Những mẫu xe mãi không chịu thay đổi tại Việt Nam

Trong khi thị trường ô tô Việt Nam đang sôi động với sự xuất hiện của nhiều mẫu xe mới, một số cái tên lại rơi vào tình trạng đứng yên.

Các mẫu xe như KIA Soluto, Mitsubishi Attrage, KIA K5, Toyota Raize hay Mazda CX-30 đều đang thiếu sự đổi mới khiến xe ít nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Dù đã có mặt trên thị trường từ lâu nhưng những mẫu xe này vẫn chưa có bất kỳ bản nâng cấp nào, dẫn đến doanh số bán hàng không mấy khả quan.

KIA K5

Phiên bản mới nhất của dòng xe KIA Optima, KIA K5, đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam vào cuối năm 2021 nhằm đồng bộ hóa với các thị trường quốc tế cũng như thể hiện quyết tâm của hãng trong việc nâng cao hình ảnh và sức cạnh tranh của mẫu xe này, đặc biệt khi doanh số của Optima không đạt kỳ vọng trước đây.

KIA K5 là mẫu sedan hạng D.

Tuy nhiên, phân khúc xe hạng D tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức. Với mức giá cao, kích thước lớn và khoảng sáng gầm không đủ cao, KIA K5 phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ như Toyota Camry luôn làm mưa làm gió trong phân khúc, cũng như Mazda6 có giá bán khá hợp lý.

Đến nay, chi tiết về thông tin mới của phiên bản KIA K5 vẫn còn đặt dấu hỏi. Chỉ khi thực sự làm mới, mẫu xe này mới có thể thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Việc doanh số bán chậm chạp cho thấy việc xe vẫn chưa thực sự thu hút quan tâm trong lòng người tiêu dùng Việt.

KIA Soluto

Mẫu sedan hạng B này từng được kỳ vọng tại thị trường Việt Nam nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức do thiếu sự nâng cấp trong thời gian dài. Kể từ khi ra mắt vào năm 2019, Soluto chưa có bất kỳ cải tiến đáng kể nào, khiến nó trở nên kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ mạnh như Toyota Vios, Hyundai Accent, Honda City và Mazda2 ngay cả khi giá bán hấp dẫn.

KIA Soluto gần như không có sự thay đổi từ năm 2019.

Vào năm 2021, KIA đã tung ra phiên bản Soluto mới nhưng chỉ mang đến một số thay đổi nhỏ như thay logo và cải thiện một số tính năng như độ ngả lưng ghế và bệ tỳ tay. Những điều chỉnh này không đủ để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng khiến xe thường xuyên nằm trong danh sách những mẫu xe bán ế nhất trên thị trường.

Tình hình này đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tồn tại của Soluto trong bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh và người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng và tính năng của xe.

Mitsubishi Attrage

Mặc dù có doanh số tạm ổn nhưng thực tế Mitsubishi Attrage không nhận được sự quan tâm đáng kể từ thị trường. Phiên bản nâng cấp gần đây nhất của mẫu xe này diễn ra vào năm 2020 nhưng chỉ là một bản facelift. Sức hút của xe đối với người tiêu dùng chỉ nằm ở phần không gian nội thất rộng rãi cùng thiết kế hiện đại so với mức giá của xe hạng B.

Mitsubishi Attrage có doanh số tạm ổn dù không thay đổi.

Điểm mạnh của Mitsubishi Attrage chính là việc được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Xe cũng trang bị nhiều tính năng nâng cấp để cạnh tranh với các đối thủ trong phân khúc hạng B, chẳng hạn như KIA Soluto.

Toyota Raize

Ngay cả khi ghi nhận doanh số bán hàng ở mức ổn trong năm 2024 nhưng mẫu SUV cỡ nhỏ này của Toyota vẫn chưa có bất kỳ nâng cấp nào kể từ khi ra mắt tại Việt Nam vào cuối năm 2021. Việc xe bán ổn định có lẽ nằm ở một số yếu tố khác nhau.

Toyota Raize có ít sự cạnh tranh trong phân khúc SUV hạng A.

Đầu tiên, phân khúc SUV cỡ A hiện tại không có nhiều đối thủ cạnh tranh khi xe chỉ phải cạnh tranh với một số đối thủ như VinFast VF 5 Plus, Kia Sonet và Hyundai Venue. Bên cạnh đó, Toyota Raize cũng có mức giá hấp dẫn nên thu hút được nhiều khách hàng trong phân khúc SUV hạng A. Mặc dù vậy, tình hình có thể thay đổi khi Nissan có kế hoạch đưa Magnite gia nhập thị trường Việt Nam nhằm mở rộng sự cạnh tranh trong phân khúc.

Mazda CX-30

Từng được kỳ vọng sẽ thay thế mẫu CX-3 nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Mazda CX-30 vẫn giữ nguyên thiết kế và tính năng từ khi ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 4/2021. Đáng chú ý hơn, điều này xảy ra ngay cả khi Mazda đã ra mắt phiên bản mới của CX-3 vào cuối năm 2023. Kết quả là, doanh số Mazda CX-30 thường xuyên ở mức thấp trong bảng phân khúc SUV cỡ B tại thị trường Việt Nam.

Mazda CX-3 có giá khởi điểm 699 USD dẫn đến ít sự quan tâm.

Đặc biệt, mức giá khởi điểm 699 triệu đồng dành cho Mazda CX-30 dẫn đến xe gần tiếp cận với phiên bản tiêu chuẩn của Mazda CX-5 (749 triệu đồng) và tương đương với phiên bản cao nhất của một số đối thủ như Mitsubishi Xforce Ultimate (705 triệu đồng). Kết quả là, nhiều khách hàng có nhu cầu về không gian rộng rãi thường lựa chọn các mẫu SUV cỡ C hoặc tìm đến các phiên bản cao cấp của các đối thủ khác trong cùng phân khúc. Sự cạnh tranh gay gắt và sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng đang đặt ra thách thức lớn cho Mazda CX-30 trong việc thu hút khách hàng.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-mau-xe-mai-khong-chiu-thay-doi-tai-viet-nam-204240411060019447.htm