'Những mùa rẫy' tươi sáng của Tây Nguyên

'Những mùa rẫy' (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) là tập truyện ngắn đầu tay của nữ tác giả người dân tộc Êđê H'Xíu H'Mok. Đơn giản, nhẹ nhàng, tình cảm, tươi sáng và lạc quan là những gam màu đặc trưng của tập truyện.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk, tác giả H’Xíu H’Mok được nuôi dưỡng bởi mạch nguồn văn hóa đặc trưng của đồng bào Êđê. Do đó, 13 truyện ngắn của cô khắc họa khá rõ lối sống, nếp nghĩ của con người nơi đây, đặc biệt, thể hiện rõ chế độ mẫu hệ trong cộng đồng. Nơi mà người nữ được phép chọn chồng, bắt rể, là trụ cột của gia đình.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk, tác giả H’Xíu H’Mok được nuôi dưỡng bởi mạch nguồn văn hóa đặc trưng của đồng bào Êđê. Do đó, 13 truyện ngắn của cô khắc họa khá rõ lối sống, nếp nghĩ của con người nơi đây, đặc biệt, thể hiện rõ chế độ mẫu hệ trong cộng đồng. Nơi mà người nữ được phép chọn chồng, bắt rể, là trụ cột của gia đình.

Các nhân vật chính trong truyện phần lớn là nữ, từ cô gái tuổi đôi mươi đầy ước mơ đến người mẹ tảo tần, người bà với những hoài niệm ngày xưa. Dù là ai, ở họ vẫn có sự nối tiếp và trao truyền văn hóa, gìn giữ phong tục tập quán của dân tộc. Tiêu biểu như ở truyện “Bộ đồ mới của aduôn Đing”, cô cháu gái H’Linh đã cố gắng học lớp dạy nghề dệt thổ cẩm của hội phụ nữ huyện tổ chức để có việc làm, nhưng hơn hết cô muốn tự tay dệt tặng người bà yêu quý bộ đồ truyền thống. Ở nơi đó còn có tình yêu chung thủy của vợ chồng, sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái, hay tình yêu dành cho mảnh đất quê hương đầy nắng gió... được nối dài xuyên suốt qua bao thế hệ, là mạch cảm xúc được tác giả quan tâm khai thác qua những câu chuyện nhẹ nhàng, ý nghĩa.

Ở một khía cạnh khác, buôn làng vẫn có những cô gái trẻ muốn được học hành tới nơi tới chốn, được đi xa để nhìn ngắm thế giới và trở nên thành đạt. Đó là Mlan trong truyện “Anak wit leh - Con đã về”, là Rem trong “Amí còn yêu chị lắm”, là H’My trong “Người đợi bên hiên nhà dài”… Có người được gia đình ủng hộ, có người bị phản đối, nhưng họ vẫn quyết tâm khám phá cuộc sống và những chân trời mới. Những câu chuyện vì thế không bị một màu mà sát với đời sống thực tế, cho thấy sự thay đổi không ngừng của xã hội.

H’Xíu H’Mok cũng không ngại nói về những hủ tục hay những hạn chế trong đời sống, trong suy nghĩ của người Êđê, để từ đó đề cao những tiến bộ, những thay đổi tích cực của đồng bào khi có sự tác động từ bên ngoài qua các truyện: “Người đàn bà có bùa ngải”, “Nắng cũng đang vui”… Không giáo điều, không tuyên truyền mà lại đi vào lòng người bởi cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề rất tự nhiên, gần gũi và thuyết phục. Như cái cách mà người phụ nữ khiến dân làng tin tưởng qua việc cứu người bị rắn cắn, hay như niềm vui của đứa trẻ ham học khi thầy cô thuyết phục được người cha nát rượu đồng ý cho con đến trường…

Khép lại tập truyện là nỗ lực giữ gìn văn hóa đại ngàn của một chàng trai người Kinh sinh ra và lớn lên trên vùng đất đỏ bazan này trong truyện “Hồn chiêng về với đại ngàn”. Anh dành nhiều tâm huyết xây dựng một ngôi nhà nhỏ ở Buôn Ma Thuột để lưu giữ những hiện vật sưu tầm về văn hóa Tây Nguyên. Ngôi nhà trở thành một bảo tàng về văn hóa, đón tiếp những vị khách yêu thích khám phá cổ vật cùng những tích, truyện về Tây Nguyên. Để từ đó, tình yêu với vùng đất và con người nơi đây lan tỏa đến các dân tộc anh em, đến khách du lịch gần xa...

CÁT ĐẰNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/-nhung-mua-ray-tuoi-sang-cua-tay-nguyen-a132127.html