Những mô hình cụ thể vì cộng đồng

Giai đoạn vừa qua, nhằm đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Chỉ thị 05) về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuổi trẻ TP Ðà Nẵng đã triển khai những mô hình, hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Lê Thanh Hải (ngoài cùng bên phải) hỗ trợ người dân nhận gạo tại cây ATM.

Lê Thanh Hải (ngoài cùng bên phải) hỗ trợ người dân nhận gạo tại cây ATM.

Giai đoạn vừa qua, nhằm đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Chỉ thị 05) về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuổi trẻ TP Ðà Nẵng đã triển khai những mô hình, hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Khi thanh niên "xắn tay" làm kinh tế

Năm 2008, sau khi xuất ngũ trở về, anh Ngô Ngọc Hưng (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) vất vả với nhiều nghề từ lái xe, làm bảo vệ đến thợ hồ… Ðược sự hỗ trợ, động viên từ đoàn xã, anh được vay 50 triệu đồng, cùng số vốn tiết kiệm được từ công việc lâu nay và gia đình ủng hộ, anh mạnh dạn đầu tư lập trại chăn nuôi ngay trên đất vườn nhà. Từ đào ao thả cá, đến xây dựng chuồng trại nuôi gà với số lượng lớn, trải qua nhiều lần thất bại và rút được kinh nghiệm cho bản thân, nay anh Hưng đã có được một mô hình tương đối ổn định. Mỗi năm anh xuất ra thị trường từ ba đến bốn tấn cá các loại từ diêu hồng, trê, rô phi. Ngoài ra, anh còn nuôi hơn 1.000 con gà quay vòng, làm thêm chả cá thát lát để cung ứng ra thị trường và nuôi thêm ếch thịt, ếch giống… Trong 5 năm qua, Ðoàn Thanh niên xã đã tạo điều kiện để anh vay 150 triệu đồng mở rộng quy mô chăn nuôi, được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cá nước ngọt, hỗ trợ con giống, thức ăn và tham gia tổ hợp tác làm chả cá… Anh Ngô Ngọc Hưng chia sẻ: Từ lúc mới khởi nghiệp ban đầu cho đến nay, tôi luôn có sự đồng hành từ đoàn xã, có thêm động lực để bản thân thực hiện ý định của mình. Thời gian tới, tôi định thử nghiệm mở rộng và nuôi thêm một số loài khác như lươn, liên kết với mô hình nuôi cá nước ngọt khác để chia sẻ kinh nghiệm và cùng hỗ trợ nhau phát triển hơn".

Ngay từ ban đầu, Ðoàn xã Hòa Phong đã xác định, hỗ trợ việc làm, giúp thanh niên khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, đoàn xã đã phát động đến toàn thể đoàn viên, thanh niên phát triển những ý tưởng, mạnh dạn vay vốn làm kinh tế. Khi ổn định về cuộc sống thì mới có thể phát triển mạnh hơn những phong trào khác. Giai đoạn 2016 - 2021, đã có 120 đoàn viên được giải quyết việc làm, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn đầu tư vào phát triển kinh tế, nhiều mô hình kinh tế tại địa phương như: nuôi cá nước ngọt, in ấn đồng phục, phát triển trang trại… đã góp phần tạo việc làm cho thanh niên trên địa bàn.

Bí thư Ðoàn xã Hòa Phong Nguyễn Văn Sỹ cho hay: "Thời gian tới, chúng tôi chú trọng những mô hình kinh tế phù hợp điều kiện, thổ nhưỡng địa phương. Ngoài ra, đoàn xã cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan mở những lớp kỹ thuật về chăn nuôi các loài nhằm giúp cho đoàn viên có thêm nhiều kiến thức vững vàng hơn, qua đó khuyến khích thanh niên nông thôn mạnh dạn làm giàu".

Với vai trò là "người bạn" đồng hành cùng thanh niên trong lập thân lập nghiệp, trong những năm qua, Thành đoàn Ðà Nẵng đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn làm giàu chính đáng. Nhiều hoạt động đã được phối hợp triển khai như: giới thiệu thị trường lao động trong nước và nước ngoài cho thanh niên; hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm, tạo nguồn cho thanh niên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và thành lập các tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế… Trong 5 năm qua, Thành đoàn đã hỗ trợ 5,62 tỷ đồng vốn vay khởi nghiệp, lập nghiệp; thực hiện 25 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hơn 2.490 lượt người dân; tư vấn và giới thiệu việc làm cho gần 9.850 thanh niên với gần 2.800 đoàn viên thanh niên được giải quyết việc làm; tổ chức hơn 180 buổi tư vấn, ngày hội hướng nghiệp việc làm, giao lưu với các doanh nghiệp, kỹ năng mềm cho sinh viên các trường nghề, phiên chợ… thu hút hơn 25.300 sinh viên, thanh niên trên địa bàn thành phố tham gia.

Lan tỏa mô hình an sinh xã hội

Ðầu tháng 4, Ðoàn phường Hòa Thọ Ðông (quận Cẩm Lệ) phối hợp các đơn vị của phường ra mắt cây "ATM gạo tình thương" dành cho người nghèo, đối tượng yếu thế. Mặc dù không còn là một mô hình mới nhưng với những cải tiến, cây ATM gạo góp phần hỗ trợ lương thực hằng tháng cho người nghèo. Theo đó, các đối tượng được hưởng lợi toàn phường sẽ được cấp một thẻ để sử dụng và nhận 10 kg gạo mỗi tháng. Thông tin của người nhận sẽ được lưu trữ lại trong máy bảo đảm tính công bằng và không cần phải bố trí nhiều người phụ trách.

Ngoài cây ATM gạo, đoàn viên, thanh niên phường Hòa Thọ Ðông có nhiều mô hình thiết thực thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, giúp đỡ hộ nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc mầu da cam, học sinh gia đình nghèo. Nhiều hoạt động đạt hiệu quả được duy trì như: "Em nuôi chi đoàn", "Chắp cánh ước mơ tuổi thơ" với hơn 300 suất quà, xe đạp, sửa chữa nhà và kinh phí giúp cho các em học sinh gia đình khó khăn tiếp tục đến trường trong 5 năm qua. Ngoài ra, hoạt động đêm văn nghệ "Chắp cánh ước mơ" gây quỹ hằng năm được Bí thư Ðoàn phường Lê Thanh Hải khởi xướng và thực hiện từ năm 2013 đến nay đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ. Mỗi năm tùy vào từng thời điểm, Hải cùng các đoàn viên và trường tiểu học phối hợp triển khai các tiết mục văn nghệ phù hợp lứa tuổi học sinh. Với giá vé từ 20 đến 30 nghìn đồng, đêm văn nghệ thu hút sự tham gia của các em nhỏ, phụ huynh và người dân hưởng ứng tham gia. Trung bình mỗi năm chương trình nhận về được từ 30 đến 40 triệu đồng, dành thực hiện trao học bổng, trao xe đạp, quần áo ấm, sửa nhà… tặng học sinh khó khăn ngay tại đêm diễn. "Năm 2020, chương trình đã thu về được 60 triệu đồng, qua đó góp phần giúp nhiều em khó khăn có quà Tết, có áo ấm để mặc. Hoạt động cũng đã nhận được sự hưởng ứng của mọi người. "Thời gian tới, tôi sẽ thành lập một câu lạc bộ năng khiếu để dạy kỹ năng, năng khiếu, thể dục thể thao cho các em, nhất là những trẻ em còn khó khăn, giúp cho các thanh, thiếu nhi trên địa bàn có điều kiện phát triển toàn diện" - Lê Thanh Hải tâm sự.

Hải là một trong những thủ lĩnh đoàn được tuyên dương vì đã có thành tích tốt trong thực hiện Chỉ thị 05 vừa qua. Ðến nay, các cấp đoàn toàn TP Ðà Nẵng đã thực hiện nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả cao như: Heo đất thành heo giống, tổ liên kết phát triển kinh tế, hũ gạo thanh niên… tạo ra những lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng. Bí thư Thành đoàn Ðà Nẵng Nguyễn Mạnh Dũng cho biết: Việc thực hiện Chỉ thị 05 đã được các tổ chức đoàn - hội các cấp thực hiện gắn với các phong trào thi đua, cụ thể bằng những mô hình, phần việc. Thành đoàn cùng các cấp sẽ tiếp tục nhân rộng những mô hình đạt hiệu quả cao và triển khai những mô hình mới phù hợp điều kiện thực tế hiện nay, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

BÙI THỊ THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chinhtri/nhung-mo-hinh-cu-the-vi-cong-dong-642405/