Những mùa bí xanh ở Lưu Thông

Cứ dịp cuối mùa rẫy, đồng bào Mông ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) thường tập trung đông đủ để làm mâm cúng giản dị cảm ơn trời đất giúp mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, năng suất năm sau cao hơn năm trước. Trong số nhiều loại cây trồng, bí xanh được coi là cây chủ lực giúp đồng bào Mông ở bản Lưu Thông xóa đói, giảm nghèo.

Gương điển hình

Già làng Vừ Tổng Mà, bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) thu hoạch bí trên nương.

Già làng Vừ Tổng Mà, bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) thu hoạch bí trên nương.

Như nhiều bản Mông khác, trước kia Lưu Thông cũng là bản đói nghèo, phần lớn người dân chỉ biết kiếm tiền bằng việc trồng cây thuốc phiện. Cũng chính vì loài cây này mà không ít người đã lâm vào cảnh nghiện hút, của nả đội nón ra đi, bản thân vướng vào vòng lao lý, sức khỏe suy kiệt. Cuộc sống cứ lầm lụi trong đêm đen như thế, ngày này qua ngày khác... Năm 2002, trong một lần xuống chợ, người dân Lưu Thông nhìn thấy nhiều người Thái, người Kinh ở các bản lân cận gùi trái bí xanh bán lấy tiền, vì thế mà ai cũng đủ ăn, đủ mặc, con cháu được đi học cái chữ. Vậy là, họ quyết định xin giống về trồng thử.

Vụ đầu tiên, đồng bào Mông ở Lưu Thông trồng bí xen với lúa để tiện chăm sóc, bón gốc giống cây mới này. Nhưng mọi việc không dễ như mong muốn của họ. Năm ấy, bí không được tốt, lá bị sâu ăn nhiều, chậm lớn, và không có quả. Đồng bào Mông ở Lưu Thông quyết định xuống trung tâm huyện gặp cán bộ khuyến nông để học tập kỹ thuật trồng bí nơi đất dốc, đất cao.

Có thêm kinh nghiệm, họ quyết chí làm lại từ đầu. Nhờ tiếp cận khoa học kỹ thuật, đồng bào Mông đã trồng bí thành công. Bí lên xanh tốt, không bị sâu ăn lá, cho nhiều quả to. Khi ấy, bí không chỉ làm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày, họ còn đem xuống chợ bán, có thêm tiền. Cứ như vậy, mỗi mùa có nhà lại làm từ hai đến ba rẫy bí trở lên, năm nào bí cũng đầy hiên. Giờ đây đồng bào Mông ở Lưu Thông không chỉ biết nuôi, trồng những cây, con truyền thống như lúa, ngô, gà, lợn để tự cung, tự cấp cho cuộc sống hằng ngày nữa, mà cả bản đã biết trồng bí xanh để làm hàng hóa.

Trưởng bản Lưu Thông Vừ Giống Nênh phấn khởi cho biết, hằng năm có nhà thu hoạch được nhiều nhất là hơn 120 tấn bí, còn thu ít cũng được hơn 60 tấn. Nguồn thu từ quả bí mang lại cho bà con dân bản từ 30 đến 80 triệu đồng mỗi năm. Bản Lưu Thông có hơn 53 hộ, với 335 nhân khẩu. Đồng bào Mông nơi đây không chỉ có ý thức trong phát triển kinh tế, mà còn là bản tiêu biểu về mọi mặt. Ghi nhận những thành quả đó vào năm 2005, Lưu Thông trở thành bản Mông đầu tiên ở Tương Dương đạt danh hiệu “làng văn hóa”.

Chủ tịch UBND xã Lưu Thông Vi Văn Bằng tự hào cho biết, Lưu Thông có những con người tâm huyết trong phát triển kinh tế, nhất là trồng các loại nông sản hàng hóa, như bí xanh, khoai sọ, gừng. Chính vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của bản mỗi năm giảm hơn 10%. Đáng chú ý, hiện nay bản không có tội phạm ma túy, không có người nghiện hút.

Bài và ảnh: ĐÌNH TỶ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37457502-nhung-mua-bi-xanh-o-luu-thong.html