Những mầm xanh vươn lên từ đá

Bằng sự yêu thương, đồng cảm và sẻ chia, Đồn Biên phòng Xín Mần, huyện Xín Mần (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) đã nhận đỡ đầu cho 5 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Sự quan tâm, chăm lo của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã mở ra tương lai tươi sáng cho các em.

Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Mần hướng dẫn em Vàng Xuân Bình học tập.

Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Mần hướng dẫn em Vàng Xuân Bình học tập.

Chúng tôi có dịp đến Đồn Biên phòng Xín Mần, chứng kiến sự chững chạc, trưởng thành của 2 em Vàng Xuân Bình, Vàng Củi Vu- người dân tộc Mông, những “quân nhân” của Đồn Biên phòng Xín Mần, từ chương trình “Nâng bước em tới trường” mới cảm nhận hết những tình cảm và sự quan tâm, chăm lo của cán bộ, chiến sĩ dành cho các em đang gặp khó khăn nơi đây.

Trung úy Đỗ Trọng Tín- Đội trưởng Đội vận động quần chúng cho biết, Vàng Xuân Bình là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Gia đình em là một trong nhiều hộ nghèo nhất ở xã Pà Vầy Sủ này. Nghèo đói đeo bám quanh năm nên bố em phải lao động cật lực để kiếm sống và nuôi dạy 3 anh em Bình. Vất vả và thiếu thốn trong thời gian dài nên bố Bình đổ bệnh mà chết khi các em vẫn còn rất nhỏ. Không chịu được cảnh nghèo đói đem bám mãi, mẹ Bình sau đó cũng dứt áo đi lấy chồng khác. Bình và hai anh em sau đó phải đến ở với chú ruột. Ở nơi bốn bề là núi đá, thời tiết khắc nghiệt khiến cho cuộc sống của gia đình chú ruột Bình cũng chẳng dư giật, khá giả gì. Việc “đứt bữa” như một câu chuyện thường ngày ở huyện đối với anh em nhà Bình. Biết được hoàn cảnh của Vàng Xuân Bình, năm 2015, Đồn Biên phòng Xín Mần báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương và được sự chấp thuận của gia đình để nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng Bình.

Hoàn cảnh em Vàng Củi Vu, ở xã Xín Mần, cũng khó khăn tương tự. Bố chẳng may ốm rồi mất sớm. Hai anh và chị gái đều đã lập gia đình. Vu ở với mẹ trong căn nhà tuềnh toàng bên sườn núi quanh năm mây mù che phủ. Căn nhà vốn đã chẳng có thứ gì đáng giá nhưng lại càng trở nên hoang lạnh hơn khi mẹ của em đi bước nữa. Vu buộc phải đến ở với gia đình người anh trai cả Vàng Seo Sần. Gia đình người anh trai của Vu cũng nghèo khó, không thể nuôi nổi em cho nên Đồn biên phòng Xín Mần nhận Vu về nuôi dưỡng.

Từ khi “nhập hộ khẩu” về với Bộ đội Biên phòng, 2 em Bình và Vu luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ ở đồn. Trung úy Đỗ Trọng Tín là người được giao nhiệm vụ kèm cặp, giúp hai em trong học tập. Anh Tín kể lại, khi mới về đơn vị cả hai em còn nhiều suy tư, bỡ ngỡ và chưa hòa nhịp với cuộc sống quân ngũ nhưng ở trong môi trường mới, các em đã làm quen và hòa nhập rất tốt. Giờ đây các em đã coi đồn biên phòng là gia đình thứ hai của mình. Thầy Hà Ngọc Tiến, giáo viên chủ nhiệm của hai em Bình và Vu cho biết: “Thời gian đầu hai em còn chưa đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Sau hơn một năm được Đồn Biên phòng Xín Mần nhận đỡ đầu, kèm cặp các em không những học thông, viết thạo mà còn được trang bị thêm kiến thức ở nhiều môn học khác nhau. Giờ đây, khi ở cùng các chiến sĩ mang quân hàm xanh, hai em Bình và Vu cũng ý thức được rằng cuộc sống dù có khó khăn, vất vả nhưng các em phải vững tâm như cây tùng, cây bách quả cảm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, gian khổ để sống, để học tập và để sau nay tiếp bước những chiến sỹ mang quân hàm xanh canh giữ “cổng trời” Tổ quốc”.

Thông qua công tác vận động quần chúng, biết nhiều học sinh có hoàn cảnh còn hết sức khó khăn. Thông qua chương trình “Nâng bước em tới trường”, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Mần còn nhận đỡ đầu 3 em học sinh khác trên địa bàn 4 xã biên giới do Đồn Biên phòng quản lý. Hàng tháng, ngoài hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/người; cán bộ, chiễn sĩ ở của đồn còn dành cho các em những món quà giản dị, lúc thì đôi dép, chiếc áo, khi thì tập giấy, quyển vở. Các chiến sỹ trong đồn còn thường xuyên liên lạc với cán bộ địa phương, gia đình, giáo viên chủ nhiệm của các em để biết về tình hình học tập, suy nghĩ và nguyện vọng của từng em để có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

Những việc làm nghĩa tình của Đồn Biên phòng Xín Mần đã góp phần phát huy truyền thống và đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Những việc làm nghĩa tình đó cũng góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ biên phòng với đồng bào các dân tộc trên các dải biên giới xa xôi của Tổ quốc để xây dựng Nền Biên phòng toàn dân vững chắc và đảm bảo an ninh biên giới quốc gia.

Mạnh Tường

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-mat-tran/nhung-mam-xanh-vuon-len-tu-da-tintuc452890