Những mùa xuân vang dội chiến công của vị tướng hai lần được phong Anh hùng

Những trận đánh vang dội của lực lượng đặc công, trinh sát, tình báo, biệt động Sài Gòn chiếm căn cứ núi Bà Rá, Bà Đen, Phước Long; hai lần làm nổ tung kho bom thành Tuy Hạ; đốt kho xăng Nhà Bè; vào Trại Davis đàm phán; bảo vệ an toàn 16 cây cầu trọng yếu vào Sài Gòn như cầu Rạch Chiếc, Sài Gòn, Bình Lợi, Bình Điền, Bình Triệu... trong chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đều có công lao rất lớn của người chỉ huy tài ba, Thiếu tướng Trần Văn Danh (tức Ba Trần).

Ông nguyên là Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu Miền, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Miền, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động.

Ông tên thật là Trần Văn Bá, sinh ra và lớn lên tại 18 thôn Vườn Trầu Bà Điểm, chiếc nôi của cách mạng Nam kỳ. Năm 16 tuổi theo học ở Trường Bá nghệ Sài Gòn, thấy chướng mắt trước cảnh lính Nhật trần truồng cười nham nhở đứng tắm giữa thanh thiên bạch nhật. Ông ngộ ra chân lý: mất nước, bị ngoại bang thống trị mới là nỗi nhục lớn nhất. Vậy là ông tham gia rải truyền đơn kêu gọi ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương từ khi còn nhỏ tuổi...

Tháng 7/1945, ông tham gia Thanh niên cứu quốc tại Hóc Môn, tham gia giành chính quyền tại quê hương. Pháp quay lại đánh chiếm Nam bộ, ông xin gia nhập Đội trinh sát vũ trang Khu 7, lập nhiều chiến công xuất sắc, được kết nạp Đảng năm 1948. Ông đổi tên thành Trần Văn Danh, bí danh Ba Trần.

Năm 1949, ông được đề bạt làm Phó Tham mưu, kiêm Trưởng Ban quân báo liên tỉnh Thủ - Biên. 5 năm sau, ông làm Phó Chính ủy, kiêm Bí thư Trung đoàn 556 - đơn vị bộ đội lừng lẫy với những chiến công đánh Pháp tại miền Đông. Tập kết ra Bắc năm 1954, ông theo học Trường An ninh, được đào tạo nghiệp vụ tình báo, chuẩn bị về Nam chỉ huy chiến đấu.

Cuối năm 1960, Ba Trần cùng đoàn công tác đầu tiên nhận lệnh về Nam, công tác trong Trung ương Cục miền Nam đóng tại Tây Ninh. Ban Quân sự Miền được thành lập, đồng chí Trần Văn Quang là Trưởng ban, Ba Trần làm Trưởng Ban tình báo chiến lược.

Chính sách tố cộng và Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm khiến nhiều cơ sở, cán bộ của Ban Địch tình cách mạng bị bắt bớ, tù đày, giết hại... Nhiệm vụ khó khăn và cấp bách lúc này là xây dựng lại cơ sở tình báo cách mạng, ổn định lâu dài chuẩn bị cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Ba Trần tổ chức điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng nhân sự, lợi dụng chính quyền Sài Gòn đang đấu đá, tranh ngôi đoạt vị để giải cứu các cán bộ tình báo của ta đang bị địch giam cầm, bố trí người cài cắm sâu vào một loạt cơ quan đầu não địch như: Phủ tổng thống, tòa đại sứ Mỹ, đặc phủ trung ương tình báo Việt Nam Cộng hòa, bộ tư lệnh hải quân, tổng nha cảnh sát, bộ tư lệnh đệ nhất hạm đội Mỹ...

Ông Ba Trần thời trẻ.

Ba Trần là người có công lớn trong việc đưa đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban An ninh T4) thoát khỏi nhà tù. Lợi dụng tình hình rối ren sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm tháng 11-1963, đồng chí Mai Chí Thọ chỉ thị bằng mọi cách phải giải cứu đồng chí Mười Hương. Khi địch chuyển từ nhà tù Huế vào tổng nha cảnh sát Sài Gòn để phúc tra, Ba Trần bố trí cơ sở mật là mẹ Lê Thị Nhiễm, có chồng họ Trần (sau này mẹ được phong Anh hùng Quân đội) nhận đồng chí Mười Hương là con, là thầy giáo dạy tư và một mực kêu oan trước tòa, bị mật vụ của Ngô Đình Cẩn bắt nhầm. Từ những bài bản đấu trí với địch không lộ một kẽ hở, đồng chí Mười Hương đã được tha bổng.

Đại tá Anh hùng LLVTND Trần Công Lập (Ba Lương), nguyên là sĩ quan quân báo, nguyên Trưởng phòng Quân lực Quân khu 7 kể lại: Một buổi chiều giữa mùa mưa năm 1963, qua điện đài ông nghe lén, bọn địch loan tin 10h sáng hôm sau sẽ ném bom căn cứ Trung ương Cục đóng tại Đồng Rùm. Sau khi báo cáo cho Ba Trần, ông trao đổi với đồng chí Trần Đình Xu phụ trách tiền phương Trung ương Cục. Quyết định được đưa ra: toàn cơ quan khẩn trương di chuyển, đào hầm, công sự tránh bom.

Quả nhiên sáng hôm sau, 6 máy bay Mỹ dàn hàng ngang ném bom như trút xuống khu căn cứ nhưng không hề gây thiệt hại gì về người. Sự mẫn cảm và tính quyết đoán của Ba Trần đã giúp cho cơ quan Trung ương Cục nhiều lần thoát hiểm an toàn và công tác chỉ huy tình báo luôn giành những thắng lợi.

Tháng 6-1965, Ba Trần giữ chức Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Miền, phụ trách Phòng Quân báo là cơ quan tham mưu địch tình cấp chiến lược, chiến dịch các chiến trường trọng điểm tại các Quân khu 6, 7, 8, 9, 10 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Từ trong lòng địch, các cán bộ tình báo nội thành đã khai thác rất nhiều thông tin tối mật của địch như các kế hoạch: Maccarr, Hackin, Mcnamara, bình định nông thôn, Việt Nam hóa chiến tranh và các âm mưu chuyển hướng chiến lược của cơ quan đầu não CIA Mỹ, chính quyền Sài Gòn, cơ quan đặc phủ trung ương tình báo VNCH... kịp thời báo cáo cho Bộ Tư lệnh Miền, Trung ương Cục và Trung ương Đảng tại Hà Nội có những chủ trương, quyết sách đúng đắn làm tan rã các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của địch.

Năm 1965, quân Mỹ và chư hầu tổ chức trận càn Jonhson City vào Bắc Tây Ninh với quy mô lớn chưa từng có: 45.000 quân, 775 xe tăng, thiết giáp, 160 máy bay các loại cùng 2 sư đoàn, 3 lữ đoàn... Nhờ công tác tình báo chính xác, nắm chắc kế hoạch và âm mưu địch, Trung ương Cục đã chỉ đạo dời tránh an toàn căn cứ địa, bày bố trận địa đập tan mưu đồ của địch một cách thảm hại khi vừa đặt chân vào căn cứ Tây Ninh.

Khi phát hiện Mỹ mở rộng chiến tranh đánh bọc hậu từ Campuchia, Ba Trần chỉ đạo Đoàn 367 tập kích bất ngờ vào sân bay Pochentong, phá hủy 105 máy bay các loại, gần 100 xe quân sự và nhiều thiết bị, khí tài quân sự, tiêu diệt gần 95% giặc lái và máy bay địch do chính quyền tay sai Lonnon tiếp ứng.

Cuối năm 1972, Quân ủy Miền chỉ thị Ba Trần tập trung nghiên cứu, trinh sát tập kích kho bom thành Tuy Hạ (Đồng Nai). Đây là nơi dự trữ bom đạn chiến lược của Mỹ phục vụ chiến tranh Đông Dương. Kho bom được bảo vệ bằng hàng chục lớp rào kẽm gai cao 3m, bên trong có hào sâu, đập cao, thả các loại chó béc-giê, ngỗng và nhiều bót canh phát hiện xâm nhập từ xa. Ba Trần chỉ đạo cho Đại đội 32, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác vào trận đánh quyết tử này.

Rạng sáng 12-11-1972, tổ đặc công gồm 4 chiến sỹ do đồng chí Nguyễn Hữu Hòa chỉ huy mang 32 khối thuốc nổ đã phá hủy 15 kho bom CBU, 17 kho đạn pháo 105 li cùng 10.000 tấn bom đạn, hủy diệt toàn bộ 33 nhà kho làm thương vong hàng trăm tên địch. Đúng 1 tháng sau, vào 2h sáng ngày 12/12, Đội 5, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác bí mật áp sát kho bom một lần nữa phá hủy 80 dãy nhà kho, chứa gần 18.057 tấn bom đạn. Kho bom Tuy Hạ cháy nổ suốt 3 ngày đêm khiến cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn khiếp sợ, kinh hoàng.

Tiếp tục kế hoạch phá hủy phương tiện, nhiên liệu phục vụ chiến tranh của địch, Ba Trần chỉ huy các lực lượng đặc công, trinh sát tập kích kho xăng dầu Nhà Bè, gây chấn động dư luận trong nước và thế giới vào đêm ngày 2, rạng sáng 3/12/1973, do Đặc công Rừng Sác thực hiện.

Thiếu tướng Ba Trần với các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đại tá Nguyễn Hồng Thế - Anh hùng LLVTND là 1 trong 8 chiến sĩ đặc công cảm tử đã tham gia trận đánh kho xăng dầu Nhà Bè kể lại: Bộ Chỉ huy Miền do đồng chí Trần Văn Trà và Ba Trần chỉ thị cho Trung đoàn 10 nghiên cứu, trinh sát mục tiêu kho xăng dầu Nhà Bè. Đây là một hệ thống kho hoàn chỉnh nằm cạnh cảng Nhà Bè, rộng 14ha, có 72 bồn xăng, chứa hơn 10 triệu lít, cung cấp 60% xăng dầu cho các hoạt động dân sự và quân sự của địch tại miền Nam. Chúng bố trí lực lượng bảo vệ rất tinh nhuệ, dày đặc cả trên bộ lẫn trên không, dưới nước.

Sau 14 chuyến điều tra, nghiên cứu, nhóm đặc công cảm tử Đội 5 gồm 8 đồng chí làm lễ cảm tử xuất quân ngày 30-11-1973 với lời thề: “Chưa đốt cháy kho Shell, chưa trở về”. Lúc 0h35 phút đêm ấy, kho xăng dầu Nhà Bè nổ tung và bốc cháy sáng rực một góc trời Nam Sài Gòn suốt 12 ngày đêm trong niềm vui chiến thắng của quân dân miền Nam.

Hôm sau, báo chí Sài Gòn và phương Tây đưa tin chấn động: Kho Shell hoàn toàn bị thiêu hủy, cháy 35 triệu gallon xăng, dầu, tương đương 250 triệu lít, 12 bồn butaga, một tàu dầu 12 nghìn tấn, một cơ sở lọc dầu, một cơ sở trộn nhớt, một khu chứa lương thực. Tổng thiệt hại khoảng 20 triệu USD.

Đầu năm 1973, Ba Trần được giao nhiệm vụ làm Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tham gia Ban Liên lạc quân sự 4 bên tại trại Davis sân bay Tân Sơn Nhất thực thi Hiệp định Paris ngừng bắn. Frank Snepp - chuyên gia cao cấp phân tích tin tức tình báo của CIA ở Việt Nam đã đánh giá Ba Trần là 1 trong 4 nhà tình báo “gộc” của Việt Nam.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Ba Trần có nhiệm vụ chỉ huy lực lượng tình báo, đặc công, trinh sát và biệt động bí mật chiếm giữ trước và bảo vệ an toàn 16 cây cầu dẫn vào Sài Gòn để mở đường cho 5 cánh quân tiến vào. Dưới sự chỉ huy của Ba Trần, các chiến sĩ đặc công, tình báo, biệt động thành đã anh dũng, mưu trí, táo bạo làm chủ và bảo vệ an toàn các mục tiêu. Nhiều chiến sĩ đặc công đã hy sinh bảo vệ cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, cầu Bình Lợi, Bình Triệu, Thị Nghè, Bình Điền... để cho 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Vào lúc nửa đêm 30-4-1975, trong niềm vui mừng miền Nam giải phóng, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã tuyên bố: “Bây giờ thắng lợi rồi, anh Trần Văn Danh đã hoàn thành nhiệm vụ. Thay mặt Bộ Chính trị, tôi công bố thăng quân hàm thiếu tướng đối với đồng chí Trần Văn Danh, nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố về an ninh và quốc phòng, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Sài Gòn - Gia Định”.

Sau giải phóng miền Nam, Ông được Trung ương đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Điện lực, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng công trình thủy điện Trị An. Năm 1990, Thiếu tướng Trần Văn Danh, Tổng chỉ huy Công trình xây dựng thủy điện Trị An được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Và 15 năm sau, trước ngày cả nước và TP Hồ Chí Minh náo nức chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc thì ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

Đông Kha

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nhung-mua-xuan-vang-doi-chien-cong-cua-vi-tuong-hai-lan-duoc-phong-anh-hung-476669/