Những mô hình học tập và làm theo Bác ở Ðồng Nai

Tại tỉnh Ðồng Nai, thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình điển hình.

Khánh thành cầu dân sinh do tuổi trẻ Ðồng Nai vận động xây dựng tại huyện Nhơn Trạch.

Khánh thành cầu dân sinh do tuổi trẻ Ðồng Nai vận động xây dựng tại huyện Nhơn Trạch.

Tại tỉnh Ðồng Nai, thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình điển hình.

Hơn một năm kể từ khi cây cầu bê-tông dài 32 m, rộng 2,5 m bắc qua rạch Kinh được đưa vào sử dụng, người dân ấp 1, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn.

Ðể xây cây cầu bê-tông kiên cố này, Huyện đoàn Nhơn Trạch đã vận động kinh phí 350 triệu đồng. Những ngày nghỉ cuối tuần, nhiều đoàn viên, thanh niên hăng hái đóng góp ngày công. Chỉ riêng địa bàn huyện Nhơn Trạch đã có bốn cây cầu dân sinh như vậy được tuổi trẻ vận động xây dựng phục vụ người dân. Tính chung toàn tỉnh trong 5 năm qua, đã có 3.257 công trình, phần việc thanh niên từ tỉnh đến cơ sở, với tổng trị giá gần 90 tỷ đồng, được tuổi trẻ Ðồng Nai thực hiện, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bí thư Tỉnh đoàn Ðồng Nai Hồ Hồng Nguyên cho biết, để đẩy mạnh học tập và làm theo Bác, Tỉnh đoàn ưu tiên duy trì sinh hoạt trong từng chi đoàn, để mỗi đoàn viên qua từng câu chuyện về Bác sẽ học và áp dụng vào những công việc cụ thể hằng ngày. Qua những công trình, phần việc, các bạn đoàn viên sẽ tìm được cơ hội và khẳng định giá trị của mình.

Tại huyện Long Thành, nơi có dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang triển khai nên hai năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương phải đối mặt với khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Quyền Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp cho biết, mỗi cán bộ phải gần dân, lắng nghe dân, đặt mình vào vị trí người dân khi giải quyết công việc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện sẵn sàng đối thoại trực tiếp với nhân dân để giải quyết từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Từ đó, đã góp phần giúp địa phương hoàn thành vượt tiến độ bồi thường, phục vụ khởi công giai đoạn 1 dự án vào ngày 5-1-2021. Ðến thời điểm này, huyện Long Thành đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ 13 đợt cho hơn 2.700 hộ dân với số tiền hơn 5.955 tỷ đồng. Dự kiến, trong tháng 6 tới, sẽ hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường đối với toàn bộ hơn 5.000 ha đất của dự án. Ông Võ Minh Tâm, ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn, một hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án, cho biết: "Lúc đầu, nghe thông tin gia đình mình bị thu hồi đất để xây dựng sân bay, tôi cũng rất lo vì cuộc sống hàng chục năm nay đã quen rồi, giờ phải đến nơi ở mới cũng không biết như thế nào. Tuy nhiên, nhiều lần cán bộ đến tận gia đình tuyên truyền, vận động, với thông tin minh bạch, rõ ràng giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ nên gia đình tôi cũng như nhiều người dân ở đây rất đồng tình nhận tiền để di dời, nhường đất xây dựng dự án".

Xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, có 99,25% dân số là đồng bào theo đạo Công giáo. Trong những bước đi vững chắc tạo nên bộ mặt nông thôn mới khang trang của địa phương hôm nay, phải kể đến việc Ðảng ủy xã đã lãnh đạo nhân rộng thành công nhiều mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, "Xóm đạo bình yên" được coi là mô hình tổng hợp trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Mô hình này do Hội Cựu chiến binh làm nòng cốt, từ khi triển khai đến nay, người dân đã cung cấp cho lực lượng công an hàng chục nguồn tin có giá trị, qua đó, truy xét, bắt giữ hơn 10 đối tượng. "Trước đây, tình hình an ninh trật tự phức tạp, nhiều vụ mất trộm xảy ra. Những năm gần đây, chúng tôi phấn khởi, an tâm sống trong môi trường bình yên", ông Nguyễn Ðức Hiên, người dân ấp Ðức Long 3, xã Gia Tân 2 nói.

Thấm nhuần lời Bác dặn "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền", Tỉnh ủy Ðồng Nai đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch, quy định nhằm cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện làm theo những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc nêu gương của cán bộ, đảng viên và được cả hệ thống chính trị kiên trì, quyết tâm thực hiện. Hằng năm, hơn 99,9% số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đăng ký và thực hiện nêu gương sát nhiệm vụ được phân công, gắn với khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII). Việc thực hiện nêu gương được Tỉnh ủy Ðồng Nai quy định trở thành tiêu chí thi đua quan trọng, sát thực tế trong học tập và làm theo Bác. Kết quả hằng năm có hơn 95% số cán bộ, đảng viên được đánh giá là tấm gương xuất sắc và tốt về nêu gương, với chất lượng từng bước nâng lên. Tỷ lệ đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp năm 2020 trên địa bàn tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm 94,88%. Cũng để răn đe làm gương, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy ở Ðồng Nai đã thi hành kỷ luật 16 tổ chức đảng và 1.695 đảng viên vi phạm.

Học tập và làm theo Bác tại Ðồng Nai đang trở thành nhu cầu tự thân để mỗi người tự soi, tự sửa, hoàn thiện từng ngày. Ðến nay, 470 mô hình học tập và làm theo gương Bác đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Tiếp tục phổ biến kinh nghiệm quý, cách làm mới trong học tập và làm theo Bác, tỉnh cũng kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những cá nhân có việc làm tử tế, có sức thuyết phục. 5 năm qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc đã tuyên dương, khen thưởng 4.890 gương "Người tốt, việc tốt".

Ðồng chí Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong học tập và làm theo Bác, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sai phạm, gây nhiều bức xúc cho nhân dân chưa được giải quyết. Ðiều này cho thấy, một bộ phận có học tập tấm gương, đạo đức của Bác nhưng chưa thấm, học mang tính hình thức, nói hay nhưng hành động không như lời nói, làm những điều trái ngược với đạo đức, vi phạm pháp luật. Do đó, thời gian tới, từng cán bộ, đảng viên phải làm gương trong học tập và làm theo Bác, làm những việc tốt để lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đẩy lùi tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chinhtri/nhung-mo-hinh-hoc-tap-va-lam-theo-bac-o-ong-nai-646508/