Những màn đóng thế đắt đỏ trên màn ảnh

Để mang lại hiệu quả hình ảnh ấn tượng, nhiều cảnh mạo hiểm trên phim đã được thực hiện với dàn viên đóng thế chuyên nghiệp và kinh phí đắt đỏ.

Cảnh giải cứu trong Iron Man 3 (2013): Trong cảnh phim, chiếc chuyên cơ chở tổng thống đã bị phá thủng từ bên trong, khiến các hành khách bị hút ra bên ngoài. May mắn, Iron Man (Robert Downey Jr.) đã xuất hiện, kịp thời cứu được những người đang rơi tự do. Ảnh: Marvel Studios.

 Cảnh phim có sự tham gia của 13 thành viên từ đội nhảy dù The Red Bull Air Force trong vai các nạn nhân và Iron Man. Đội diễn viên đóng thế đã thực hiện tổng cộng 580 cú nhảy trong suốt quá trình ghi hình. Tổng chi phí đoàn phim bỏ ra cho cảnh phim đắt đỏ, bao gồm màn đóng thế được tiết lộ rơi vào khoảng 120 triệu USD. Ảnh: Paul Stephen.

Cảnh phim có sự tham gia của 13 thành viên từ đội nhảy dù The Red Bull Air Force trong vai các nạn nhân và Iron Man. Đội diễn viên đóng thế đã thực hiện tổng cộng 580 cú nhảy trong suốt quá trình ghi hình. Tổng chi phí đoàn phim bỏ ra cho cảnh phim đắt đỏ, bao gồm màn đóng thế được tiết lộ rơi vào khoảng 120 triệu USD. Ảnh: Paul Stephen.

Cảnh đu dây trên không trong Cliffhanger (1993): Theo ScreenRant, đây là màn đóng thế đu dây trên không đắt đỏ nhất lịch sử điện ảnh. Nam diễn viên đóng thế người Anh Simon Crane đã bỏ túi khoản thù lao 1 triệu USD khi đu dây cáp từ chiếc máy bay này sang máy bay khác ở độ cao gần 4.600 m. Ảnh: Carolco Pictures.

Năm 1992, tạp chí Variety đưa tin cảnh đu máy bay phức tạp đã khiến chi phí sản xuất Cliffhanger bị đội lên đáng kể. Tuy nhiên, tầm quan trọng của trường đoạn khiến nam chính Sylvester Stallone chấp nhận cắt 2 triệu USD từ thù lao 15 triệu USD ban đầu để bù vào chi phí thực hiện. Ảnh: Carolco Pictures.

Cảnh trượt tuyết trong The Spy Who Loved Me (1977): Trong cảnh mở đầu The Spy Who Loved Me, chàng điệp viên hào hoa James Bond (Roger Moore) đã khiến khán giả thót tim khi trượt khỏi vách núi cao hơn 900 m xuống khoảng không bên dưới và hạ cánh an toàn bằng dù. Ảnh: MGM.

Đóng thế cho Roger Moore trong cảnh phim là Rick Sylvester. Màn trình diễn mạo hiểm kéo dài 39 giây trong The Spy Who Loved Me mang về cho nam diễn viên đóng thế khoản thù lao 30.000 USD/ngày. Ảnh: MGM.

Cảnh đua chiến xa trong Ben-Hur (1959): Theo ScreenRant, để xây dựng bối cảnh trường đua, 1.000 nhân công đã cải tạo một mỏ đá ở Italy trong ròng rã hơn một năm. Kế đến, đoàn phim mất ba tháng để ghi hình cuộc đua, với sự tham gia của 15.000 người, 80 ngựa và 18 cỗ xe. Một diễn viên đóng thế đã bị thương nhẹ trong quá trình ghi hình tác phẩm. Ảnh: MGM.

Tổng chi phí đoàn phim Ben-Hur đã chi ra để dựng bối cảnh, trả cát-xê cho diễn viên quần chúng, diễn viên đóng thế tham gia trường đoạn đua chiến xa hoành tráng rơi vào khoảng 4 triệu USD. Con số chiếm gần 1/3 kinh phí sản xuất tác phẩm. Ảnh: MGM.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-man-dong-the-dat-do-tren-man-anh-post1174747.html