Những mùa khô lặng lẽ

Trời biên giới hanh hảnh nắng, tiếng ve kêu như khiến cả một khoảng rừng khộp dưới chân dãy Chư Mom Ray vốn đã nỏ lại càng trở nên rạc rầy dưới nắng. Đã chớm đầu mùa khô, bình minh thường đến sớm và hoàng hôn đổ bóng muộn nơi tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Ban ngày trời nắng như nung và đêm đến lại buốt lạnh từng cơn khiến con thú trên rừng cũng ngại rời ổ kiếm ăn trong vùng rừng xơ xác.

1. Vậy mà đã mấy mươi năm nay, cứ vào những tháng ngày “khô khan rừng khộp, khô gầy rừng le” thì những chiến sĩ của Đội K53 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum lại chia quân về các hướng để tìm kiếm và quy tập hài cốt các liệt sĩ đã hi sinh tại chiến trường Lào và Campuchia trong những năm chiến tranh ác liệt. Chờ đón các anh bên kia biên giới để cùng bước vào hành trình mùa khô năm 2019 chính là những cán bộ chiến sĩ thuộc đội công tác đặc biệt của 3 tỉnh Attapeu, Champasak và Sekong (nước CHDCND Lào).

Trong niềm rưng rưng xúc động, Thượng tá Trần Kiệm, nguyên Đội trưởng Đội K53 giai đoạn 2002-2006 và Thượng tá Nguyễn Xuân Lý - Tham mưu phó Huyện đội Sa Thầy, nguyên Chính trị viên Đội K53 giai đoạn 2002-2008 như sống lại những tháng ngày cùng anh em trong Đội lăn lộn khắp 3 tỉnh Hạ Lào và tỉnh Ratanakiri (Campuchia) làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Sau 24 năm thực hiện nhiệm vụ trên đất Lào (1994-2018) và 17 năm trên đất Campuchia (2001-2018), với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của ban công tác đặc biệt và lực lượng vũ trang các tỉnh bạn, Đội K53 đã tìm kiếm, quy tập, hồi hương được trên 1.300 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 872 hài cốt liệt sĩ ở nước bạn Lào và 387 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong nước.

Từng tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại mặt trận Tây Nam Campuchia, sau khi bàn giao lại địa bàn quản lý cho quân đội nước bạn, Thượng tá Kiệm trở lại Kon Tum công tác tại Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Năm 2002, ông chính thức đảm nhận vai trò Đội trưởng Đội K53. Vậy là suốt gần 5 năm, từ Ta Ven, Pu Luông, Xa Mạc Khi Xay, Sekong, Đak Chưng, Pắc Sế, Ban Lung... những cứ điểm năm xưa bộ đội Việt Nam từng sát cánh với bộ đội Pa Thét Lào cùng bộ đội Campuchia chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, giọt máu cuối cùng giờ đây lại in dấu chân ông cùng những người lính thế hệ sau.

Đội K53 ăn cơm ngay tại nơi khai quật mộ liệt sĩ.

Đội K53 ăn cơm ngay tại nơi khai quật mộ liệt sĩ.

Mấy thập niên vượt rú, qua truông trên đất bạn để tìm đồng đội khắp nẻo chiến trường, lặng lẽ đồng hành cùng ăn, cùng ở. Và, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ông và đội công tác đặc biệt là những chiến sĩ đảm nhiệm công tác bảo vệ an ninh cho Đội K53 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Attapeu.

2. “Trong kháng chiến, quân đội và nhân dân hai nước nương tựa vào nhau cùng làm nên chiến thắng giải phóng dân tộc, giờ hòa bình rồi nhưng tình nghĩa ấy chưa hề phai nhạt. Tôi nhớ những gương mặt còn rất trẻ đẫm mồ hôi khi vượt đỉnh cao, rà phá bom mìn của những chiến sĩ bảo vệ thuộc Tiểu đoàn 163, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Champasak, nhớ ánh mắt ấm áp và giọng nói chí tình của anh Sam Phu - cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Attapeu khi anh nói rằng, anh vô cùng trân trọng tình cảm Việt - Lào và rất yêu quý người Việt Nam nên khi được giao nhiệm vụ kết hợp với các chiến sĩ Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, anh luôn nỗ lực hết mình để các chiến sĩ Việt Nam đã hi sinh trên đất Lào được trở về quê hương, đoàn tụ với đồng đội, với gia đình” - Thượng tá Kiệm chia sẻ.

Chúng tôi theo chân các cán bộ của Đội K53 trở lại núi Pu Luông, bản La Nhao Tạy, huyện Xa Mạc Khi Xay, tỉnh Attapeu. Trở lại với rừng khộp Tây Nguyên đang vào mùa “chết”, để cùng rừng hoài niệm lại 25 mùa khô mà các thế hệ cán bộ chiến sĩ Đội K53 đã trải qua trong hành trình không mệt mỏi khắp các vùng rừng núi nước bạn. Sau hơn 40 năm, ngọn Pù Luông cao trên 1.200m, vách đá dựng đứng không một cây xanh và ẩn họa rất nhiều bom mìn, vật liệu nổ khiến những chiến sĩ Đội K53 khó hình dung được đây là nơi chôn cất các liệt sĩ.

Người dân nơi đây trong những năm kháng chiến đã gắn bó và giúp đỡ bộ đội Việt Nam, nay cũng tích cực cung cấp thông tin về khu mộ tập thể này. Bà con cho biết, trên điểm cao ấy, tại hõm núi duy nhất ở độ cao 413m là căn hầm cứu thương của bộ đội Việt Nam trước tháng 10-1970. Hõm núi cao 6m, dài gần 40m này bị máy bay Mỹ đánh hơi phát hiện, dội bom, đá rơi lấp miệng hang. Người dân cung cấp thêm rằng, trong hang có khoảng 30 người nhưng vào ngày Mĩ dội bom thì có 3 người ra ngoài công tác nên may mắn thoát chết.

Cửa hang cứu thương năm xưa vẫn không khác biệt là bao. Có chăng là những người đã chôn vùi tuổi xuân giữa lòng hang đã được về cùng đồng đội, về cùng đất mẹ. Thắp bó nhang thơm, khói hương quấn quyện khấn vọng anh linh người đi trước, Thượng tá Nguyễn Xuân Lý nhớ từng vị trí năm xưa anh cùng anh em đã đào suốt mấy ngày đêm để tìm hài cốt: “Điều chúng tôi day dứt nhất là hầu hết hài cốt các bác ở trong hõm núi Pù Luông đều là liệt sĩ chưa biết tên, không được quấn trong tăng, võng mà là 24 hài cốt nằm cạnh nhau. Bởi theo người dân kể lại, khi bom Mĩ ập xuống, đất đá vỡ vụn, các thương, bệnh binh và chiến sĩ quân y biết việc gì sẽ đến nên các anh ôm chặt lấy nhau, chồng chất những vòng tay bên tay, xác bên xác. 3 người còn lại thì vẫn chưa tìm được. Tôi cùng anh em trong đội cũng như các đồng chí bộ đội bảo vệ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Attapeu đều không cầm được nước mắt”.

Đội quy tập vượt sông Mê Kông vào địa bàn tìm hài cốt liệt sĩ; Đội quy tập xúc động, nâng niu hài cốt liệt sĩ vừa tìm được.

Bản Pêu (huyện Munla Pamộc, tỉnh Champasak, Lào) cũng là một trong những nơi mà tình đoàn kết, giúp đỡ chí nghĩa chí tình giữa những người bạn Lào và Đội K53. Tại bản nhỏ lặng lẽ và bình yên này, những cán bộ phụ trách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hai nước đã ròng rã 16 năm. Trong chừng ấy năm, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của các anh. Từ tháng 10 năm trước tới tháng 5 năm sau, các anh đều tạm trú tại đây để tiện chia hướng đường mở rộng phạm vi khảo sát, tìm kiếm.

Trung tá Lê Công Khoa, Đội trưởng Đội K53 cho biết, dẫu cơ sở vật chất đã xuống cấp, hệ thống phòng nghỉ hạn chế, song bạn rất thịnh tình sắp xếp nơi ăn nghỉ phù hợp cho Đội công tác. Những ngày đông tháng giá nơi biên giới, những chiến sĩ của hai nước cùng kề cận bên nhau, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi hành trình của các phân đội K53 đều có sự bảo vệ, hỗ trợ tận tình, trách nhiệm của các chiến sĩ bảo vệ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Champasak. Bạn không chỉ giúp ta tìm kiếm, xác nhận thông tin mà còn hỗ trợ thăm dò địa bàn, rà phá bom mìn, cung cấp nước cùng các nhu yếu phẩm không thể mang theo dài ngày.

Trung tá Lê Quang Hiển, nguyên Đội phó Đội K53 giai đoạn 2006-2011 nhớ lại: “Đằng đẵng 16 năm trời mới tìm thấy 5 liệt sĩ, nhiệm vụ ấy khó có thể hoàn thành nếu không có sự ủng hộ của các cán bộ trong ban công tác đặc biệt của bạn. Có thời điểm, đến bản Pêu còn chưa có đường ô tô, mà điều kiện kinh tế của bạn còn rất khó khăn, song đội đã được bạn sử dụng máy bay đưa từ Champasak đến tận huyện Mường Mun. Suốt 16 năm bám trụ tại đây, năm nào, vào dịp lễ tết của Việt Nam hay của Lào, cán bộ của bạn lại đến khu vực Đội đang đóng quân để thăm hỏi, động viên. Nếu không có sự giúp đỡ, đùm bọc của bà con dân bản, các cấp chính quyền và đặc biệt là các bộ chỉ huy quân sự nước bạn thì không thể tìm được mộ của các liệt sĩ”.

Còn Đại tá Bun-Mạc Vi-La-Vong, Chỉ huy trưởng chính trị Bộ Chỉ huy quân sự, Phó Ban Công tác đặc biệt tỉnh Champasak thì khảng khái nói với chúng tôi rằng: “Nhân dân Lào luôn biết ơn các chiến sĩ quân đội hai nước đã hi sinh vì nền độc lập. Là một người lính, luôn biết ơn những người đã đi trước, biết ơn những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã hi sinh vì sự hòa bình của hai dân tộc. Vì vậy, tôi luôn nói với anh em trong đơn vị là, làm được gì để giúp đỡ đội công tác K53 thì đều phải cố gắng hết mức.

Qua nhiều năm gắn bó, tôi cũng như những đồng chí tham gia bảo vệ Đội K53 đã thân thiết, chia sẻ với các đồng chí Việt Nam như người một nhà. Anh em không chỉ đồng hành với Đội suốt mùa khô mà cả sau khi Đội rút về Việt Nam vào mùa mưa, anh em lại tranh thủ vào các phum, sóc vận động nhân dân và các nhân chứng tham gia cung cấp thông tin tìm mộ liệt sĩ. Chúng tôi coi nhiệm vụ của Đội K53 chính là nhiệm vụ của mình”.

Già làng người Lào tích cực chỉ đường cho bộ đội Việt Nam tìm hài cốt liệt sĩ.

3. Có một điểm chung là mộ liệt sĩ thường nằm ở những khu vực địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu và rất xa khu dân cư. Đây cũng chính là yếu tố để đảm bảo an toàn cho bộ đội ta trong điều kiện chiến tranh. Đến nay, hàng chục năm trôi qua, cảnh vật đã thay đổi nhiều song cơ bản đây vẫn là những vùng không dễ tiếp cận. Tại tỉnh Sekong, những lần luồn rừng giữa chang chang nắng đốt, dìu nhau vượt dốc, qua đèo, ca nước nhường nhau, miếng lương khô chia nửa đã làm nên nghĩa tình giữa những đội viên K53 và những người đồng chí nước bạn.

Do công việc nặng nhọc, lại sống cả nửa năm trong rừng nên sốt rét, ghẻ lở đã trở thành bệnh thường gặp với hầu hết các thành viên của đội. Những xóm bản có thông tin về nơi an nghỉ của bộ đội Việt Nam bao năm qua đã quen với sự xuất hiện của các cán bộ làm công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ của hai tỉnh.

Những khi thời tiết không thuận lợi, bạn đã cùng ta triển khai làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp bà con hiểu về chính sách của hai Đảng, hai chính phủ về công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ của bộ đội Việt Nam, đồng thời “ba cùng” giúp đỡ nhân dân nước bạn chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, vượt qua thiên tai, dịch bệnh... Rồi bạn tranh thủ giúp cán bộ của ta học tiếng Lào, tìm hiểu phong tục tập quán của các dân tộc để dễ dàng hòa nhập cùng bà con. Khi quy tập được hài cốt liệt sĩ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang nước bạn đều tổ chức lễ bàn giao và tiễn các liệt sĩ về nước rất trọng thể.

Đại tá Sổm Thong-Đon Căn Nọi, Chỉ huy trưởng chính trị Bộ Chỉ huy quân sự, Trưởng Ban Công tác đặc biệt tỉnh Sekong nhấn mạnh: “Theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Lào, tại các địa phương nơi đội quy tập mộ liệt sĩ làm việc, chính quyền tỉnh Sekong đều cử cán bộ quân đội và công an hỗ trợ đảm bảo công tác an ninh, phiên dịch và hậu cần. Hằng năm, chúng tôi đều phát động phong trào tìm kiếm, cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trong nhân dân.

Trước tinh thần tận tụy, trách nhiệm của các thành viên Đội K53, chúng tôi rất cảm phục và xác định, dù khó khăn, gian khổ thế nào, chúng tôi cũng quyết tâm khắc phục để tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt các liệt sĩ. Bởi sự hi sinh đó là vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng của đất nước Lào, giúp chúng tôi giải phóng đất nước. Đây là sự hi sinh cao cả, Đảng và Nhà nước, nhân dân Lào không bao giờ quên”.

Phạm Vân Anh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nhung-mua-kho-lang-le-554355/