Những mùa hè đã xa

Hà Nội mùa hè những năm 1970-1971 đã cách nay tròn 50 năm. Đó là những mùa hè kỳ lạ với lũ trẻ vừa bước ra khỏi những ngày sơ tán về các vùng nông thôn.

Những kỳ nghỉ hè trong ký ức đối với trẻ thơ được vui chơi luôn là những ngày tuyệt vời nhất

Những kỳ nghỉ hè trong ký ức đối với trẻ thơ được vui chơi luôn là những ngày tuyệt vời nhất

Thực ra thì lũ trẻ đã lục tục quay về Hà Nội từ năm học 1968. Chúng được gia đình xin cho học ở các trường ngoại thành vì lúc ấy trong phố chưa được phép mở cửa trường học. Dù rằng đã có lệnh ngừng ném bom từ phía Mỹ nhưng mối hiểm họa vẫn luôn rình rập. Chẳng có một lời hứa nào từ kẻ thù là đáng tin cậy cho đến lúc ấy. Phải đợi đến năm học 1969 các trường phổ thông trong phố mới đi vào hoạt động hoàn toàn bình thường.

Lũ trẻ sau 5 năm học hành ở các vùng quê sơ tán và ngoại thành đã hầu như quen thuộc với nếp sống nông thôn. Những mái tóc cháy nắng khét lẹt màu râu ngô, những nước da đen nhẻm và quần áo nhuốm màu bùn đất. Những đôi dép cao su mòn vẹt kỷ niệm từ những ngày cuốc bộ đi học hàng chục cây số đường làng vẫn được mang về phố bước đi trên những vỉa hè chói chang nắng.

Thế nhưng mọi sinh hoạt của bọn trẻ ngay lập tức bắt nhịp với sinh hoạt phố phường như những ngày trước khi sơ tán. Đánh bi, đá bóng, đánh khăng, đá cầu chinh, nhảy dây, chơi chuyền khắp các vỉa hè còn chưa lát gạch. Cái sân chơi lúc ấy không chỉ gói gọn trong sân trường. Nó lan tỏa ra hầu hết những con phố còn vỉa hè đất và cỏ trên những tuyến phố nhánh Hai Bà Trưng, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…

Trò chơi ở phố khác hẳn với các vùng nông thôn ở chỗ còn kéo dài sang cả buổi tối. Những năm sơ tán leo lét ngọn đèn dầu chỉ được thắp đến 7h tối là phải tắt để đỡ tốn dầu. Và cũng là thực hiện một chủ trương phòng không rất ấu trĩ hồi ấy là để khỏi lộ mục tiêu cho máy bay địch đánh phá.

Được về lại Hà Nội, những trò chơi buổi tối được bắt đầu như cũ. Sẩm tối là đèn pin, đèn dầu đi quanh các gốc cây ven hồ, trong công viên soi ve. Ánh đèn lấp loáng luồn lách dưới những tàng cây oi ả tiếng ve chiều như một rừng hoa đăng. Chẳng đứa nào bảo đứa nào nhưng hình như chúng rất ý thức với trò chơi im lặng này. Không một ai to tiếng ồn ào. Cứ lặng lẽ bắt từng con ve đang lột hoặc vừa lột xác xong cho vào chiếc lồng xinh xắn tự tay đan bằng que kem và dây đồng.

Trò chơi tiếp theo sau khi mang lồng ve về cất ở nhà là trốn tìm, trèo sấu trèo me hái quả. Lũ con gái mang dây ra nhảy hoặc hí húi trước những ngôi nhà có ánh đèn điện hắt ra chơi chuyền, chơi ô ăn quan. Mùa hè ở phố hầu hết dân phố sử dụng cái vỉa hè trước cửa nhà mình làm nơi sinh hoạt chuyện trò hóng mát. Thành phố chưa đủ điện thắp sáng và chạy quạt máy. Gần như luân phiên cắt điện cả tuần với nhà dân. Nhiều nhà chật chội đêm xuống còn phải mắc màn ra vỉa hè hòng đón vài cơn gió lạc. Nhưng niềm vui được sống trong hòa bình đã át đi tất cả. Rạng rỡ trên gương mặt họ là những nụ cười không dứt.

Mùa hè năm 1971 tưởng êm đềm trôi qua phố với những háo hức hồn nhiên của lũ trẻ mà không hẳn thế. Cơn lũ lịch sử lưu vực đồng bằng sông Hồng đang rình rập. Cho đến những ngày giữa tháng 8, khi những tiếng ve cuối cùng còn cất giọng khàn khàn thưa nhịp trên phố cũng là lúc cuộc báo động lũ lụt lên đến cấp cao nhất. Trận đại hồng thủy năm ấy nhà nhà bên ngoài đê gấp rút di chuyển đồ dùng thiết yếu và con người vào bên trong đê.

Nhà văn Đỗ Phấn

Các gia đình trong phố lúc này hào phóng đón đồng bào mình vào ở nhờ, ở tạm dù rằng trước đó chẳng mảy may quen biết. Phần lớn được bà con ở phố cưu mang nhưng cũng có những người vì sinh kế phải dựng lều lán suốt dọc con đê sông Hồng đoạn ngang qua thành phố. Đó là những người làm công việc chèo đò giúp những người còn trụ lại duy trì sinh hoạt bên dòng nước lũ.

Lũ trẻ sau 5 năm học hành ở các vùng quê sơ tán và ngoại thành đã hầu như quen thuộc với nếp sống nông thôn. Những mái tóc cháy nắng khét lẹt màu râu ngô, những nước da đen nhẻm và quần áo nhuốm màu bùn đất. Những đôi dép cao su mòn vẹt kỷ niệm từ những ngày cuốc bộ đi học hàng chục cây số đường làng vẫn được mang về phố bước đi trên những vỉa hè chói chang nắng.

Nhà văn Đỗ Phấn

Lúc đỉnh lũ đã lên đến gần mặt đê con chạch, lũ trẻ trong phố thỉnh thoảng kéo nhau ra bờ sông lén lên mặt đê ngắm nhìn ra dòng sông mênh mang đỏ quạch ầm ì sóng vỗ. Đó là con nước lớn nhất trong lịch sử hơn 100 năm trước của Hà Nội. Những mái nhà chỉ còn loi thoi ẩn hiện trong dòng nước dữ. Rắn, chuột, chó, mèo lạc tìm đường chạy lên mặt đê. Số còn lại kêu gào trên những nóc nhà ngấp nghé nước.

Toàn bộ dân ngoài đê đã không còn nơi trú ẩn an toàn phải chuyển hết vào bên trong. Những góc phố nghi ngút khói và mùi củi ướt, mùn cưa ẩm thoang thoảng chua nồng. Rất may thảm họa vỡ đê đã không xảy ra ở thành phố. Nhưng đó cũng là lần duy nhất Hà Nội lại mang một gương mặt làng xã thân thuộc sau hơn nửa thế kỷ đã phát triển như một đô thị hiện đại.

Giờ đây, con sông Hồng gần như đã an toàn tuyệt đối. Rất nhiều năm rồi không còn thấy cảnh bà con ngoài đê chạy lũ vào trong phố. Ngoài ấy bây giờ cũng phố xá nườm nượp người. Đi ra vào những giờ cao điểm cũng thấy cảnh tắc đường y như trong phố. Nhiều đoạn phố xá ngoài ấy bây giờ có bình độ còn cao hơn cả trong phố. Có cảm giác như dòng sông đã trở thành một con máng nổi cạn dòng được giới hạn bởi hai con đê bên bờ. Mùa hè ở phố bây giờ hình như càng thêm bức bối bởi cái máy điều hòa thiên nhiên ấy đã không còn đủ nước để làm công việc hàng nghìn năm của mình nữa.

Và lũ trẻ ở phố bây giờ cũng không còn được thả sức chạy nhảy nô đùa trên vỉa hè mát rượi bóng cây nữa. Chẳng biết là do không còn đủ trẻ con để chạy hay quá thiếu vắng những bóng cây cổ thụ bên đường. 5 giờ sáng chạy thể dục trên đường Kim Mã cũng chỉ còn thấy xào xạc vài tiếng ve vọng về từ công viên Thủ Lệ. Nhớ đến nao lòng những mùa hè đã xa…

Nhà văn Đỗ Phấn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/nhung-mua-he-da-xa/856133.antd