Những miền quê Việt trong tranh màu nước của Lưu Công Nhân

30 bức tranh màu nước của danh họa Lưu Công Nhân lần đầu được công bố thuộc bộ sưu tập của Nguyễn Trường Sơn đang trưng bày tại Bảo tàng Đức Minh (31C Lê Quý Đôn, quận 3, TP.Hồ Chí Minh).

Tác phẩm: Cầu phao (Lưu Công Nhân, vẽ tại Kiến An, Hải Phòng, 1959) - ẢNH: LUCY NGUYỄN

Lướt qua các bức tranh màu nước của danh họa Lưu Công Nhân đang được trưng bày trên lầu 1 Bảo tàng Đức Minh, người xem không khỏi bùi ngùi xúc động bởi nét đẹp trong trẻo, giản dị của những miền quê Việt Nam, trải dài từ nhiều vùng miền như Hải Phòng, Thái Nguyên, Hưng Yên, Tuyên Quang, Móng Cái cho tới biển đảo.

Tác phẩm Cô hái chuối (Lưu Công Nhân, 1960, vẽ tại Phú Thọ) - ẢNH: LUCY NGUYỄN

Các nhân vật trong tranh màu nước của ông đều là những người dân rất đỗi bình thường trong cuộc sống dân dã mà tưởng chừng lúc nào chúng ta cũng có thể bắt gặp đâu đó ở các miền quê Việt Nam. Đó có thể là hai bà cụ đang lúi húi trên sân, là mấy bà nông dân chân lấm tay bùn đang đánh bò cày bừa ngoài đồng, là cô gái đang mải bẻ chuối bên đụn rơm, là các bà nhà quê đang tát nước bên đàng, là những người buôn thúng bán bưng, gánh gồng đi chợ quê, là cô lái đò bận bịu... Tất cả đều toát lên vẻ đẹp hồn hậu, chất phác.

Tác phẩm Ụ rơm (Lưu Công Nhân, vẽ tại Hưng Yên) - ẢNH: LUCY NGUYỄN

Những nhân vật người lính trong tranh của danh họa Lưu Công Nhân cũng luôn được khai thác ở khía cạnh nhân văn nhất, với tinh thần thư thái và lãng mạn trong khung cảnh nên thơ, dù cuộc chiến đang ác liệt tại thời điểm đó.

Tác phẩm Đi cày (Lưu Công Nhân, tháng 9/21965) - ẢNH: LUCY NGUYỄN

Đó là anh lính đang buông súng ngồi nghỉ dưới bụi cây (tác phẩm Người lính, là anh lính nơi hải đảo đang trìu mến cho ngan ăn (tác phẩm Lính đảo), là cô giao liên đang nghe điện đàm trong trạm giao liên đặt dưới gốc cây cổ thụ (tác phẩm Trên đường đi Điện Biên),

Tác phẩm Lính đảo (Lưu Công Nhân, tháng 5/1967) - ẢNH: LUCY NGUYỄN

Các bức tranh màu nước của cố danh họa Lưu Công Nhân đa phần là trực họa. Lúc sinh thời, ông thường rong ruổi lúc một mình, lúc cùng một vài họa sĩ thân thiết cùng đi các chuyến ngắn dài tới nhiều vùng miền của đất nước và tức cảnh sinh tình, sáng tác tại chỗ trước những khung cảnh mà ông thấy rung động. Các tác phẩm màu nước được triển lãm lần này phần lớn sáng tác trong thập niên 50-60, được lưu giữ hoàn hảo bởi nhà sưu tập Nguyễn Trường Sơn (một người đang sở hữu tới 50 tác phẩm tranh màu nước của cố danh họa Lưu Công Nhân).

Tác phẩm Tát nước (Lưu Công Nhân, vẽ tại xã Tràng Quê năm 1958) - ẢNH: LUCY NGUYỄN

Giải thích về lý do chỉ sưu tầm tranh màu nước của cố danh họa, nhà sưu tập thú thực thời đó một phần anh không đủ tiền mua tranh sơn dầu, một phần bởi cố danh họa lúc sinh thời rất hạn chế bán tranh dù ai có năn nỉ đến mấy. Nhưng trên hết, anh yêu thích các bức tranh màu nước của cố danh họa bởi nét đẹp giản dị, mộc mạc của chúng, phù hợp với phong cảnh đồng quê. Một vẻ đẹp rất Việt Nam không thể lẫn đâu được.

Tác phẩm Hà Nội buổi sáng (Lưu Công Nhân, tháng 10/1967). - ẢNH: LUCY NGUYỄN

Trong số 50 bức tranh màu nước của danh họa Lưu Công Nhân mà anh hiện đang sở hữu, chỉ có vài bức là anh mua được trực tiếp từ cố danh họa, phần còn lại chủ yếu mua từ gia đình ông, rải rác trong khoảng 20-30 năm qua. Tình yêu với mỹ thuật đã bắt đầu nhen nhóm trong nhà sưu tập Nguyễn Trường Sơn từ nhỏ, khi anh hay cùng cha mình là nhà tình báo Nguyễn Kim Sơn đến chơi nhà họa sĩ Nguyễn Sáng. Là cậu ấm út ít trong gia đình, anh luôn được cha ưu ái đưa đi cùng tất cả các cuộc giao lưu trò chuyện với các văn nghệ sĩ, đặc biệt là các họa sĩ thân thiết như Nguyễn Sáng, Lưu Công Nhân... Những luận bàn về tranh của bậc cha ông thời đó cứ rủ rỉ bên tai, thấm dần một cách rất tự nhiên vào anh lúc nào không hay.

Tác phẩm Người lính (Lưu Công Nhân, 1960) - ẢNH: LUCY NGUYỄN

"Khi lần đầu nhìn thấy bức Người lính tại nhà chú Lưu Công Nhân, tôi đã lập tức nhớ lại ngay thời đi cầm súng của mình và đã năn nỉ chú để lại cho tôi, Tôi thực sự thấy mình trong đó"- anh Sơn bồi hồi nhớ lại. Sau này mỗi lần ngắm lại bức tranh này, những ký ức chiến tranh thời anh đi chiến trường Campuchia (1978-1982) lại ùa về, cả vui lẫn buồn.

"Hoặc khi ngắm lại bức tranh Tràng Duệ lần đầu xuống xã (Lưu Công Nhân vẽ ngày 19/2/1959) , với hình ảnh hai bà già lui cui trong nhà tranh vách đất mái rơm rạ, cùng con chó nằm trong bếp, tôi lại nhớ như in những ngày tháng thơ ấu đi sơ tán tại Thái Nguyên, cũng ở trong nhà có hai bà già như vậy với một con chó nhỏ. Những kỷ niệm ấm áp đó cứ đi theo tôi mãi, khiến tôi mong mỏi vô cùng được sở hữu bức tranh đó, quay ngược lại thời kỳ gian khó đó của đất nước", anh Sơn cho biết.

Cũng chính từ bức tranh như nói hết tâm can mình, anh đã quyết dành thời gian quay trở lại thăm ngôi làng xưa mà mình sơ tàn, xúc động trước cảnh làng ngõ vẫn đơn sơ như xưa, và bà cụ từng nuôi anh thời sơ tán cứ cầm tay anh, khóc rưng rức mà nói rằng: "Sao tới giờ mới quay về hả con?"

Tác phẩm Tràng Duệ lần đầu xuống xã (Lưu Công Nhân, 1959) - ẢNH: LUCY NGUYỄN

Mỗi bức tranh màu nước của danh họa Lưu Công Nhân không chỉ đơn thuần là những ghi chép nhanh của người nghệ sĩ về phong cảnh, con người mỗi vùng miền đất nước, mà đôi khi còn ghi nhận lại phong tục tập quán nếp ăn ở sinh hoạt của người dân, là chứng nhân cho quãng thời chiến tranh gian khó nhưng đầy lạc quan.

Lucy Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nhung-mien-que-viet-trong-tranh-mau-nuoc-cua-luu-cong-nhan-936348.html