Những mùa ve cũ

Khi những khúc nhạc ve được tấu lên cũng là lúc biết bao kỷ niệm xưa cũ ùa về. Kỷ niệm về những ngày học thi không thể nào quên.

(Ảnh minh họa của Phạm Nam Nam)

Những năm tám mươi của thế kỷ trước, lúc ấy cả huyện chỉ có một vài xã có điện sáng, còn lại học sinh phải học trong ánh đèn dầu ma dút khét lẹt và nhiều khói. Mỗi buổi học bắt đầu, công việc trước tiên của lũ trẻ là vò một tờ giấy nháp thật nhàu để dùng lau muội trên chiếc bóng đèn được cắt ra từ chai thủy tinh. Có hôm muội đèn bám vào tay làm đen những tờ giấy rồi lem cả lên mặt. Còn bố, tôi nhớ rằng bố đã phải lên tận cửa hàng lương thực huyện nài nỉ để có chiếc bì gai về phục vụ việc học của con. Chiếc bì gai chính là vật dụng để ngăn đàn muỗi. Mỗi khi học chúng tôi lại đút chân vào chiếc bì. Bốn cái chân của hai đứa đút chung vào một bì, mồ hôi thấm ướt, nhớp nháp và khó chịu vô cùng... Nhưng chúng tôi cũng như nhiều đứa trẻ ở làng đã vượt qua được sự khó khăn, ngồi học một mạch đến tận khuya, mặc kệ những đứa trẻ khác chơi đùa la hét ồn ào cả một góc xóm. Có những hôm ngồi học mệt quá ngủ gục luôn trên bàn, chân vẫn nguyên trong chiếc bì gai cho tới sáng mai.

(Ảnh minh họa của Phạm Nam Nam)

Khát vọng bước qua kỳ thi để vào trường đại học lúc đó với những đứa trẻ như chúng tôi vô cùng mãnh liệt. Hồi ấy chỉ tiêu của các trường đại học rất ít, sinh viên không phải đóng học phí còn có học bổng đủ để ăn cơm nhà bếp... nên nhiều người xem đó là con đường duy nhất để thay đổi cuộc sống bản thân. Tuy nhiên, cũng có nhiều người vỡ mộng, sau vài lần đi thi vẫn không đậu nên sinh ra buồn bực, u uất.

Học và thi hồi ấy khó khăn là thế nhưng không phải không thi vị, ngoài giờ học, những cô cậu học sinh phổ thông trung học cũng mộng mơ, cũng nhớ thương.

Có lần chúng tôi học nhóm, chờ người lớn đi ngủ, câu chuyện về bạn khác giới được đề cập rôm rả. Có đứa ngước lên bầu trời sao mơ mộng những điều viển vông...

Thực ra lúc ấy chúng tôi còn quá trẻ, chỉ 16, 17 tuổi, chưa biết tình yêu là gì. Với nhiều đứa, chợt thấy ánh mắt nhìn, rồi xao xuyến. Tôi cũng không khác, ấn tượng của bạn ấy đến với tôi cũng từ ánh mắt nhìn, dù rất nhanh. Tôi biết có điều gì đó rất khác, nhưng không thể nói ra. Tất cả mọi cảm xúc đều phải gác lại cho nhiệm vụ lớn nhất lúc ấy là học để thi.

Tôi chẳng biết sẽ thế nào nữa nếu chẳng may mình thi trượt. Rất nhiều viễn cảnh chờ tôi. Có thể trở thành một người bốc than thuê ở mỏ than “thổ phỉ” tận Quảng Ninh vì ở đó tôi có người quen. Gần hơn sẽ trở thành chủ nhân của chiếc xe bò lốp chở đá núi làng ra bán cho những người dân vùng biển như nhiều đứa cùng tuổi trong làng.

(Ảnh minh họa của Phạm Nam Nam)

Cảm xúc cứ thế dồn nén cho đến trước khi thi tốt nghiệp, chi đoàn thanh niên lớp tổ chức viết lưu bút chia tay tuổi học trò. Tôi ngồi lặng lẽ trong một góc căn phòng nhìn sự náo nhiệt các bạn tranh nhau viết lưu bút. Những câu chữ hay nhất, hình vẽ đẹp nhất mà đám bạn trong lớp nghĩ ra đều đã được chúng viết cho nhau. Tôi chẳng biết phải viết gì cho đúng tâm trạng của mình lúc ấy cả. Bởi viết thật lòng mình thì chắc gì bạn ấy đã nhận. Nhưng viết không thật lòng thì tôi lại sợ mất đi vĩnh viễn ánh mắt ấy. Dòng lưu bút của chúng tôi ở thời khắc chia tay ấy hết sức quan trọng, là thông điệp, là cầu nối để bắc những ý tưởng... Tôi chẳng biết mình đã làm đúng hay sai nữa. Tôi gấp vào cuốn lưu bút của bạn ấy những cánh phượng và chú ve đã ướp khô từ mùa trước.

(Ảnh minh họa của Phạm Nam Nam)

Kỳ thi năm ấy rồi cũng có kết quả. Tôi khóc một buổi để tiếc cho bạn ấy. Bạn học giỏi trong tốp đầu của lớp đã thi trượt đại học. Nhưng chỉ có thế, tôi không dám đạp xe đến nhà bạn và cũng chẳng có cách nào liên lạc được, bởi lúc ấy phương tiện thông tin duy nhất chỉ là viết thư. Nhưng sẽ viết như thế nào, bạn ấy có hiểu cho lòng mình chân thật hay cho rằng mình đang cố làm tổn thương một người thi trượt. Cứ thế, tôi giữ tâm trạng mình cho đến tận ngày nhập học đại học. Mùa hè cuối cùng của đời học sinh kết thúc với chúng tôi bằng niềm vui không trọn vẹn bởi có những người bạn phải ở lại quê nhà. Sau một hai mùa thi tiếp theo có bạn lập gia đình, có bạn xác định gắn mình với đồng làng, một vài bạn quyết định đi làm ăn xa. Cô bạn ấy đã chọn cách thứ nhất, lập gia đình, làm mẹ khi tuổi còn rất trẻ. Những hình vẽ cô tiên và lời chúc trong cuốn lưu bút chẳng thay đổi được một thực tế phũ phàng với các bạn. Cuộc sống là thế, như một manh chiếu hẹp, có người may mắn thì sẽ có những người phải chịu thiệt thòi.

(Ảnh minh họa của Phạm Nam Nam)

Bây giờ, những học sinh của thời đại mới bước vào mùa thi bằng một tâm thế an nhiên hơn. Chúng cũng chẳng cần phải giấu trong lòng mình những điều thầm kín vì phương tiện và công nghệ sẽ giúp chúng có thể trải lòng bất cứ lúc nào, ở những dạng thức khác nhau. Chúng có thể chẳng hiểu gì về những mùa ve như thế, nhưng những người “ngày xưa” thì nhớ mãi. Đó là những mùa thi nóng bỏng trong mùa ve, cùng những buồn vui thuở thiếu thời...

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-nghe/nhung-mua-ve-cu/19876.htm