Những món ăn sẽ trở nên vô vị nếu thiếu... mắm tôm

Mắm tôm – thứ sền sệt nâu tím, với một mùi hương nồng đượm. Đây có thể coi là một thứ đồ chấm gây mâu thuẫn nhất trong nền ẩm thực Việt Nam. Khác với những gia vị nêm chấm khác, với những người không quen họ thật sự không ấn tượng với mắm tôm vì mùi vị quá nồng mà chỉ ngửi thôi đã bịt mũi. Ấy thế nhưng, nhiều món ăn nếu thiếu đi hương vị mắm tôm thì món ăn đó thật sự đã không trọn vẹn nữa rồi.

Bún đậu mắm tôm

Bún đậu mắm tôm là món đơn giản, thế nào cũng được. Chỉ cần dăm lá bún trắng, đậu rán già hay non tùy khẩu vị, một bát mắm tôm, dăm lát ớt và một miếng quất, kèm theo nhúm rau tía tô, kinh giới… thế là đủ một bữa no mà thỏa cái mồm. Sau này người ta có thêm thịt chân giò luộc, từng lát thịt màu sậm ăn dai mềm, sần sật cái bì. Hoặc chỗ nào "xôi thịt" hơn thì có cả lưỡi luộc, rồi chả cốm rán giòn.

Mắm tôm để ăn với bún đậu cần phải qua một chút pha chế. Hầu như lúc nào cũng phải có quất để tạo độ chua, sau đó thì thêm ớt tươi - nên có - dù ăn được cay hay không. Cuối cùng thì tùy miệng người ăn, ta cho thêm chút ít đường để hãm cái vị gắt lại. Bát mắm tôm sau đó được đánh đều bằng đũa, đến bao giờ sủi một lớp bọt màu trắng phớt tím là được. Mắm tôm lúc này vị đã dịu, vừa thơm nồng mùi mắm, lại xen lẫn cái chua nhẹ nhàng của quất tươi, và cay dăm dăm đặc trưng của miếng ớt chỉ thiên.

Rất đơn giản thế thôi, nhưng linh hồn của món bún đậu chính là mắm tôm đấy. Nhiều bạn bè ở xa, mỗi lần nhắc đến Hà Nội vẫn hay ngẩn ngơ nhớ món bún đậu mắm tôm. Một món ăn có thứ nước chấm tưởng như rất nặng mùi, thế mà lại hợp đến kỳ cục. Nhỡ may mà thấy mắm tôm nồng quá, ta lại nhón tay, bứt một lá kinh giới nhâm nhi cho cái vị the the ấy át bớt đi mùi tanh của mắm. Miếng đậu rán giòn béo ngậy, lá bún dẻo thơm mùi gạo mới, những cái giản dị ấy chấm vào mắm tôm bỗng dưng trở thành một tổng hợp hương vị phức tạp, nồng đượm, chỉ nhắc đến thôi cũng đủ tự khiến vị giác ứa nước bọt ra rồi.

Bún ốc

Chẳng có món bún nào dân dã, thanh cao mà lại duyên dáng như bún ốc. Mà bún ốc đúng chuẩn gây thương nhớ khi đi xa, là phải thứ bún ốc nước trong veo, thơm mùi dấm bỗng và cà chua bổ cau, rồi nước chua dìu dịu, lẩn quẩn trong đó là mùi thơm nồng, cái mặn ấm áp của mắm tôm, đan xen bổ trợ cho nhau một cách vừa vặn. Mà cái gắt của mắm tôm lại chẳng làm bún ốc bị "lệch tông" đi chút nào.

Ngược lại, có một sự đồng điệu rất riêng giữa hai thứ dung dị này. Món bún ốc của những con ngõ nhỏ, phố nhỏ lắt léo Hà Nội; mắm tôm của những cánh đồng, của những miền quê Bắc Việt. Ăn một bát bún, có thể cảm nhận được thần thái của cả một vùng đất, cả một nét văn hóa riêng cũng là vì như vậy. Cứ nghĩ mà xem, trong cái rét ngọt đầu mùa, có gì thích hơn việc phóng xe ra gánh bún ốc quen, gọi một bát nhỏ xinh, nước thì rõ cay lại còn thơm đậm đà cái nét rất duyên của mắm tôm.

Bún riêu

Bún riêu không phải là món riêng của người Bắc. Thậm chí, bún riêu kiểu Nam Bộ lại có một đời sống văn hóa riêng chứ không bị đứng sau cái bóng của bún riêu Hà Nội, bún riêu Bắc bộ. Nhưng nếu như bún riêu Nam Bộ có thêm chả cua, rồi giò, rồi một miếng tiết- Thì bún riêu Hà Nội lại đơn giản hơn, chỉ gồm nước nấu chua, ăn kèm gạch cua và thêm mấy mẩu đậu rán là đủ. Bây giờ cầu kỳ hơn thì có chỗ nhất định phải đưa vào nào giò tai, nào thịt bò lõi. Nhưng thật ra, một bát bún riêu tinh tế thì chỉ cần chút gạch đỏ cam ở trên, ăn kèm ít rau sống, rau muống chẻ là đủ ngon nức nở rồi.

Bún riêu thì nhất định phải ăn cùng mắm tôm, thật đấy. Nó quan trọng chẳng kém gì bún ốc với mắm tôm hay bún đậu với mắm tôm đâu. Vốn dĩ bát bún riêu hương vị đã không có gì phức tạp, lại sẵn vị chua, vị béo của nước dùng, của gạch cua - thế nên ăn kèm mắm tôm lại càng hợp. Bát bún trở thành một tổng hòa duyên dáng biết mấy của tất cả những cung bậc hương vị, bỗng nhiên từ rất thanh cảnh, lại trở nên đậm đà, đặc biệt. Chỉ việc ngửi cái mùi mắm tôm hòa vào với phần nước chua cay thôi, là cũng đủ để trái tim đập thình thịch háo hức, còn bụng thì réo cồn cào, cố kéo ta đến hàng bún đang tỏa ra cái thứ mùi thơm ma mị ấy.

Chả cá

Nhắc đến ẩm thực Hà Nội mà ăn cùng mắm tôm, chắc chắn không được phép quên chả cá Lã Vọng. Tất nhiên bây giờ ở Hà Nội thì nhiều hàng chả cá lắm rồi, không phải cứ đến quán chả cá Lã Vọng thì mới được ăn. Thế nhưng, tầm ảnh hưởng của cửa hàng đầu tiên bán chả cá ở Hà Nội này, đã góp công cho việc đặt lại tên cho cả một món ăn.

Chả cá ở đây thường là cá lăng. Cá được cắt ra từng miếng vuông, to và dày. Cá này đem ướp với riềng mẻ, đôi ba thứ bí mật theo công thức riêng từng nhà, sau đó dọn ra cùng một chảo mỡ, hành hoa cắt khúc, lạc, bún và một bát mắm tôm. Ăn chả cá, người ta đổ hết cá vào chảo mỡ đang nóng liu riu, rồi đảo nhanh với thì là, hành, ai thích ăn lòng cá thì gọi thêm một bộ lòng vào đảo cùng nữa. Cá lúc này chín rồi, vàng đượm, thơm nức mùi riềng mẻ và đến lúc này mới là lúc quan trọng nhất, khi bạn gắp miếng cá ra khỏi chảo, rồi chấm nhẹ vào bát mắm tôm. Cảm giác cái mùi hăng ấm của riềng, của mẻ khi quyện với cái nồng nồng của mắm tôm không hiểu sao thật sự khăng khít và… đúng đến lạ.

Cùng miếng cá đấy, chấm vào bát nước mắm là thành vô duyên ngay. Thế mà quyện với mắm tôm sao mà hợp thế, sao mà ngon lành thế. Miếng cá giòn dai, vỏ ngoài vàng đượm còn ở trong thịt trắng phau phau, ăn đậm vị từ lớp da được tẩm ướp kỹ, ngấm vào thịt - cho đến vị mắm tôm quyện hòa, nâng đỡ nhau vô cùng ăn ý. Lúc này rồi, nhón tay bốc chút lạc, gắp chút bún để ăn kèm, để thêm cái tinh tươm của bột gạo, thêm cái bùi ngậy của lạc. Xong xuôi những "nghi thức" ấy, bạn sẽ hiểu ngay vì sao đến bây giờ, người Hà Nội vẫn thích ăn chả cá, vẫn thích lai rai bên chảo cá liu riu thơm phưng phức trong những tối ngày đông.

Bún thang

Một trong những món bún nổi tiếng nhất của Hà Nội, và cũng lại là một trong những loại bún… phải ăn kèm mắm tôm, ấy chính là bún thang.

Tại sao một món bún tinh tế như thế và cầu kỳ đến vậy lại đi kèm một thứ gia vị… nặng mùi như mắm tôm cơ chứ? Thật ra, nhiều người thích dùng tinh dầu cà cuống để lấy mùi thơm hơi hăng hăng của nó. Nhưng bây giờ chẳng nhiều nơi có cà cuống xịn nữa, thế nên gia giảm mắm tôm vào bát bún vừa là một cách để bát bún dậy mùi đúng vị, vừa không mất công mua cà cuống… đểu, hay mùi cà cuống nhân tạo.

Bún thang vốn là đỉnh cao của ẩm thực Hà Nội. Nó là một sự phức tạp duyên dáng, cần tỉ mẩn từ từng khâu. Nào là nước dùng phải trong veo, ninh từ xương gà. Ở trên phải có đủ trứng gà rán mỏng, giò lụa thái sợi rải đều, rồi thịt gà xé, nhất định phải có rau răm, mùi tàu. Ai kỹ tính thì đặt thêm nửa quả trứng muối lên trên, thêm một chút củ cải ngâm ăn cho vui miệng nữa. Nhưng nhất định là phải có mắm tôm nhé. Cứ ăn thử bún thang nước trong với bún thang có mắm tôm mà xem, hai mùi vị khác nhau như một phiên bản mờ nhạt, được đặt cạnh một thứ có cá tính, có màu sắc, có độ thâm trầm rất riêng. Nước dùng gà thịt ngọt, thơm, lại được bổ trợ bởi mấy con tôm nõn thì càng trác tuyệt, thịt gà mềm lừ đi, rau răm với mùi tàu thơm như một khu vườn, giữa tổng thể ấy, mắm tôm điểm xuyết như một nét nhấn nhá, làm nổi tất cả những mùi thơm ta vừa hít hà lên theo một cách rất riêng, rất khiến người ta muốn bỏ tất cả, ngừng làm việc lại, và chỉ cắm cúi hít hà, ngắm nghía bát bún thang xinh đẹp, cầu kỳ và đang mời gọi ta bằng một mùi thơm vừa cao sang, vừa bình dân đến lạ lùng.

Thúy An (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/nhung-mon-an-se-tro-nen-vo-vi-neu-thieu-mam-tom-567598.html