Những 'mạch ngầm' giữ lửa làng nghề

Với hơn 1300 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Thế nhưng ngày nay các làng nghề đang dần mai một, thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề của cha ông. Luyến tiếc nghề, nhiều nghệ nhân vẫn miệt mài, tìm cách để níu giữ nghề truyền thống. Họ là những người dám nghĩ, dám làm, luôn mang trong mình hoài bão hồi sinh làng nghề.

Về xã Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội), nơi có nghề dệt truyền thống lâu đời, xưa kia ở làng mọi nhà đều mải miết với nghề dệt nhưng ngày nay, nghề dệt mai một, người dân trong xã rời nghề làm công việc khác phù hợp hơn với xu thế thị trường.

Nghệ nhân Thuận là người Việt đầu tiên dệt lụa từ tơ sen

Nghệ nhân Thuận là người Việt đầu tiên dệt lụa từ tơ sen

Ở làng giờ chỉ còn duy nhất nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn đau đáu trong lòng về việc tìm hướng đi mới cho nghề truyền thống của gia đình, quê hương. Với trăn trở đó bà Thuận đã tìm ra phương pháp điều khiển tằm tự dệt chăn tơ khiến nhiều người dân trong và ngoài nước biết đến bằng niềm ngưỡng mộ.

Những chiếc khăn, áo lụa tơ tằm của bà đã được khách hàng nước ngoài chọn mua, sản phẩm tiêu thụ đến đâu hết đến đó, chủ yếu thông qua các đơn đặt hàng xuất khẩu đi nước ngoài.

Bằng niềm đam mê với nghề dệt, bà Thuận không đành lòng dừng lại khi chỉ đơn thuần là tìm kiếm một “lực lượng lao động”, với ước mong nâng hàng Việt Nam lên một đỉnh cao mới bà vẫn trăn trở, suy nghĩ tìm thêm hướng đi riêng bằng cách dệt lụa từ tơ sen.

Năm đầu thử nghiệm, cơ sở của bà sản xuất được 10 chiếc khăn lụa tơ sen với giá khoảng bốn đến năm triệu đồng/chiếc. Sau khi qua quá trình thử nghiệm, bà mong mỏi sẽ truyền lại những kỹ thuật dệt tơ sen cho mọi người để sản xuất rộng rãi chứ không chỉ dừng ở khâu thử nghiệm. Ngoài ra, bà kỳ vọng việc sản xuất sợi sen sẽ mở ra triển vọng nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng sen, đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho những lao động nhàn rỗi trong làng.

Không chỉ riêng bà Thuận, ở làng Quất Động (xã Quất Động, huyện Thường Tín) có nghề thêu tay nổi tiếng, là nơi khởi nguồn cho nghề thêu trong cả nước.

Hàng trăm năm qua, từ chỗ phát triển cực thịnh, nghề thêu tay ở Quất Động cũng có lúc biến động, sản phẩm thuê tay phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng thêu máy hiện đại, thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp.

Dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ, những chú chuồn chuồn tre ở Thạch Xá được nhiều người trong và ngoài nước yêu thích

Tuy nhiên, những người thợ, nghệ nhân tài hoa ở đây, vẫn dành tình yêu bền bỉ cho nghề, kiên quyết giữ nghề bằng mọi giá. Đến nay nghề thêu tay ở Quất Động đã được nhân rộng ra ở nhiều địa phương khác quanh vùng.

Những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ ở các xã Thượng Lâm, Đồng Tâm… của huyện Mỹ Đức đã góp phần bảo tồn nghề thêu tay truyền thống. Nghề thêu ngày nay đã cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm thêu đa dạng hơn như tranh thêu, thêu trên áo dài, thêu trang trí trên gối, trên khăn… được tiêu thụ, quảng bá rộng rãi ở thị trường trong nước và quốc tế, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách nước ngoài.

Còn tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất được coi là cái nôi của nghề làm chuồn chuồn tre. Từ nhiều đời nay, các nghệ nhân nơi đây vẫn miệt mài, kỳ công sáng tạo ra những chú chuồn chuồn tre đẹp mắt với những mẫu mã phong phú, đa dạng hơn.

Trước đây sản phẩm chủ yếu được bán ở những vùng quê lân cận quanh địa phương vào những dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán với số lượng khiêm tốn. Ngày nay chuồn chuồn tre Thạch Xá đã vượt ra khỏi lũy tre làng, được xuất bán sang một số nước trong khu vực, làm quà trao tay cho nhiều khách du lịch muôn phương.

Bằng những nét đẹp ấy, từng chú chuồn chuồn tre đã trở thành món quà tinh hoa góp phần cùng với những sản phẩm truyền thống khác của dân tộc như nón lá, tò he... in đậm dấu ấn, nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam gửi tới bạn bè quốc tế.

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-mach-ngam-giu-lua-lang-nghe-93415.html