Những mô hình hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm

Để ngăn ngừa, kiểm soát và hạn chế phát sinh tệ nạn mại dâm cần tập trung triển khai nhiều hoạt động truyền thông, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho người dân về phòng ngừa, tố giác, đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm. Những mô hình triển khai ở tỉnh Quảng Ninh là ví dụ điển hình.

Theo đánh giá của các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh, tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được kiểm soát. Tuy nhiên, dự báo tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, cả về tính chất lẫn quy mô hoạt động. Do đó, để ngăn ngừa, kiểm soát và hạn chế phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh tập trung triển khai nhiều hoạt động, trong đó là thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm.

Điển hình là mô hình “ Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Mô hình đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho 1.800 lượt người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ bị phát sinh tệ nạn mại dâm. Đồng thời, cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục và giảm hại về HIV/AIDS; tuyên truyền thúc đẩy hành vi tình dục an toàn.

Hội thảo cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm thuộc 3 địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: LĐXH)

Hội thảo cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm thuộc 3 địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: LĐXH)

Mô hình “Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng” cũng đã mang lại hiệu quả cao. Địa phương đã thực hiện ký kết hợp đồng với một luật sư, ký kết chương trình phối hợp với 1 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phù hợp thân thiện cho nhóm khách hàng; xây dựng phương án, khảo sát nhu cầu học nghề cho người bán dâm. Thành viên Ban chủ nhiệm, nhóm nòng cốt đã tiếp cận được trên 500 lượt người bán dâm, nghi bán dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long, có 30 lượt người được tư vấn, hỗ trợ về pháp lý.

Ngoài ra, phải kể đến một mô hình rất hiệu quả khác, đó là mô hình bảo đảm quyền của người lao động (người bán dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long. Mô hình này đã giúp tiếp cận, tư vấn về quyền của người lao động cho 550 lượt người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Các nhóm đã chủ động liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, kết nối cùng các mạng lưới xã hội khác (mạng lưới người nghiện chích ma túy, người nhiễm HIV, người có hành vi tình dục đồng tính), tiếp cận, tư vấn, giới thiệu 80 lượt người tham gia hoạt động tập huấn vận động chính sách, kỹ thuật tiếp cận và kiến thức liên quan đến bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Tổ chức xét nghiệm phát hiện HIV bằng phương thức lấy máu từ đầu ngón tay do Trung tâm phát triển sáng kiến cộng đồng (SCDI), Trung tâm Nghiên cứu phát triển Y tế cộng đồng (CCRD); và tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm phát triển sáng kiến cộng đồng tổ chức.

Địa phương cũng duy trì đường dây nóng kết nối trực tiếp giữa chuyên gia tư vấn pháp lý, y tế với trưởng nhóm hoặc chủ nhiệm các câu lạc bộ thực hiện mô hình để hỗ trợ, chuyển gửi nội dung tư vấn về bạo lực trên cơ sở giới, cách ứng phó và tìm kiếm sự trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục qua số điện thoại tư vấn miễn phí 18001769 (Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh).

P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-mo-hinh-ho-tro-giam-hai-cho-nguoi-ban-dam-101255.html