Những món ngon đặc sản Việt Nam tại Grand Saigon

Đến với khách sạn 5 sao Grand Saigon của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), thực khác sẽ có dịp trải nghiệm nhiều món ngon thú vị của những vùng đất. Đây cũng là chiến lược của đơn vị nhằm góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam.

Hủ Tiếu Bắp Chìa Đắk Lắk: món đặc trưng của vùng đất Cao Nguyên

Chỉ người dân Ban Mê mới có món “Chìa” như thế này, cắt ra từ bắp chuối trước của heo tộc, mỗi cái chân lóc được duy nhất cái “Chìa” nạc.

Điều đặc biệt nữa là rau sống gồm xà lách được bào nhỏ trộn chung rau thơm để ăn hủ tiếu.

Hủ Tiếu Mỹ Tho với hơn 100 năm danh tiếng: Đặc sản nổi danh vang tiếng từ xưa đến nay.

Hủ tiếu Nam Vang với hủ tiếu Mỹ Tho ngày xưa có khác nhau về bún và gia vị, nhưng ngày nay về cơ bản thì như nhau. Điều làm nên hương vị riêng khiến cho hủ tiếu Mỹ Tho trở nên nổi tiếng kể từ thập niên sáu mươi chính là nhờ việc chọn hạt gạo làm ra sợi bánh và nối nước lèo pha chế của đầu bếp trứ danh đất Mỹ Tho.

Hủ tiếu ngon nhất phải làm bằng gạo Gò Cát (giống lúa đặc sản) ở xã Mỹ Phong, ngoại thành Mỹ Tho. Thịt tủy xương ống hầm rục, thêm thịt bằm mà thành, nhưng phải có vài thứ gia vị “bí truyền” mới thơm ngây ngất, ngọt lịm đặc trưng.Hủ tiêu Mỹ Tho là món ăn đặc sản đậm đà chất Nam Bộ, gợi về quê hương, kỷ niệm với những ai đã từng tri âm, tri kỷ với đất Mỹ Tho và người dân Đất phương Nam.

Súp lươn Nghệ An: Súp lươn - đặc sản của thành phố Vinh – Nghệ An

Thành phố Vinh có rất nhiều đặc sản nổi tiếng và lươn đồng là đặc sản không thể thiếu khi nhắc đến các loại đặc sản của Xứ Nghệ: Súp lươn thường được thưởng thức với bánh mì (như ăn bánh mì sốt vang) thì hương vị rất riêng của súp lươn được hiện ra rõ nhất.

Người sành ẩm thực thường ăn súp lươn với bánh mì đã được rán giòn.Súp lươn thường được ưa thích nhất vào mùa lạnh hoặc mùa mưa để vị cay nồng, làm ấm lòng người thưởng thức. Vào mùa đông hoặc những ngày thời tiết mát mẻ mà có bát súp lươn nóng hổi với vị ngọt của lươn, vị cay của ớt, mùi thơm của rau răm đảm bảo bạn sẽ nghiện món này. Súp lươn được coi là niềm tự hào xứ Nghệ bởi cách chế biến hết sức đặc biệt với hương vị đặc trưng không ở đâu có.

Bánh Giá + xôi vò Gò Công: nổi danh của xứ Gò Công

Ở Miền Nam Bánh Giá ra đời đúng 100 năm, bánh được làm ra bán cho công chúng từ năm 1916 đến nay, đặc trưng chỉ xuất hiện tại tỉnh Gò Công, sau này trong tỉnh có nhiều nơi cũng chiên bánh Giá, vùng đất lành chợ Giồng Ông Huê thuộc làng Vĩnh Lợi, Bánh Giá nổi lên chen vai với những món ngon đặc sản như mắm Tôm Chà, mắm Còng Lột.

Bánh Giá ngon nhờ nguyên liệu tươi sống, bột đạt yêu cầu đã đành nhưng củi lửa, dầu mở, vá chiên bánh cũng không kém phần quan trọng, nhưng để đạt chiếc bánh chất lượng trong đó kinh nghiệm người làm bánh được tính hàng đầu.

Bánh Giá là món ăn đặc sản của tỉnh Gò Công, đã trở thành món ăn thân quen hằng ngày không những trong giới bình dân mà còn quyến rũ cả giới nhà giàu, trí thức.

Bánh Giá cũng có mặt trên bàn ăn nhiều gia đình quê tôi vào những ngày, lễ cưới, tân gia, giổ chạp …

Bánh hỏi thịt nướng Gò Công: Món ăn ngon truyền thống của người miền Nam

Bánh hỏi xuất xứ miền Nam, có yếu tố hội đủ cả ba nền văn hóa bản địa là Việt-Khmer-Hoa. Bánh hỏi miền Nam thì thường được phủ lên trên một lớp hành lá xắt nhỏ phi bằng mỡ heo. Sợi bánh hỏi nhỏ chỉ bằng sợi chỉ, mỏng manh xếp lớp lên nhau như những sợi tơ trắng thành hình “cái” bánh hỏi, áng chừng hơn hai ngón tay xếp lại.

Cách ăn bánh hỏi của người miền Nam thường dùng tay “bốc” cuốn bánh hỏi với rau xà-lách hoặc bánh tráng. Yếu tố “ăn bốc” là một yếu tố xa lạ với cách ăn của người Việt (gốc Bắc), vốn là quê hương của các lưu dân. Người Khmer ảnh hưởng nặng bởi văn hóa Ấn Ðộ, từ đạo Bà-la-môn, cho tới chữ viết và cách“ăn bốc”.

Cháo lòng Gò Công: Món ăn nổi tiếng tình Tiền Giang

Cháo lòng miền Tây có hai vị là cháo nấu bằng gạo rang và gạo trơn. Tô cháo miền Tây có màu vàng, hơi nâu, thơm mùi gạo rang. Vì cháo loãng nên ăn kèm bánh quẩy là vừa, không quá đặc và bị ngấy. Bên cạnh rau thơm ăn kèm như nhiều quán lòng miền Bắc, cháo lòng miền Gò Công sẽ kèm theo chén nước mắm ngọt vừa miệng, vài lát tỏi ngâm chua ngọt thái mỏng ăn giúp thực khách bớt ngao ngán.

Khi ăn, thực khách cho giá vào tô cháo, sau đó vắt thêm một ít chanh, một chút tiêu cay và một ít ớt bằm ngâm. Có lẽ, phần hấp dẫn nhất của tô cháo lòng là phèo (có vị nhân nhẩn đắng) và dồi heo. Vị sả bằm trộn trong thịt dồi vào ruột heo, sau đó chiên vàng thơm chính là vị ngon không lẫn lộn của cháo lòng miền Tây.

Hủ tiếu Mỹ Lồng: Món ăn nổi tiếng Bến Tre

Nguồn gốc của món Hủ Tiếu Mỹ Lồng đến từ miền Nam. Món ăn này đặc trưng bao gồm lòng làm bằng jam bông hấp dẫn, kèm theo miếng pate mềm với gan và sườn non tỏa hương thơm phức. Ăn kèm với nước dùng được nấu kĩ lưỡng không đơn thuần cho xương vào ninh mà là từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế đúng cách, thời gian nấu phù hợp và biết cách kết hợp với các nguyên liệu đặc trưng để tạo ra một nồi nước dùng trong, ngon ngọt tự nhiên. Cho hẹ, giá sống, ớt khoanh và cải xá bấu vào tô, nặn miếng chanh vừa ăn, xịt chút nước tương, vậy là cầm đũa trộn đều trước khi thưởng thức.

Grand Saigon là một khách sạn 5 sao cổ có vị trí lý tưởng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn ra trung tâm thành phố và sông Sài Gòn. Khách sạn hiện gồm 251 phòng cùng hệ thống nhà hàng, bar sức chứa trên 1.000 khách, cùng nhiều dịch vụ vui chơi giải trí khác, luôn đón nhận sự hài lòng của khách hàng trong và ngoài nước.

Khách sạn Grand Saigon: 8 Đồng Khởi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Điện thoại: (84-28) 3915.5555, email: info@hotelgrandsaigon.com

THANH DIỄM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-mon-ngon-dac-san-viet-nam-tai-grand-saigon-577892.html