Những mẫu xe 'cứu' các thương hiệu nổi tiếng khỏi sự sụp đổ

Nếu không có những chiếc xe đặc biệt này, một số thương hiệu yêu thích có lẽ sẽ không còn tồn tại.

Các nhà sản xuất ô tô đang bị ảnh hưởng nặng nề khi đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới. Nhiều báo cáo đã chỉ ra một cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra. Trong quá khứ, những cuộc khủng hoảng tài chính tương tự đã từng được chứng kiến, điển hình là thời kỳ suy thoái kinh tế những năm 1930, thế chiến thứ hai và cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 70 khiến rất nhiều hãng xe bị phá sản.

Điều này tiếp tục xảy ra vào năm 1980 và 2008. Cuộc suy thoái mới nhất chứng kiến việc Chrysler và GM nhận được các gói cứu trợ của chính phủ, và các thương hiệu khác như Pontiac, Plymouth, Oldsmobile và Mercury biến mất khỏi thị trường. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất ô tô đã được "cứu" bởi một chiếc xe có thiết kế thông minh bất chấp nhiều khả năng nhận thất bại lớn. Dưới đây là danh sách những chiếc xe giúp các nhà sản xuất vực dậy khỏi đáy thẳm.

Ford Taurus

Thật khó tin rằng ngay cả những gã khổng lồ như Ford cũng gặp khó khăn về tài chính. Trong những năm 80, thị trường sedan cỡ trung đang bùng nổ và Ford đã đưa vào cung cấp hệ dẫn động cầu sau cho dòng xe LTD. Tuy nhiên, chiếc xe này tỏ ra thất thế so với các đối thủ và nhà sản xuất nhận ra rằng họ đã thua lỗ quá nhiều. Sau đó, thương hiệu Mỹ đã thay thế nó bằng chiếc Ford Taurus dẫn động cầu trước vào năm 1986.

Mẫu xe thế hệ đầu tiên đã trở thành một cú tạo đà quan trọng và nhanh chóng đưa Ford trở lại bản đồ trong lĩnh vực sedan cỡ trung. Thế hệ thứ hai tiếp tục trở thành chiếc xe bán chạy nhất của Mỹ. Sau đó, một phiên bản nhanh hơn của Taurus là SHO đã được sản xuất sau đó.

Porsche Boxster

Porsche rơi vào khủng hoảng những năm 90 khi doanh số bán hàng đã giảm xuống còn 14.000 chiếc vào năm 1993 so với 50.000 chiếc trước đó vào năm 1986. Do đó, thương hiệu xe có trụ sở ở Stuttgart, Đức đã bắt đầu ý tưởng giới thiệu một mẫu xe giá rẻ hơn là Porsche Boxster cùng với 911.

Mazda MX5 đã thể hiện thành công vang dội, và Porsche quyết định nhảy vào cuộc đua và cho ra đời Boxster. Thương hiệu Đức chính thức ra mắt Boxster 986 vào năm 1996 tuy được giới thiệu dưới dạng concept vào năm 1993. Nhà sản xuất đã học hỏi kinh nghiệm từ Toyota để tiết kiệm chi phí phụ tùng.

Dodge Aries/Plymouth Reliant

Hãng xe Chrysler cũng gặp cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 70. Mọi thứ thật tồi tệ khi các vấn đề chất lượng liên quan đến dòng F-series của nhà sản xuất ô tô dẫn đến chi phí bảo hành và triệu hồi rất lớn.

Bị đe dọa phá sản, Chrysler đã phải thuê cựu chủ tịch Ford, Lee Iacocca vào năm 1978 để thuyết phục chính phủ cho nhà sản xuất ô tô một gói cứu trợ. Bước đầu tiên là thay thế các mô hình thân F bằng tất cả các mô hình K-series mới được thấy trên mẫu xe Dodge Aries/Plymouth.

Dodge Aries/Plymouth Belieant được hỗ trợ bởi chất lượng vượt trội, bắt đầu bán chạy sau khi ra mắt vào năm 1981. Phương pháp tiếp cận nền tảng K-body dẫn đến tiết kiệm chi phí sản xuất đáng kể. Chrysler nhanh chóng quay trở lại và sau đó mua lại bộ phận AMC và Jeep.

Volkswagen Golf MKI

Câu chuyện của Volkswagen Golf bắt đầu với Volkswagen Beetle, một trong những chiếc xe phổ biến nhất và mang tính biểu tượng từng được sản xuất. Vào đầu những năm 70, Volkswagen đã thử một số phương án thay thế, bao gồm chiếc hatchback động cơ đặt giữa do Porsche thiết kế, Type 4, EA266, trong đó 50 nguyên mẫu đã được chế tạo nhưng chưa thể thành công về doanh số.

Để cải thiện tình hình, ông chủ mới Rudolph Leiding của hãng đầu tư vào dòng mô hình mới dẫn đầu là Passat và sau đó đã tung ra Golf MKI. Chiếc xe ngay lập tức làm mưa làm gió trên thị trường. Volkswagen đã đạt được thành quả to lớn với chiếc xe này khi sử dụng hệ dẫn động cầu trước mới và động cơ bốn bánh nội tuyến.

Volvo XC90

Volvo XC90 đã 2 lần cứu hãng xe này. Lần đầu tiên vào năm 2002 dưới quyền sở hữu của Ford, nhà sản xuất chỉ đưa ra thị trường những chiếc wagon và sedan kém hấp dẫn khách hàng. Tuy nhiên, khi XC90 xuất hiện, nó đã giành được giải thưởng Xe của năm tại Bắc Mỹ do tạp chí Motor Trend trao.

Năm 2010, Volvo được mua bởi tập đoàn khổng lồ Geely của Trung Quốc. Hãng xe này đã cung cấp cho thương hiệu Thụy Điển một nền tảng mới bao gồm hệ thống truyền động Drive-E mới (có cả hybrid), nội thất cũng được thay đổi để áp dụng trên XC90. Do đó chiếc xe vẫn tiếp tục bán chạy ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho thương hiệu Volvo.

Lotus Elise

Vào cuối những năm 1990, Lotus có vẻ hơi lạc lõng khi ít được khách hàng biết đến. Từ sự ra đi của người sáng lập Colin Chapman vào năm 1982 và nhiều lần thay đổi vị trí lãnh đạo, thương hiệu này rơi vào tình trạng bất ổn. Cho đến khi Elise được tung ra thị trường, hãng mới có thể vực dậy. Trước đó, Lotus đã cố gắng sử dụng Elan để cứu công ty, nhưng điều đó không thành công.

Elise sử dụng hệ dẫn động cầu sau khá nhẹ. Chiếc xe là chìa khóa quan trọng giúp thương hiệu Anh quay lại bản đồ thị trường ô tô thế giới. Nhiều người cho rằng nó là một mẫu xe thể thao đặt trải nghiệm lái lên hàng đầu.

Mercedes 300SL

Do ảnh hưởng từ thế chiến 2, nhiều nhà máy của Mercedes đã bị phá hủy, quá trình sản xuất bị đình trệ khiến các sản phẩm khó có thể cạnh tranh. Tuy nhiên vào năm 1952, Rudolf Uhlenhaut đã khai sinh ra chiếc xe đua W194 và giúp nó giành chiến thắng giải đấu danh giá 24 Hours of Le Mans.

Thông qua W194, Mercedes đã hình thành nên 300SL, được cho là một trong những chiếc xe Mercedes tốt nhất từng được sản xuất. Nó được trưng bày tại New York Auto Show 1954 và sau đó được sản xuất vào năm 1955. Mẫu 300SL có cả hai phiên bản Gullwing coupe và Roadster. Chiếc xe thể thao này đã trở thành một cú hích và giúp nhà sản xuất ô tô Đức thành công trong việc gia nhập thị trường Mỹ đang phát triển mạnh mẽ lúc bấy giờ.

An Trần

Theo Hotcars

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-mau-xe-cuu-cac-thuong-hieu-noi-tieng-khoi-su-sup-do-post1401699.tpo