Những miền đất có âm nhạc vẫy gọi

Ở Việt Nam có rất nhiều mảnh đất may mắn được thơ, nhạc viết ngợi ca, làm cho nơi đó trở nên hữu tình bay bổng những cảm xúc lưu mãi trong ký ức người nghe.

Bắt đầu từ mảnh đất miền biên cương địa đầu Tổ quốc Hà Giang, nơi có những đỉnh núi tai mèo chót vót, có ngọn đèo cao ngất tầng mây Mã Pí Lèng, dòng sông xanh biếc Nho Quế uốn lượn, có phiên chợ Đồng Văn ngập sắc màu đồng bào dân tộc Tây Bắc… Đây là mảnh đất hội tụ vẻ đẹp hùng vĩ và trữ tình bậc nhất Việt Nam để hàng vạn du khách đều hồ hởi tới khám phá. Một điều kỳ diệu nữa là Hà Giang có một nhạc phẩm nổi tiếng từ thập niên 1960 đó là “Hà Giang quê hương tôi” của nhạc sĩ Thanh Phúc: “Ai về thăm quê hương tôi nơi biên cương là đây. Có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu”. Ca khúc như một dòng suối trong vắt chảy từ trên đỉnh núi réo rắt âm vang tạo những sắc màu lấp lánh, rộn ràng tươi vui. Kể từ khi ra đời và trở nên nổi tiếng cùng với các danh thắng, bài hát được các ca sĩ nổi tiếng một thời như: Kiều Hưng, Lê Dung, sau này là Trọng Tấn biểu diễn đã đưa Hà Giang trở thành một địa danh không bao giờ quên và bất cứ ai lên Hà Giang cũng thầm hát: “Đây Hà Giang mến yêu ơi!”. Nhạc sĩ Thanh Phúc vừa ra đi vào đầu xuân Canh Tý nhưng để lại cho công chúng nhiều bản nhạc tuyệt vời, nổi tiếng trong đó chính là “Hà Giang quê hương tôi”.

Cho đến hôm nay, Sa Pa đã là nơi quá nổi tiếng về danh thắng du lịch miền Tây Bắc. Sa Pa đã đi vào văn học với truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Với âm nhạc, có một nhạc phẩm rất nổi tiếng có tên “Sa Pa thành phố trong sương” của nhạc sĩ Vĩnh Cát. Bài hát dù rất trữ tình nhưng với những nốt nhạc cao qua giọng tenor Dương Minh Đức thể hiện cao vút lấp lánh mà huyền ảo như mây bay trên ngọn sa mộc: “Anh chỉ nghe em hát vang lên trong biển mây. Anh chỉ nghe tiếng cười vang lên giữa rừng cây, mà người đâu chẳng thấy, mặt người thương chẳng thấy. Ơi Sa Pa mù sương!”. Ngọc Tân, Trọng Tấn cũng biểu diễn bản nhạc này thật tuyệt vời, đem lại cho Sa Pa niềm tự hào như thêm có một đỉnh Fansipan về âm thanh.

 Ảnh đèo Mã Pí Lèng.

Ảnh đèo Mã Pí Lèng.

Biển Đông Bắc có một hòn đảo nhỏ tên thật đẹp: Bạch Long Vĩ, có nghĩa là đuôi rồng trắng. Thập niên 1960, giữa trời bom giặc Mỹ đổ xuống, nhạc sĩ Huy Du đã có mặt và tặng cho quân dân hòn đảo xinh đẹp này bài hát bất hủ “Bạch Long Vĩ đảo quê hương”. Qua giọng họa mi NSND Lê Dung thời trẻ, bài hát lấp lánh rực rỡ như các con sóng phơi dưới ánh sáng mặt trời: “Bạch Long Vĩ đảo quê hương. Em đứng trên Biển Đông, thôn xanh Phù Thùy Châu, mênh mông sóng bạc đầu…”. Có lẽ Bạch Long Vĩ là hòn đảo may mắn nhất trong số hàng trăm hòn đảo của biển Việt Nam được một nhạc sĩ tài danh viết tặng, trở thành bài hát nổi tiếng suốt 60 năm qua! Giờ đây, ai cũng biết, cũng nhớ đến Bạch Long Vĩ qua bài hát đầy hào sảng này.

Đất Mũi Cà Mau, mũi tàu Tổ quốc như thi sĩ Xuân Diệu đã ví thực sự làm xao xuyến biết bao người khi đến đây, trong đó có các nhạc sĩ. Trước hết là nhạc sĩ Hoàng Hiệp với bài “Đất Mũi Cà Mau”. Qua giọng ca huyền ảo Nhã Phương, đất Mũi trở lên xốn xang tâm hồn người nghe từ ngày bài hát ra đời cho đến tận bây giờ: “Anh đến quê em đất biển Cà Mau. Cỏ cây xanh tươi đước rừng bát ngát. Dòng sông Tam Giang nắng trải đưa người…”. Những du khách yêu nhạc khi đến đây, đi trên sông nước được nghe những nốt nhạc réo rắt, trìu mến dịu dàng như ngỡ một thiếu nữ khăn rằn miền Năm Căn thả mái chèo… “Đất Mũi Cà Mau” là ca khúc hay nhất về miền Tây cùng với “Trở về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sĩ quê An Giang: Hoàng Hiệp.

Nhiều địa danh, thành phố khác như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt, Huế, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Buôn Mê Thuột, Pleiku cũng là nơi có rất nhiều bài hát ngợi ca vẻ đẹp. Đó chính là niềm tự hào và hạnh phúc cho đất và người.

Dương Trang Hương

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202002/nhung-mien-dat-co-am-nhac-vay-goi-8151658/