Những mảng màu mới trên bức tranh công nghệ thế giới

Bức tranh doanh nghiệp công nghệ 2018 và các năm sau sẽ có thêm những mảng màu mới từ các công ty công nghệ mới nổi. Và những cải tiến từ trí tuệ nhân tạo (AI) của chính các doanh nghiệp khởi nghiệp hứa hẹn sẽ tạo ra những hình hài mới cho công nghệ tương lai…

Ông Greg FitzGerald, Giám đốc tiếp thị JASK, trao đổi trong phiên thảo luận về sự xâm lấn của AI.

Quốc gia nào hiện có nhiều công ty kỳ lân nhất và điều này khác gì với các năm trước?”. Không ngẫu nhiên mà câu hỏi về những công ty được định giá thị trường trên 1 tỉ đô la – được gọi là công ty kỳ lân, theo tên của một con linh vật trong truyền thuyết Á châu – được ông Manek Dubash, Giám đốc nội dung của tổ chức NetEvents, nêu lên như vậy ở buổi khai mạc sự kiện “Hội nghị báo chí và phân tích toàn cầu” do NetEvents tổ chức tại San Jose, Mỹ hôm 24-5. Cả thế giới hiện có khoảng 200 doanh nghiệp kỳ lân, trong đó có 50% số công ty ở Mỹ, gần 30% ở Trung Quốc và khoảng 2% đến từ Nhật Bản. Những diễn giả ở cuộc hội nghị này cho rằng, sắp tới đây khi nói đến công ty kỳ lân, người ta sẽ nói đến Trung Quốc.

Trung Quốc - mảnh đất tiềm năng cho kỳ lân

Theo ông Hiro Rio Maeda, Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Draper Nexus Ventures, cho rằng Trung Quốc có tiềm năng trở thành quốc gia sở hữu nhiều công ty kỳ lân nhất trong tương lai. Lý do, chi phí của các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon của Mỹ hiện đã chạm đến mức khá đắt đỏ nên nhiều công ty đang bắt đầu tìm kiếm những nơi khác trên thế giới – nơi mà họ có thể đầu tư với điều kiện giảm bớt chi phí nhân công. Và ông Hiro Rio Maeda cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là nơi tạo ra nhiều doanh nghiệp công nghệ có vốn trên 1 tỉ đô la.

Có cùng sự nhận định như ông Maeda, bà Cack Wilhelm của Accomplice – quỹ đầu tư vào các công ty công nghệ khởi nghiệp, có trụ sở ở Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ) – còn đánh giá rất cao về Trung Quốc với tiềm năng về cả nguồn nhân lực và khả năng tài chính hùng hậu. Doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều công ty công nghệ Mỹ lựa chọn để giải quyết vấn đề chi phí của việc thuê người ở Thung lũng Silicon.

Các diễn giả trao đổi trong một phiên thảo luận của sự kiện hôm 24-5 của NetEvents ở SanJose, Mỹ.

Những lời nhận định nói trên cũng trùng khớp với các diễn tiến có liên quan gần đây ở Trung Quốc. Một công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) của Trung Quốc đã gọi vốn được hơn 1 tỉ đô la, bao gồm cả số tiền lớn từ tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. Cụ thể, SenseTime vừa có thêm 620 triệu đô la đầu tư từ Fidelity International, Hopu Capital, Silver Lake và Tiger Global. Thành tích này càng trở nên đáng nể hơn khi không lâu trước đó, SenseTime đã gọi vốn thành công với 600 triệu đô la từ Alibaba, Suning.com và Temasek.

Cũng theo SenseTime, công ty hiện có giá trị hơn 4,5 tỉ đô la và là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong danh sách công ty khởi nghiệp về AI có giá trị nhất thế giới. Cộng thêm 410 triệu đô la từ vòng gọi vốn trong năm ngoái 2017, đến nay SenseTime đã nhận được tiền đầu tư lên tới 1,6 tỉ đô la. Từ năm ngoái, SenseTime đã công bố kết quả kinh doanh có lãi và dự báo đạt mức tăng trưởng 400% mỗi năm trong ba năm tới. Trong tài khóa kết thúc vào tháng 5 này, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của SenseTime đã tăng gấp mười lần.

SenseTime sở hữu công nghệ nhận diện khuôn mặt, ký tự, hình ảnh cũng như phân tích hình ảnh qua video – vốn được sử dụng rất phổ biến ở các thành phố thông minh cũng như trong các lĩnh vực giải trí, Internet, xe tự lái, tài chính, bán lẻ và các ngành công nghiệp khác. Trung Quốc đang dùng công nghệ của SenseTime để thực hiện giám sát những người bị tình nghi trong quá trình điều tra tội phạm.

Tuy nhiên, cũng theo bà Cack Wilhelm những công ty kỳ lân có hoạt động sôi nổi, tiến bộ nhanh và mạnh mẽ như SenseTime là không nhiều, kể cả trên toàn cầu. Vì vậy sử dụng từ kỳ lân – tên của một linh vật trong truyền thuyết – có chút sai lầm và nếu chỉ đếm số lượng doanh nghiệp 1 tỉ đô la sẽ không thấy rõ sự chuyển biến của doanh nghiệp trong ngành công nghệ. Bà nói: “Tôi nghĩ sẽ thú vị hơn nếu các công ty đạt dấu mốc quan trọng trong kinh doanh như lần đầu có doanh thu 10 triệu đô la, rồi doanh thu 100 triệu đô la và niêm yết trên sàn chứng khoán công khai”.

Trao đổi bên lề “Hội nghị báo chí và phân tích toàn cầu” của NetEvents.

Sự xâm lấn của AI

Công nghệ trí tuệ nhân tạo được định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính có liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh, theo “Hội nghị báo chí và phân tích toàn cầu”. AI là một bộ phận của khoa học máy tính và do đó về lý thuyết, nó phải được đặt trên những nguyên lý vững chắc, có khả năng ứng dụng được.
Ở thời điểm hiện tại, công nghệ trí tuệ nhân tạo đang dừng lại ở mức độ những máy tính hoặc siêu máy tính, dùng để xử lý một loại công việc nào đó như điều khiển một ngôi nhà, nghiên cứu nhận diện hình ảnh, xử lý dữ liệu của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị, máy tính xử lý dữ liệu để tự học hỏi, khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng về các sản phẩm của một công ty… Và AI được cho là sẽ còn hiện diện nhiều hơn trong tương lai ở nhiều lĩnh vực và ngành công nghiệp đồng thời cũng gặp rất nhiều sự thách thức.

Tiến sĩ Vinod Peris, đến từ tập đoàn phần mềm CA Technologies, đưa ra ví dụ về các tổ chức tài chính ứng dụng các giải pháp AI vào việc chống gian lận và giảm thiểu sự rủi ro trong hoạt động bằng cách theo dõi hoạt động của khách hàng nhằm phát hiện ra những hành vi bất thường. Ông Peris nói rằng có thể thấy những sự đột phá của AI qua những chiếc xe tự lái, tuy nhiên sẽ còn mất một thời gian dài để hoàn thành những chiếc xe này vì hiện có rất nhiều quy định đang làm chậm sự đổi mới. Tuy nhiên ông Peris tỏ ra lo ngại rằng chính những sự cải tiến nổi trội của AI khiến ông nghĩ rằng AI không nên được sử dụng như một con người. “Chúng rất thông minh, nên cũng dễ khiến người đối diện có cảm giác bị lừa dối, như thể đang nói chuyện với chiếc máy đóng vai con người”, Peris nói. Mối nguy hại lớn nhất mà Peris nhắc đến là các robot có thể khiến con người trở nên câm lặng, vì máy móc sẽ nói thay và hệ thống định vị GPS sẽ khiến con người sống phụ thuộc quá nhiều vào máy móc.

Còn ông Sam Liang, Giám đốc điều hành và người sáng lập AiSense, cho biết khả năng nhận dạng giọng nói là ứng dụng AI quan trọng nhất. Ông Liang thì cho rằng AI sẽ không thay thế con người nhưng sẽ làm tăng trí thông minh của con người. Ông nói trong lĩnh vực y tế, AI cung cấp cho con người độ chính xác nhưng sự kết hợp của cả máy móc và con người sẽ tốt hơn nhiều.

Trong khi ông Greg FitzGerald, Giám đốc về tiếp thị JASK, cho biết JASK sử dụng AI để giúp mọi người phân tích tình huống tốt hơn. Greg FitzGerald cho biết AI cũng gặp nhiều sự thách thức trước khi nó được ứng dụng rộng rãi, như cần thêm dữ liệu, để giúp các hệ thống AI tìm hiểu và dễ đưa ra quyết định.

Ở vai trò người bảo vệ mạng Internet, AI cũng đã được thử vai. Ông Greg Martin cho biết hiện không có đủ người làm công tác bảo mật trong doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao cần AI để lấp đầy khoảng trống của lực lượng chống lại tin tặc và trên thực tế AI giúp doanh nghiệp giải quyết một lượng công việc nhiều gấp mười lần so với một ban công nghệ thông tin doanh nghiệp thông thường có thể làm.

Slavik Markovich, Giám đốc điều hành Demisto, nói rằng AI không giải quyết mọi thứ nhưng chúng giúp các nhà phân tích bảo mật hiệu quả hơn. Trong khi đó ông FitzGerald cho biết công ty của ông tự động hóa các nhiệm vụ của con người – điều mà vị giám đốc này ví von là đã giúp JASK “tìm ra những chiếc kim tiêm xấu trong một đống kim”.

Thanh Thương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273743/nhung-mang-mau-moi-tren-buc-tranh-cong-nghe-the-gioi.html