Những mô hình, cách làm mới trong tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Đồng Tháp phát động phong trào đổi mới cách nghĩ, cách làm, phát huy sáng kiến thúc đẩy sản xuất, thực hiện tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Từ phong trào đó, xuất hiện nhiều sáng kiến, mô hình mới hỗ trợ nông nghiệp, nông dân trong việc tập trung khơi nguồn trí tuệ, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả và xây dựng đời sống hài hòa ở nông thôn.

Hoa là một trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp

Đồng Tháp là một trong 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đầu nguồn sông Cửu Long chảy vào Việt Nam; có diện tích tự nhiên 3.374 km2 , số dân 1,67 triệu người. Đồng Tháp là vùng đất trũng của khu vực Đồng Tháp Mười nên hàng năm lũ thường về sớm hơn, mức ngập cao hơn và thời gian ngập dài hơn so với các địa phương khác. Do vậy, nơi đây vừa được “trời cho” lượng cá tôm và phù sa mỗi mùa nước lũ về nhưng cũng là nơi gặp nhiều hệ lụy và khó khăn trong việc bố trí thời vụ sản xuất cũng như phát sinh nhiều chi phí trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Đồng Tháp có nhiều tiềm năng để phát triển ngành nông nghiệp bởi đồng đất rộng, phì nhiêu, sông ngòi chằng chịt thuận tiện, người dân lại cần cù chịu khó, nhiều kinh nghiệm, đôn hậu, nghĩa tình và tỉnh xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đổi mới. Thời gian qua, Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển vì cơ bản vẫn là tỉnh thuần nông, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, trong khi thời tiết, khí hậu có nhiều biến đổi phức tạp, khó lường. Chính vì thế ngành nông nghiệp của tỉnh thường gặp những câu chuyện điển hình bấy nay là “chi phí cao, thu nhập thấp”, “được mùa, mất giá”, “giải cứu nông sản”.

Nhất định phải đổi thay, bứt phá để vươn lên bằng chính nội lực của mình trên quê hương mình. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp đã đồng lòng chung sức và quyết tâm thực hiện phương châm đó. Tỉnh ủy đã thông qua “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, chú trọng chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống nhân dân. Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh phát động phong trào đổi mới cách nghĩ, cách làm, phát huy sáng kiến thúc đẩy sản xuất, thực hiện tốt vấn đề “tam nông”. Chính từ phong trào đó đã xuất hiện nhiều sáng kiến mới để hỗ trợ nông nghiệp, nông dân trong việc tập trung khơi nguồn trí tuệ, tổ chức sản xuất kinh doanh và hài hòa đời sống xã hội. Có thể nói đó là những điểm sáng hết sức ấn tượng ở Đồng Tháp hiện nay.

Mô hình “Hội quán”

Tháng 7-2016, tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành có một sáng kiến mới là canh tân “Hội quán” và Mô hình Hội quán đã ra mắt, đánh dấu sự chủ động có tính sáng tạo của bà con nông dân. “Hội quán” là một không gian cộng đồng rộng mở, tươi mới, không chỉ là nơi hội tụ, trao đổi tâm tư, chia sẻ vui buồn của anh em, cô bác, bà con thôn xóm; mà còn là nơi “nói cho nhau nghe và nghe nhau nói” về công ăn việc làm, cùng chung trách nhiệm, bàn chuyện sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, thông tin về hàng hóa nông sản, trao đổi kinh nghiệm và hiến kế để vượt khó đi lên. Với mục đích rõ ràng, phương pháp cởi mở, thông thoáng, cách thức thiết thực, “Hội quán” có sức hấp dẫn, ngày càng thấy hữu ích và hiệu quả, hình thành phong cách cùng nghĩ, cùng làm, cùng tháo gỡ khó khăn và phát huy sáng kiến, tạo động lực mới trong đời sống, sinh hoạt của người nông dân.

Tiếng lành đồn xa, “Hội quán” từ phạm vi một xã đã lan tỏa trên toàn huyện, rồi sang huyện bạn và toàn tỉnh. Từ một tổ chức tự nguyện, tự phát của những người nông dân, “Hội quán” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể quan tâm, có sự hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất, hướng dẫn, đổi mới từng bước về nội dung cũng như phương thức hoạt động. Và phong trào dần trở thành hoạt động tự giác của đông đảo nông dân. Không chỉ vậy, “Hội quán” còn thu hút cả các nhà khoa học, các doanh nhân cùng tham gia chung lòng, góp sức. Hiện nay, toàn tình Đồng Tháp đã có tới 58 “Hội quán” với khoảng 3.000 hội viên.

Các “Hội quán” hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú và có ý nghĩa thiết thực. Đây chính là điểm tựa để hình thành các hợp tác xã theo Luật hợp tác xã năm 2012. Các “Hội quán” mới ra đời gắn với các ngành nghề sản xuất của địa phương và hoạt động của các thành viên trở thành những nhân tố tích cực, hạt nhân tiêu biểu trong sản xuất và đời sống sinh hoạt. Hoạt động của “Hội quán” góp phần đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân, thu hút người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Sau hơn 2 năm hình thành và phát triển, “Hội quán” đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nông dân, là trung tâm kết nối cộng đồng, thể hiện tính chủ động, sáng tạo của người dân trong hoạt động sản xuất và đời sống, liên kết cùng phát triển, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống của người dân, nhất là nông dân ở các vùng quê của Đồng Tháp.

Công nghiệp, thương mại hỗ trợ nông nghiệp

Đặc thù của Đồng Tháp là có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp nhưng cũng là nơi gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc giải quyết đồng bộ các nhiệm vụ của vấn đề “tam nông”. Nhận thức rõ điều đó, Tỉnh ủy và HĐND, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đột phá, trong đó có chủ trương hết sức cụ thể về việc phát triển công nghiệp, thương mại để hỗ trợ cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp, kêu gọi các doanh nghiệp cùng vào cuộc, tăng cường các nguồn lực cho lĩnh vực công nghiệp và thương mại gắn với phát triển nông nghiệp. Tỉnh chú trọng xây dựng mối liên kết phát triển giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lại sản xuất của các hợp tác xã, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại cho các doanh nghiệp hỗ trợ, hướng tới nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.

Công nghiệp và thương mại phát triển với định hướng hỗ trợ cho nông nghiệp đã giúp cho nông sản tiêu thụ nông sản thuận lợi trên thị trường, chất lượng, giá cả tăng lên, nhất là thị trường xuất khẩu, làm tăng giá trị tổng sản phẩm nông nghiệp; góp phần đổi mới mô hình và phương thức sản xuất đối với nhiều hợp tác xã và hội nông dân, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Những kết quả bước đầu trong lĩnh vực này khá ấn tượng. Lĩnh vực chế biến thủy sản đã có 20 doanh nghiệp hoạt động tốt, công suất lên đến hàng triệu tấn/năm, thu hút 21.000 lao động, xuất khẩu thủy sản sang hơn 100 nước. Có 26 doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất hơn 3 triệu tấn/năm; 644 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lương thực để xuất khẩu gạo sang hơn 20 nước. Nhiều sản phẩm mới được chế tác từ phụ phẩm nông nghiệp được sản xuất và được thị trường ưa chuộng và có giá trị cao như: Chả cá, dầu tinh luyện, collagen, dầu cám, thực phẩm chức năng, trái cây sấy, các loại trà và các loại sản phẩm từ thịt. Như vậy, có thể nói định hướng phát triển công nghiệp, thương mại để hỗ trợ nông nghiệp đã có kết quả rất tốt đẹp, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn toàn tỉnh.

Liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp

Việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp xưa nay chủ yếu dựa vào thương lái dẫn đến tình trạng người dân làm nhưng chỉ dựa vào may rủi mùa vụ còn thương lái dựa vào may rủi thị trường và không ít trường hợp thương lái ép giá nông dân. Vậy nên việc xây dựng mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là chủ trương lớn và nhiệm vụ quan trọng mà Đồng Tháp đã đặt ra. Huyện Châu Thành đang đi đầu trong việc xây dựng mối liên kết đó.

Các cấp, các ngành của huyện Châu Thành chung tay thực hiện chủ trương liên kết doanh nghiệp với nông dân bằng các biện pháp thiết thực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển theo hướng “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh”. Với cách làm thiết thực, được đông đảo nông dân và doanh nhân hưởng ứng tích cực, đến nay, huyện Châu Thành đã đạt được một số kết quả khả quan. Đối với lúa gạo, từ năm 2015 đến nay, nhiều hợp tác xã trong huyện đã liên kết bao tiêu với nhiều doanh nghiệp, đem lại lợi nhuận cho nông dân từ 300 - 700 đồng/kg. Các doanh nghiệp đưa ra quy trình sản xuất, tạm ứng một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cam kết mua toàn bộ sản lượng nông sản đạt tiêu chuẩn. Đối với cá tra, phần lớn diện tích nuôi cá có sự liên kết giữa hộ nuôi với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng với các hình thức thiết thực nuôi gia công và nuôi có ký hợp đồng bao tiêu. Đối với cây ăn trái, tập trung là nhãn, chanh và thanh long, nông dân liên kết tiêu thụ với công ty VINA T&T xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ và đạt mức giá bán của nông dân từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg. Công ty VINECO và công ty Viet Dela tiêu thụ chanh cho nông dân với giá bán ổn định. Công ty Thành Vũ và công ty Vạn Phát liên kết tiêu thụ thanh long cho nông dân với giá cả ổn định, hợp lý, tạo đầu ra luôn ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

Một số mô hình kinh tế trong nông nghiệp hiệu quả

Việc tổ chức lại sản xuất, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống với quá nhiều hạn chế, nhiều rủi ro, sang phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một định hướng quan trọng ở Đồng Tháp. Thực hiện định hướng này một cách thành công và điển hình là huyện Tam Nông. Tam Nông đã định hướng sản xuất nông nghiệp từng bước phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng yêu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết quả là đã hình thành một số mô hình sản xuất khá nổi bật

Thứ nhất, mô hình cánh đồng lớn. Đến năm 2017, Tam Nông mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo mô hình mẫu lớn đạt hơn 44.000 ha với phương thức áp dụng cánh đồng một giống, xuống giống đồng loạt, trừ dịch hại và sâu bệnh một cách khoa học. Kết quả là giá thành sản xuất lúa gạo bình quân giảm 200 đồng/kg so với sản xuất nhỏ lẻ, lợi nhuận bình quân 21 triệu đồng/ha/1 vụ (tăng 2,8 triệu đồng so với sản xuất truyền thống); tổng lợi nhuận cho người nông dân tăng trên 50 tỷ đồng so với trước đây.

Thứ hai, mô hình tích tụ ruộng đất. Huyện Tam Nông triển khai mô hình tích tụ ruộng đất theo hướng nông dân chuyển nhượng đất cho nhau để tập trung cho một người sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu đến thuê đất để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn. Hiện trên địa bàn huyện có tổng số hơn 700 ha được sản xuất tập trung với hình thức cho thuê dài hạn, trong đó có hộ dân sản xuất trên diện tích 120 ha và 2 công ty thuê tổng diện tích 290 ha. Các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp thuê đất sản xuất tập trung, cơ giới hóa các khâu canh tác, liên kết chặt chẽ trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đánh giá chung cho thấy, lợi nhuận thu được khi sản xuất theo mô hình tích tụ ruộng đất đạt 35 triệu đồng/1 ha/vụ. Đây được xem là mô hình có triển vọng để người nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật định hướng sản xuất sản phẩm sạch, hữu cơ, phù hợp với thị trường.

Thứ ba, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đề từng bước chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, huyện Tam Nông đã quy hoạch vùng đất phèn ở xã Phú Hiệp và Phú Đức để trồng cây thanh long ruột đỏ. Dự kiến diện tích trồng loại cây này là 75 ha. Huyện cũng quy hoạch trồng màu với tổng diện tích 1500 ha để trồng cây kiệu và khoai môn: cây kiệu cho lợi nhuận 197 triệu đồng/ha; khoai môn lợi nhuận 267 triệu đồng/ha. Các loại cây trồng trên hiệu quả thu được gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Rõ ràng là, do nắm bắt đầy đủ đặc điểm tình hình, đặc thù, những thuận lợi và khó khăn đối với phát triển ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã có những chủ trương, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xác đáng và quyết tâm trong việc tổ chức triển khai thực hiện, lại được sự đồng thuận cao của nhân dân nên tạo ra một phong trào rộng khắp toàn tỉnh hướng tới những bước đột phá trong nông nghiệp. Đến lượt mình, phong trào động viên cán bộ và nhân dân phát huy sáng kiến, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo đưa tới những chuyển biến tích cực và hình thành những mô hình và cách thức sản xuất mới hiệu quả. Đó là những nhân tố tạo xung lực cho ngành nông nghiệp Đồng Tháp có bước phát triển mới. Những thành công bước đầu này có ý nghĩa thiết thực để Đồng Tháp đúc rút kinh nghiệm, phát huy những gì đã đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tiếp tục đưa Đồng Tháp vươn lên, phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Đỗ Thị Kim OanhTạp chí Cộng sản

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/kinh-te/2018/53326/nhung-mo-hinh-cach-lam-moi-trong-tai-co-cau-nong-nghiep.aspx