Những mặt hàng khai thác hiệu quả từ EVFTA

Thủy sản, gạo, dệt may, giày dép, sản phẩm nhựa... là những mặt hàng.khá nhanh nhạy trong việc đón bắt các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU ngay khi EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020.

Gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD đã được cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất sang EU sau gần 5 tháng EVFTA có hiệu lực

Nhóm hàng nông thủy sản của Việt Nam như thủy sản, gạo, cà phê...được đánh giá là những ngành hàng nhanh nhạy trong việc đón bắt các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 18 tháng 12 năm 2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD.

Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử...

Nhờ EVFTA đi vào thực thi từ quý 3/2020 đã tạo những dấu ấn tích cực tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, thị trường vốn đang chịu sụt giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tiếp tục có kết quả tích cực từ khi EVFTA thực thi.

Cụ thể, cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt trên 34,8 tỷ USD giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các tác động của đại dịch. Tuy nhiên, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến cho rằng, tác động của EVFTA đã thấy rõ, khi tháng 9/2020, xuất khẩu thủy sản tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019; tháng 10 tăng 12%; tháng 11 tăng 13%. Thị trường EU hồi phục mạnh từ tháng 9 với mức tăng từ 19 đến 30%. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu sang EU đạt 900 triệu USD. Ước tính xuất khẩu sang EU (trừ Anh) trong năm 2020 đạt khoảng 992 triệu USD.

Tuy nhiên, động lực chính cho sự phục hồi là ngành tôm. Hết tháng 11, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng xuất khẩu tôm sang EU đạt 473 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ.

Ngoài thủy sản, câu chuyện gạo Việt Nam xuất đi EU, lần đầu tiên được bán giá trên 1.000 USD/tấn sau EVFTA có hiệu lực đã tạo làn gió lạc quan cho ngành nông sản. Ngay trong tháng 8/2020, một số DN đã xuất khẩu những container gạo đi EU hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA, trong đó, Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất khẩu thành công lô hàng 3.000 tấn đầu tiên được ký kết với đối tác nhập khẩu từ Đức sau khi EVFTA có hiệu lực, với hai chủng loại gạo ST20 và Jasmine.

Liền đó, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu lô gạo thơm sang EU theo EVFTA với 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg. Theo cam kết của EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu mỗi năm ước đạt khoảng 100.000 tấn.

Cùng với EVFTA đã đi vào thực thi từ 2020, và FTA với Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa kết thúc đàm phán, Bộ NN&PTNT nhận định, đây sẽ là “bệ phóng” cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bứt tốc trong năm 2021.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, năm 2020 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhung-mat-hang-nao-khai-thac-hieu-qua-tu-evfta-d135670.html