Những mái ấm không đáng phải tan vỡ

Rất nhiều phiên tòa ly hôn có lẽ không cần diễn ra nếu những cặp đôi trẻ chín chắn và suy nghĩ nhiều hơn đến người khác

Một đứa trẻ chừng 3-4 tuổi quấy khóc đòi mẹ giữa sân tòa. Bà nội ẵm bé đi vòng vòng khắp sân, tìm mọi cách dỗ dành. "Ba mẹ nó đang trong phòng xử ly hôn. Trưa rồi mà sao chưa ly hôn xong, không biết có chuyện gì xảy ra trong đó?" - bà lo lắng.

Đứa trẻ khóc mãi không ngừng. Nước mắt, nước mũi tèm lem trên mặt bé, dính sang cả áo bà nội.

Tranh cãi vặt vãnh

Người bà vừa lo trông nom cháu nội vừa lo giải thích với bảo vệ tòa án. Bà nói rằng thường ngày cháu rất nhút nhát, sợ người lạ. Hôm nay theo ba mẹ đến nơi lạ lẫm, cháu nội bà có phần hoảng sợ nên liên tục khóc đòi mẹ, đòi về nhà.

Bên trong phòng xét xử vụ án ly hôn, nước mắt người mẹ cũng giàn giụa. Có điều, chị nén tiếng khóc vào trong. Chị chia sẻ vợ chồng chị yêu nhau từ thời học chung đại học. Vừa ra trường, 2 người tổ chức hôn lễ. Hồi đó, rất nhiều bạn học ngưỡng mộ mối tình bền bỉ và mái ấm anh chị tạo dựng. Con gái ra đời càng bồi đắp thêm tình yêu trong gia đình nhỏ. Dù vậy, cuộc sống chẳng bao giờ "xuôi chèo mát mái". Áp lực nuôi dạy con, môi trường công việc bắt đầu làm rạn nứt tình cảm.

Tại tòa, người chồng ấm ức: "Từ khi làm việc ở công ty về công nghệ thông tin, vợ tôi hay so sánh tôi với đồng nghiệp nam của cô ấy. Mỗi lần nhà cần chi khoản tiền lớn hay con vào bệnh viện, cô ấy đều lấy chuyện này ra càm ràm. Tôi không thể chung sống với người khinh thường mình".

"Em không có ý coi thường ai hết. Em nói như vậy vì muốn anh nhìn người ta mà phấn đấu. Năm năm đi làm, anh cứ giậm chân tại chỗ thì làm sao mua nhà, nuôi con" - người vợ đáp lời.

Lời người vợ hay nói và lòng tự ái người chồng không thể bỏ qua như trên đã dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi. Hậu quả cuối cùng là một phiên tòa ly hôn. Hai đương sự đều muốn quyền nuôi con. Tòa án giao quyền nuôi con cho người mẹ. Nghe những chuyện cãi vã của đôi vợ chồng trẻ trải qua từ khoảng một năm qua, chủ tọa phiên tòa cố gắng hòa giải. Bởi vì, bà cho rằng mâu thuẫn không lớn, không đáng. Thậm chí, đó là những chuyện vặt vãnh trong mắt những người từng trải. Đáng tiếc, hai đương sự trong vụ án ly hôn này thiếu kinh nghiệm sống, lại càng thiếu lòng cảm thông lẫn nhau. HĐXX mong vợ chồng trẻ hàn gắn vì đứa con chưa đến tuổi học mẫu giáo. Dù vậy, họ vẫn một lòng... ly hôn.

Vội cưới, vội chia tay

Một đôi vợ chồng trẻ khác vội vã kết hôn, rồi lại vội vàng dắt nhau ra tòa ly hôn. Họ tổ chức hôn lễ sau gần 2 tháng tìm hiểu, yêu đương. Anh là người TP HCM, chị ở tỉnh khác đến TP học tập, làm việc. Chưa đầy một năm sống chung một nhà, người vợ đâm đơn ra tòa, đơn phương ly hôn. Tại tòa, chị trần tình: "Tính tình anh ấy rất dễ thương. Ba mẹ chồng thương tôi như con gái ruột. Mỗi tội, anh ấy quen dựa dẫm ba mẹ. Trái ngược, tôi thích vợ chồng tự lập". Trước đó, chị có kể sơ qua về cuộc sống hôn nhân anh chị trải qua gần một năm. Cưới xong, vợ chồng chị thuê nhà ở riêng. Dù ba mẹ chồng động viên ở chung với ông bà nhưng chị từ chối. Bởi vì, chị không muốn nhờ cậy ba mẹ về kinh tế. Từ đó trở đi, chị mới tường tận cung cách sống như cậu ấm của anh, mà chị không thể biết lúc yêu nhau. Từ tiền đổi điện thoại đến cái bát, hũ muối trong nhà, anh đều xin ba mẹ. Cuối tuần, chồng chị toàn hẹn bạn đi chơi, đi ăn…

Đại diện HĐXX phân vân rằng liệu 2 người có xác định rõ ràng về cuộc sống hôn nhân trước khi tiến tới hôn nhân hay chưa? Ông cảm thấy tiếc vì họ mới 27 tuổi. Họ còn rất nhiều thời gian thông cảm, uốn nắn lẫn nhau. Đồng ý với lời khuyên ấy, người chồng khăng khăng hứa rằng anh sẽ nỗ lực thay đổi. Trước khi ra tòa, anh đã năn nỉ vợ suy nghĩ lại. Gia đình đôi bên cũng nhiều lần khuyên ngăn. Nhưng anh vẫn bất lực trước ý định quyết tâm ly hôn của chị.

Nghe vậy, người vợ bộc bạch rằng anh hứa thay đổi rất nhiều lần nhưng sau đó, đâu lại vào đấy. Chị quyết định chia tay mặc kệ gia đình hay bạn bè cho rằng chị lì lợm, khó tính.

Hai người không tìm được tiếng nói chung, ly hôn là điều tất yếu. Phiên tòa kết thúc, họ không hề hằn học hay đay nghiến nhau như nhiều cặp đôi khác. Nhiều người cảm thấy tiếc vì nhìn họ rất xứng đôi về mọi mặt.

Con số cần lưu tâm

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, thực trạng biến đổi văn hóa trong gia đình tại đô thị khiến nhiều người lo ngại. Ông dẫn chứng TP có 15,1% trẻ có bố mẹ ly hôn hoặc ly thân. PGS-TS Nguyễn Văn Trình khẳng định mỗi gia đình như tế bào trong xã hội. Nói khác đi, gia đình chính là xã hội thu nhỏ. Thế nhưng hiện nay, tệ nạn xã hội tấn công vào các gia đình, ảnh hưởng đến lối sống, quá trình hình thành nhân cách cũng như mối quan hệ trong gia đình.

DI LÂM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/nhung-mai-am-khong-dang-phai-tan-vo-20200221211830073.htm