Những năm tháng cuối đời bị lưu đày của vị vua yêu nước Duy Tân – chuyện bây giờ mới kể

Phóng sự, ghi theo lời kể của Hoàng tử Joseph Roger Vĩnh San, con trai út của vua Duy Tân.

Tháng 3 năm 2017 có thể nói là một tháng hết sức đặc biệt đối với cá nhân tôi. Bởi sau buổi diện kiến và dâng trà Vua Nhật và Hoàng hậu Nhật vào sáng ngày 3 tháng 3 tại Hà Nội, sáng ngày 18 tháng 3, tôi bay vào Nha Trang để gặp gỡ, phỏng vấn Hoàng tử Vĩnh San Joseph, con trai út của vị vua yêu nước Duy Tân, là một trong năm hoàng tử cuối cùng còn tại thế của vương triều nhà Nguyễn. Qua sự giới thiệu, giúp đỡ tận tình của cặp vợ chồng người Pháp, anh Partrick và chị Thùy Dương, là bạn vong niên của Hoàng tử Vĩnh San Joseph, tôi đã có một chuyến viếng thăm tuyệt vời. Suốt mấy ngày ăn ở, sinh hoạt cùng với Hoàng tử, ông đã rút hết ruột gan tâm sự, sẻ chia chuyện đời của ông, của người cha yêu nước Duy Tân. Rất nhiều tư liệu quý về cuộc đời của vị vua yêu nước bị đi đày, về gia đình của vua, và về chính cuộc đời thăng trầm, chìm nổi của Hoàng tử út Joseph Roger Vĩnh San lần đầu tiên đã được tiết lộ.

Bắt đầu từ hôm nay, tôi sẽ đăng tải thiên phóng sự đặc biệt này. Trân trọng kính mời các anh chị đón đọc.

Qua đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất đến chị Soleil Dalat và anh Partrick đã chắp duyên cho tôi có cuộc gặp gỡ, trò chuyện đặc biệt này. Anh chị đã tận tình chăm sóc, phiên dịch cho tôi suốt mấy ngày trời. Tận đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn anh chị. Mong có dịp được đền đáp.

Vua Duy Tân tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh San, sinh ngày 19 tháng 9 năm 1900 tại Huế, là vị vua thứ 11 triều Nguyễn, trị vì từ năm 1907 đến 1916. Ông là vị vua yêu nước chống Pháp, dự định khởi nghĩa cùng Việt Nam Quang phục Hội vào ngày 3 tháng 5 năm 1916. Rất tiếc, kế hoạch bại lộ, vua Duy Tân bị Pháp bắt và đày đi đảo La Réunion ở Ấn Độ Dương cùng với cha là vua Thành Thái, mẹ là thứ phi Nguyễn Thị Định, vợ là Hoàng phi Mai Thị Vàng và em gái là công chúa Lương Nhàn. Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau, hai bà vương phi và thứ phi đã phải về nước do không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt trên đảo. Phải sống trong tình trạng bị lưu đày, thiếu thốn cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần nhưng ông vẫn lạc quan, yêu đời. Từ khi đặt chân lên đảo, ông vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được trở về quê hương. Sau hơn 10 năm sống cô đơn nơi đất khách, năm 1927, cựu hoàng Duy Tân đã cưới bà Fernande Antier, sinh năm 1913, con gái một gia đình có cửa hàng ăn, chuyên nấu cơm tháng, người Réunion, gốc Pháp. Bà Antier đã sinh hạ cho cựu hoàng 8 người con nhưng 4 người đã bị mất khi còn nhỏ tuổi. Những người con của của Vua Duy Tân còn sống đến nay là trưởng nữ Rita Suzy Georgette Vĩnh San (sinh năm 1929), trưởng nam Guy Georges Vĩnh San tức Nguyễn Phúc Bảo Ngọc (sinh năm 1933), hoàng nam Yves Claude Vĩnh San tức Nguyễn Phúc Bảo Vàng (sinh năm 1934) và hoàng nam Roger Joseph Vĩnh San tức Nguyễn Phúc Bảo Quý (sinh năm 1938). Vào ngày 26 tháng 12 năm 1945, trên đường bay từ Cộng hòa Trung Phi về lại Resunion để đón Giáng sinh năm mới cùng gia đình, máy bay chở cựu hoàng bị bốc cháy và ông đã tử nạn. Năm 1987, Hoàng tử Vĩnh San Joseph và gia đình đã đưa hài cốt của vua Duy Tân về an táng tại Huế.

KỲ 1: VỊ VUA TÀI HOA NƠI ĐẤT KHÁCH

Tôi sinh ngày 18 tháng 4 năm 1938 tại Réunion, một hòn đảo thuộc địa của Pháp nằm giữa Ấn Độ Dương. Đây vốn là một quả núi lửa mọc lên từ đáy biển, cao 3.000 mét so với mặt nước biển, cách phía đông của Madagascar 700 km, cách Mauritius 200 km về phía tây nam. Réunion có chiều dài 63 km, rộng 45 km, diện tích khoảng 2.517 km², dân số chưa đến một triệu người, hiện thuộc quyền sở hữu của Pháp. Những người dân ở đây sống chủ yếu ở vành đai chân núi, một số nhỏ ở sườn núi. Vào mùa mưa, đất đá ở thân núi thường sụt lở từng mảng. Dân chúng ở đảo tự gọi mình là Réunionnais hay Créoles. Ngày tôi sinh đúng vào ngày giông gió, bão giật, mưa giông, sấm chớp đùng đoàng, biển động dữ dội. Cha tôi bảo: “Số thằng này sau này vất vả, gian truân lắm đây”.

Cha tôi bị đày ra đảo La Réunion vào ngày 20 tháng 11 năm 1916, lúc ông mới 17 tuổi. Chia sẻ số phận lưu đày cùng cha tôi có thân phụ Hoàng thân Bửu Lân tức vua Thành Thái, 37 tuổi, thân mẫu Hoàng Thị Định, hiền thê Mai Thị Vàng, em trai Hoàng thân Vĩnh Chuôn và em gái, công chúa Lương Nhân cùng những người phụ tá. Lúc đặt chân lên đảo từ con tàu Guadiana , chỉ có cha tôi và ông nội mặc âu phục còn tất cả những người khác đều mặc đồ Việt Nam.

Vừa đến đảo, cha tôi bị ốm nặng, phải đi nghỉ ở vùng Hell Bourg một thời gian, trước khi trở lại thành phố Saint Dennis, đảo Resunion. Cha tôi đã phải thay đổi nhà nhiều lần, toàn là nhà đi thuê chứ không có đủ tiền để mua nhà, biệt thự như nhiều vị vua chúa các nước khác cũng bị lưu đày ở đây. Bởi chính phủ Pháp trợ cấp cho ông mỗi tháng một số tiền khá nhỏ nhưng không khi nào ông chịu tự hạ mình phàn nàn hay xin tăng lương. Vì đời sống quá kham khổ, khí hậu ở đảo lại khắc nghiệt, cộng với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, bà nội tôi và Hoàng phi Mai Thị Vàng đã xin được hồi hương. Từ bấy, cha tôi sống một mình nơi đất khách quê người. Cũng cần nói thêm rằng, tuy cùng bị lưu đày với vua cha Thành Thái ở đảo Reunion nhưng cha tôi không sống cùng ông bởi những bất đồng không giải quyết được trong quan điểm cứu nước. Đó là mâu thuẫn lớn nhất của hai cha con. Thế nhưng không vì thế mà tình cảm của cha tôi dành cho vua cha Thành Thái bị sứt mẻ. Ông luôn dạy chúng tôi phải biết hiếu lễ, ngoan ngoãn với ông nội. Hàng tuần, ông đều dặn mẹ tôi nấu súp mang sang biếu cha.

Mẹ tôi tên là Fernande Aniter, sinh năm 1913 trong một gia đình người Pháp nhưng đã sinh sống lâu đời ở đảo Reunion bằng việc mở một tiệm cơm bình dân chuyên phục vụ cho học sinh và những người có thu nhập thấp. Cha tôi sống độc thân trong một căn nhà nhỏ, vừa học tập trau dồi kiến thức, vừa mở cửa hàng sửa chữa vô tuyến điện để kiếm sống. Ông là người rất ham mê máy móc kỹ thuật, nhất là kỹ thuật truyền tin. Vì vậy, chính quyền đảo La Réunion đã đặt ông thiết lập một thệ thống truyền tin đầu tiên trên đảo thời bấy giờ.

Do khoản thu nhập và trợ cấp eo hẹp nên ông không có điều kiện để thuê người giúp việc. Ông ăn mặc và sinh hoạt giản dị như bao người dân bình thường khác ở đảo. Ông không biết tự nấu nướng. Với thu nhập khiêm nhường của mình, ông thường qua quán cơm tháng của gia đình mẹ tôi ăn cơm rồi dần trở thành khách quen. Từ đó, ông nảy sinh tình cảm với mẹ tôi, khi ấy bà mới tròn 15 tuổi.

Mẹ tôi tuy kém cha tôi 13 tuổi nhưng hai người lại rất tâm đầu ý hợp. Ở đảo Reunion, cha tôi dành rất nhiều thời gian để học luật và các tri thức khác. Ông cũng là người có năng khiếu âm nhạc đặc biệt. Ông chơi violon rất giỏi nên có chân trong ban nhạc đại hòa tấu tại Saint Denis. Không những thế, ông còn viết văn, nuôi ngựa và đua ngựa. Ông đã từng giật giải nhất trong cuộc thi đua ngựa lớn nhất toàn đảo. Ở trường đua ngựa, ông và Hoàng thân Vĩnh Chuôn, tuy người nhỏ con (cao 1m51, nặng 41kg) lại là hai nài kiện tướng, quần chúng thường hoan hô cha tôi ông là “Vua Tàu”. Ông học đánh kiếm và đánh rất giỏi. Ông chú trọng về nghệ thuật quân sự. Trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới, ông luôn găm bản đồ trên tường tiệm hàng để theo dõi chiến sự. Nhiều lúc, ông hùng hồn giải thích chiến trận làm lóa mắt cử tọa kính cẩn ngồi nghe.

Say mê văn chương Pháp, ông đọc rất nhiều sách, sáng tác thơ ca. Ông có nhiều bài được đăng trên tờ báo Le Peuple (Dân chúng), Le Progrès (Tiến bộ) với bút danh Georges Dry. Ông cũng thích viết văn xuôi lãng mạn. Trong bài Tiếng nói của vạn vật, ông bắt đầu với những câu: “Tôi thích tiếng thì thầm của cơn gió nhẹ khi nó hát hay khóc trong các cành cây. Tôi thích những lời tâm sự du dương của gió với cây trong rừng, với sóng dưới biển, với sao trên trời. Nhưng hơn nữa, ru ngủ tôi, làm tôi say mê, khoái trá là tiếng gọi của đại dương, lời rên rỉ vạn năng vang lên trong cảnh đêm im lặng như một bài tụng ca vô tận”. Rồi ông kết luận: “Tiến lên Thượng đế, đấy là mục đích đời bạn và của mọi đời sống khác. Bạn nên học yêu thuơng, đấy là bí quyết của hạnh phúc. Bạn nên học đau khổ, đấy là bí quyết của sự thanh lọc, của cuộc tiến lên ánh sáng. Đau khổ là chị em của vui sướng. Hai mặt giữ thăng bằng, bổ sung nhau và tô điểm nhau. Bạn nên học tự biết mình và chế ngự những sức mạnh tiềm tàng và ẩn kín. Từ đấy, bạn khám phá ra bí mật của Vũ trụ và những quyền lực đã chi phối. Sự huy hoàng của sự nghiệp thần thánh së tiết lộ ra ngay trong lòng bạn và trong mọi mặt”. Trong bài Variations sur une lyre briseé (Những biến tấu của một cây đàn gẫy vỡ) được Giải nhất văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương La Réunion (1924), ông tâm tình: “Ở một vài đầu óc, nếp cũ hoài nghi, thói quen mỉa mai ngay cả chính mình, làm khó mọi chi phối xúc cảm. Trong cuộc phòng vệ có đạo đức, hoài nghi là mang một vỏ sắt, mỉa mai là vận dụng một cái khiên. Nhưng ta không thể luôn được bảo vệ; đến một lúc, khi ta tưởng được an toàn, khi ta lột bỏ áo giáp mà ta đã kiên cường chịu đựng với một nụ cười, đấy là khi ta rất nhạy cảm với một vết châm cũng như với một cái vuốt dù nhỏ nhẹ”.

Từ trái qua phải: Hoàng tử Vĩnh San Joseph, Nhà báo Hoàng Anh Sướng và chị Thùy Dương

Ông là thành viên Hội khoa học, văn chương và nghệ thuật La Réunion. Bà Hội trưởng Eléonora Revest đánh giá ông là một người có học thức, một nhà diễn thuyết hùng biện. Chính trí tuệ, sự thông minh, hiểu biết của ông đã chinh phục được mẹ tôi, khi ấy là thiếu nữ Fernande Antier nhan sắc nổi tiếng cả phố. Năm 1925, cha tôi có gửi cho Hội đồng hoàng tộc một bức thư kèm đơn ly dị và xin Hội đồng hoàng tộc chứng nhận để bà Mai Thị Vàng đi lấy chồng khác, lúc này bà 27 tuổi. Nhưng bà Vàng một lòng thủ tiết cho đến cuối đời và thường ngâm: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”.

Sau khi gửi đơn ly hôn về cho Hoàng phi Mai Thị Vàng được 3 năm, cha tôi kết hôn với mẹ tôi. Đám cưới diễn ra giản dị tại đảo Reunion, với sự góp mặt của người dân trên đảo và cả ông nội tôi, Cựu hoàng Thành Thái. Tuy đám cưới đã diễn ra nhưng vì Hoàng phi Mai Thị Vàng không đồng ý ly hôn nên cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi vẫn chưa được nhà thờ công giáo ở đảo Reunion công nhận. Chính vì thế mà sau này, bốn anh em chúng tôi đều mang họ mẹ. Phải mãi về sau, khi cha tôi qua đời năm 1946, Tòa án ở Reunion mới xem xét lại và đồng ý để chúng tôi chuyển sang họ cha.

Cha mẹ tôi sinh hạ được 8 người con nhưng chỉ nuôi được 4 người. Đó là chị gái lớn, Hoàng nữ Rita Suzy Georgette Vĩnh San (6/8/1929); Hoàng tử Guy Georges Vĩnh San (31/1/1933); Hoàng tử Yves Claude Vĩnh San (8/4/1934) và tôi. Lúc còn nhỏ, anh em chúng tôi rất sợ cô Lương Nhàn bởi cô rất nghiêm khắc. Anh Georges thường hay bị đòn roi của cô. Nhưng cha tôi còn nghiêm khắc hơn. Ngày ngày, cha tôi làm việc ở căn phòng nhỏ tầng 1, nơi ông mở một tiệm sửa chữa máy móc cho cư dân trên đảo, kiếm tiền nuôi vợ con. Tiệm có tên là La Radio Laboratoire Vinh San. Anh em chúng tôi không bao giờ dám bén mảng đến căn phòng đó. Bữa ăn cơm, chúng tôi cũng không dám nói chuyện, cười đùa. Cha tôi rất ít nói. Mỗi lần kể về người, trong tôi vẫn còn lưu dấu một nỗi buồn u uẩn của một con người, một vị vua sa cơ thất thế phải sống kiếp lưu đày.

Cha tôi không có một ưu đãi vật chất nào trong những tháng ngày trên đảo. Nơi ở của ông không có lò sưởi, vòi nước tắm, thậm chí cả bồn rửa mặt. Nhưng ông vẫn vui vẻ sống. Ông ít giao thiệp với người Pháp. Chính quyền hoàn toàn quên bỏ ông. Ông chỉ giao du với một nhóm bạn bè. Ông thích trèo núi, đi câu, không ngần ngại bắt chuyện với những người ngồi câu bản xứ, phần nào cũng giúp khuây khỏa nỗi nhớ thuở “Chiều chiều trước bến Văn Lâu. Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm”. Nghiêm khắc nhưng cha tôi rất yêu thương vợ con, yêu thương một cách kín đáo. Khéo tay, tự ông làm đồ chơi cho chúng tôi như những hình tượng trong truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Vì thế, anh em chúng tôi vẫn gọi ông bằng cái tên thân mật Dede (Bố), biến âm của những danh từ Âu Mỹ Daddy, Papa. Ngoài việc trao đổi sinh hoạt bình thường trong gia đình, ông rất ít khi thổ lộ tâm tư tình cảm, nhất là chuyện đất nước, chính sự với vợ con. Ông không bao giờ nói chuyện về Việt Nam với những người dân trên đảo Reunion và kể cả với vợ mình. Song cũng có đôi lần ông thổ lộ với mẹ tôi rằng: ông lúc nào cũng khao khát thoát khỏi Reunion, thoát khỏi tay người Pháp để trở về Việt Nam, tìm cách cứu nước.

Tham khảo: Tính đến thời điểm này, ông Vĩnh San Joseph là một trong năm hoàng tử cuối cùng còn tại thế của vương triều nhà Nguyễn. Bốn người kia là ông Vĩnh Giêu, con cựu hoàng Thành Thái (đang sinh sống ở Mỹ), Bảo Thắng con cựu hoàng Bảo Đại và hai anh trai của ông đang ở Pháp: Bảo Ngọc (Vĩnh San Georges) và Bảo Vang (Vĩnh San Claude). Những con người này đều có số phận thăng trầm, chìm nổi theo cuộc đời lưu vong của vua cha, thậm chí còn chưa hề biết đến mùi vinh hoa phú quý.

Sau nhiều lần trở về Việt Nam để tìm lại gia phả, gốc gác, cội nguồn, Hoàng tử Vĩnh San Joseph đã quyết định ở lại. Ông đã chọn thành phố biển Nha Trang xinh đẹp làm nơi gắn bó đến cuối đời cùng người vợ hiền đã cùng ông chia sẻ hạnh phúc suốt hơn 40 năm qua, bà Lebreton Marguerite. Ông tâm sự: “Tôi luôn nghĩ mình là một người con của quê cha đất tổ tìm về cội nguồn vì cha tôi là một người Việt Nam yêu nước. Từ tận đáy lòng, tôi mong được mọi người nhìn nhận như một người Việt hơn là một Việt kiều”.

(Còn nữa)

Hoàng Anh Sướng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-nam-thang-cuoi-doi-bi-luu-day-cua-vi-vua-yeu-nuoc-duy-tan-%E2%80%93-chuyen-bay-gio-moi-ke-62375