỗi lo âu hiện lên trong đôi mắt của người dân vùng núi. Nỗi buồn ấy dường như sâu thăm thẳm, bởi vì mùa mưa thì không có ai gọi đi làm công để kiếm tiền, cộng với chuyện những cơn thịnh nộ của núi như một chiếc bẫy lớn đang há ra và chưa biết lúc nào sẽ “nuốt chửng” những ngôi làng bên sườn núi. Nhiều năm, rất nhiều năm rồi, những người làng luôn chỉ về ngọn núi và lo lắng về những vết nứt, cứ mưa thì nó toác ra, không biết bao giờ thì sập xuống như đầu gối của người uống quá chén rượu đoác.

Nhiều người mang cõng chia sẻ rằng với số lượng lương thực vừa được tiếp tế, người dân ở 2 xã Phước Lộc, Phước Thành có thể cầm cự qua cơn bão tiếp theo. Về lâu về dài vẫn cần những sự trợ giúp khác để người dân nơi đây ổn định cuộc sống. Và các lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm những người mất tích do sạt lở, đồng thời tiếp tế lương thực cho các hộ dân bị cô lập ở tỉnh Quảng Nam.

Ở nơi hoang hoải miền rừng này, sóng điện thoại chập chờn, chỉ có đôi chân là phương tiện "truyền tin" nhanh nhất. Mưa nhỏ thì những người làng đến từng nhà nhắc nhở lẫn nhau. Mưa lớn thì đánh chiêng trống, gọi to, để rồi cùng nhau đến nơi an toàn. Một người phụ nữ ánh mắt mệt mỏi sau bao đêm lo âu, nói rằng: "Cứ mưa là ngủ không được. Đôi chân trèo đồi trồng keo, trồng mì không mỏi bằng chạy sạt lở đâu. Chỉ mong mưa lũ đừng về để mình được ở trong cái nhà của mình, nấu cơm trên bếp của mình thôi".

Hỏi chị, lũ rồi sạt lở như thế, chuyển xuống chỗ an toàn mà ở có hơn không. Chị cười, rồi nhìn về phía núi, nói tự hào: “Cả đời ở núi quen rồi, chỉ muốn ở núi thôi. Mong núi đừng giận dân mình mà đổ xuống tai ương nữa!”. Nhưng mong ước bình dị, chính đáng ấy dường như quá xa xôi đối với họ...

Tôi hiểu, những người dân như chị ngàn đời này sống ở núi, sinh ra từ núi, chết chôn trong núi, dù những hiểm nguy chực chờ trước mặt, sau lưng nhưng kiếp họ sinh ra ở núi thì số phận cũng gửi vào sự rủi may. Họ không thể rời núi để xuống vùng đồng bằng hay những thung lũng nhỏ.

Miên man về những đoàn mang cõng, về những chuyến hàng cứu trợ, nhưng bài toán để bảo vệ cộng đồng, con cháu họ tốt nhất là gì? Trong những lúc nghỉ ngơi của đoàn mang cõng, nhiều người ngửa mặt về phía những tán rừng già vẫn còn sót lại, rừng chò có lẽ cả trăm năm tuổi. Nơi nào còn nhiều rừng thì nơi đó họ có được cuộc sống yên bình.

Người miền Trung, người miền núi bao đời nay vẫn vậy. Mùa lũ kéo đến rồi đi, của cải mất rồi lại lần hồi xây đắp lại. Người dân kiên cường vùng nắng gió ấy chưa bao giờ thật sự được nhìn thấy rõ ràng những gì thiên tai để lại sau cơn giày xéo của mình, ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất.

Tại Quảng Nam, bộ đội biên phòng vẫn đang phối hợp với lực lượng quân đội, dân phòng duy trì hơn 7.200 người và 103 phương tiện các loại để tiếp tục tìm kiếm những trường hợp đang bị mất tích. Chó nghiệp vụ cũng được huy động tham gia tìm kiếm suốt nhiều ngày qua.

Minh Ngọc - Nguyễn Ky

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nhung-neo-duong-cong-hang-cuu-tro-619342/