Những năm Hợi đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam

Chào mừng năm Kỷ Hợi 2019, Báo Lao động Thủ đô xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc những năm Hợi đáng nhớ trong suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam.

Năm Kỷ Hợi 39:

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Năm 39, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị người huyện Mê Linh do nợ nước thù nhà, đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống chính quyền xâm lược Đông Hán. Được sự hưởng ứng của nhân dân và lạc tướng ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, sau gần một năm chiến đấu liên tục, nhân dân Âu Lạc dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, quân khởi nghĩa đi đến đâu thắng đến đó, chỉ trong một thời gian ngắn Hai Bà đã dẹp yên, thu phục được 65 thành ấp ở đất Lĩnh Nam. Sau cuộc khởi nghĩa thành công, bà Trưng Trắc được suy tôn làm quốc vương, tức là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh.

 Năm Kỷ Hợi 39- Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Năm Kỷ Hợi 39- Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Năm Kỷ Hợi 939:

Ngô Quyền lên ngôi Vua

Sau chiến thắng Bạch Đằng, năm Kỷ Hợi (939) Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng vương đóng đô ở Cổ Loa lập ra triều Ngô - triều đại đầu tiên của thời kỳ độc lập, tự chủ, “đặt trăm quan, dựng nghi lễ trong triều, định màu sắc các đồ phẩm phục” của dân tộc Việt Nam.

Theo sử sách ghi lại: “Vua họ Ngô húy là Quyền, người Đường Lâm, đời đời là quý tộc, cha là Mân. Khi vua mới sinh, có điềm ánh sáng khắp nhà, hình dạng khác thường, lưng có ba nốt ruồi, người xem tướng cho là lạ, bảo rằng có thể làm chúa một phương, nên cha vua mới đặt tên là Quyền.

Năm Đinh Hợi 1287: Chiến thắng quân Nguyên - Mông lần ba

Năm Đinh Hợi 1287:

Chiến thắng quân Nguyên - Mông lần ba

Bắt đầu cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ ba toàn thắng. Mùa đông năm Đinh Hợi - 1287, quân Nguyên dưới sự chỉ huy của Trấn Nam vương Thoát Hoan ồ ạt kéo vào xâm lược nước ta.

Dưới sự chỉ huy tài giỏi của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, toàn quân và dân ta lại dùng chiến tranh du kích, vườn không nhà trống để tiêu hao sinh lực địch.

Nhờ sự chỉ huy sáng suốt của Hưng Đạo Đại Vương, cùng sự đồng lòng của quân dân nước Việt, chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3 của quân dân Đại Việt giành được thắng lợi hoàn toàn.

Năm Đinh Hợi 1407:

Cuộc chiến chống quân Minh

Sau thất bại nặng nề trong lần xâm lược thứ nhất, vào tháng 9 năm Bính Tuất 1406 quân Minh đem 80 vạn quân, chưa kể một số đông dân cư và thổ binh tải lương đi theo chia làm hai đạo quân tiến vào nước ta.

Quân địch chia thành hai đạo quân ở bờ Bắc sông Hồng vượt sông đánh vào thành, quân ta đều tích cực chống đỡ, có lúc phản kích lại quyết liệt, nhưng quân địch quá đông, quân nhà Hồ không giữ nổi phải bỏ chạy. Quân giặc thừa thế tràn xuống chiếm được Đông Đô, một số quan lại quý tộc đã phản bội, hợp tác với quân giặc đánh lại Hồ Quý Ly.

Ngày 29/4 năm Đinh Hợi (1407), thủy quân giặc đuổi kịp quân nhà Hồ ở Điển Canh (điểm giáp ranh hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Gặp lúc nước cạn quân nhà Hồ bỏ thuyền lên bộ chạy về Nghệ An sau đó vào vùng Hương Khê (Hà Tĩnh).

Cuối cùng, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương và tướng sĩ, gia nhân lần lượt bị sa vào tay giặc. Cuộc kháng chiến của nhà Hồ chống quân xâm lược nhà Minh chấm dứt. Sau khi nhà Hồ thất bại ở nhiều nơi nhân dân ta vẫn tiếp tục nổi dậy chống lại ách đô hộ của quân Minh, điển hình như khởi nghĩa Trần Ngỡi, Trần Quỹ Kháng…

Bến nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Năm Quý Hợi 1863:

Trương Định đứng lên phất cờ khởi nghĩa

Trương Định, một lãnh tụ nổi tiếng đứng đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Bộ thời cận đại, gửi thư cho Bonard đòi ba tỉnh miền Đông.

Sau khi Gò Công rơi vào tay giặc, Tri huyện Tân Hòa là Đỗ Trình Thoại hy sinh, Trương Định lúc bấy giờ là tướng dưới quyền của Đỗ Trình Thoại, đã đứng lên tập hợp lực lượng quân đồn điền và chiêu mộ quân nghĩa dũng đứng lên chống lại quân giặc.

Sau khi tập hợp quân sĩ, nghĩa quân của Trương Định đã tiến hành đồng loạt tấn công vào bốt đồn Cái Bè, Cai Lậy, Thuộc Nhiêu, Rạch Gầm sau đó mở rộng ra vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trước khí thế tấn công của nghĩa quân Trương Định ở Gò Công, Bà Rịa, Cần Giờ, Chợ Lớn, Hóc Môn… khiến quân số địch giảm sút, buộc phải cầu cứu viện binh chính quốc. Trước tình hình viện binh của pháp kéo sang đã buộc vua Tự Đức phải gấp rút phê chuẩn thi hành Hiệp ước Nhâm Tuất, để triều đình Huế không còn chính thức giúp đỡ Trương Định.

Năm Đinh Hợi 1887:

Phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa

Tháng 3 năm 1886 các Lãnh tụ của phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch chống Pháp. Hội nghị đã quyết định giao cho Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt phụ trách xây dựng căn cứ Ba Đình ở vùng đồng bằng phía Bắc huyện Nga Sơn.

Chỉ trong 1 tháng, căn cứ Ba Đình đã được xây xong, bao quanh ba làng là một hệ thống thung lũng bằng đất, có nơi chân thành rộng 9 -10m, mặt thành xếp bằng cọc tre, bên trong tạo lớp bùn và rơm rạ tạo thành chiếc bia đỡ đạn rất công hiệu. Lúc đầu nghĩa quân Ba Đình chỉ có khoảng 300 người, nhưng sau đó được bổ sung thêm.

Năm Tân Hợi 1911:

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Vào ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Sau 30 năm bôn ba, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Năm Đinh Hợi 1947:

Hưởng ứng "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Bác

Năm đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đồng bào cả nước, đây là bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác. Từ đó trở đi, trở thành “lệ thường”, cứ đêm giao thừa 30 Tết là mọi người lại thấp thỏm chờ mong nghe Bác đọc thơ chúc Tết.

Vì thơ chúc Tết của Bác vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân mà còn là những dự báo lịch sử, những chỉ đạo chiến lược cách mạng được truyền đạt bằng thơ. 22 bài thơ chúc Tết của Bác Hồ đã trở thành tài sản văn hóa vô giá của dân tộc.

Cũng trong năm này, hưởng ứng "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Hà Nội, nhân dân cả nước ta cùng các lực lượng vũ trang của mình đã nhất tề đứng lên chống xâm lược, cứu "Tổ quốc lâm nguy".

Hà Nội đã huy động cao nhất sức người, sức của làm hầm hào, xây chiến lũy, "mỗi người là một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến".

Năm Đinh Hợi 2007:

Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO

Ngày 11/1/2007, tại Geneva, Tổ chức Thương mại thế giới WTO tiến hành nghi lễ trao thẻ thành viên chính thức cho Việt Nam. Việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO đã đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, một sự kiện có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định vị thế đất nước ta, dân tộc ta với cộng đồng quốc tế, là một minh chứng hùng hồn về quyết tâm và nghị lực của nhân dân ta xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ, ổn định, xứng đáng là một trong những nền kinh tế phát triển năng động, sẵn sàng thực hiện các cam kết chung với cộng đồng quốc tế.

Năm kỷ hợi 2019:

CPTTP có hiệu lực

Là năm đầu tiên Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế CPTTP với sự tham gia của nhiều nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Sự kiện này đã một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn là một thành viên tích cực trong công cuộc hòa nhập với thế giới. Đồng thời đây cũng là một cơ hội để Việt Nam tiến thêm một bước dài trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

T. An (Tổng hợp)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-nam-hoi-dang-nho-trong-lich-su-viet-nam-86631.html