Những lý do thúc đẩy Hàn Quốc phát triển tàu sân bay

Dự án tàu sân bay hạng nhẹ nhằm theo kịp đối thủ Nhật Bản và tăng cường năng lực hải quân Hàn Quốc.

Theo Thời báo châu Á, Tập đoàn Công nghiệp Nặng Hyundai (HHI) và LIG Nex1 mới đây đã ký một Biên bản ghi nhớ (MOU) để phát triển các công nghệ quan trọng cho dự án tàu sân bay hạng nhẹ CVX của Hàn Quốc. Ngoài ra, Hanwha Systems sẽ hợp tác với HHI để phát triển các hệ thống tác chiến của tàu sân bay này.

Mô hình dự án tàu sân bay CVX của Hàn Quốc. Ảnh: HHI

Mô hình dự án tàu sân bay CVX của Hàn Quốc. Ảnh: HHI

Tháng 10 năm ngoái, HHI và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI) cũng đã ký MOU để hợp tác về vận hành và điều khiển máy bay, hệ thống hỗ trợ quân sự, hệ thống huấn luyện và các kế hoạch kiểm tra, đánh giá liên quan đến CVX. Trước đó, HHI và công ty quốc phòng Babcock có trụ sở tại Anh đã ký MOU về cung cấp dịch vụ tư vấn cho dự án CVX của Hàn Quốc.

Babcock cũng là nhà thầu chính cho tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Anh. Như vậy, có thể dự đoán rằng CVX của Hàn Quốc sẽ có một số điểm tương đồng với các tàu sân bay của Anh.

Tham vọng đóng tàu sân bay của Hàn Quốc được thúc đẩy bởi mục tiêu quân sự và uy tín quốc gia. Về mặt quân sự, các căn cứ không quân và căn cứ quân sự lớn trên bộ của Hàn Quốc dễ dàng nằm trong tầm bắn của lực lượng tên lửa Triều Tiên, do đó, dự án CVX có thể là nền tảng cho chỉ huy, kiểm soát và đáp trả các cuộc tấn công tiềm tàng từ trên biển.

Bên cạnh đó, việc Nhật Bản và Trung Quốc tự đóng tàu sân bay cộng với những nghi ngờ về cam kết quân sự của Mỹ trong tương lai cũng có thể góp phần khiến Hàn Quốc quyết định theo đuổi dự án tàu sân bay đầy tham vọng như vậy.

Hơn nữa, CVX còn có thể cho phép Hàn Quốc đóng một vai trò lớn hơn trong các liên minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, hợp tác với hải quân các nước đồng minh để duy trì tự do và an ninh hàng hải ở các vùng biển tranh chấp.

Tuy nhiên, số phận cuối cùng của tàu sân bay trên sẽ nằm trong tay chính phủ tiếp theo của Hàn Quốc, với cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 9/3. Ứng cử viên cánh tả Lee Jae-myung có thể có quan điểm ủng hộ dự án do các chính quyền cánh tả ở Hàn Quốc có truyền thống tìm kiếm vị thế quốc phòng độc lập hơn. Ứng cử viên cánh hữu Yoon Seuk-youl có xu hướng thắt chặt liên minh Hàn-Mỹ, dường như sẽ ủng hộ việc đảm bảo từ Mỹ, nước đang sở hữu nhiều tàu sân bay nhất thế giới.

Ngoài vấn đề chính trị, những người chỉ trích dự án CVX cho rằng nó quá dễ bị tấn công bởi tên lửa đất đối không, tàu ngầm và máy bay. Họ cũng đặt câu hỏi về sự cần thiết của một tàu sân bay khi tất cả các sân bay và căn cứ quân sự của Triều Tiên đều nằm trong tầm tấn công của các máy bay chiến đấu Hàn Quốc.

Những người phản đối lưu ý thêm rằng dự án tàu sân bay của Hàn Quốc được thúc đẩy bởi các mối quan tâm về uy tín quốc gia hơn là sự cần thiết về quân sự, một động lực để vượt qua Nhật Bản mà một số người gọi là “chủ nghĩa dân tộc công nghệ”. Hơn nữa, vấn đề uy tín cũng có thể là một yếu tố thúc đẩy Hải quân Hàn Quốc sở hữu tàu sân bay.

Với dự án CVX, Hàn Quốc đặt mục tiêu gia nhập danh sách các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đầu tư phát triển tàu sân bay. Nhật Bản đã phát triển tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga và Izumo, Trung Quốc có tàu sân bay Liêu Ninh, Sơn Đông và đang chế tạo thêm chiếc thứ ba, Ấn Độ sở hữu tàu sân bay Vikrant và Vikramaditya, Thái Lan có Chakri Naruebet và Australia sở hữu tàu sân bay trực thăng lớp Canberra.

Hiện nay, tàu sân bay được coi là tài sản hải quân giá trị nhất, cho phép triển khai sức mạnh không quân chiến thuật tầm xa. Khả năng cơ động của chúng trên khắp các đại dương trên thế giới được hỗ trợ bởi luật pháp quốc tế liên quan đến tự do hàng hải, hàng không và quyền đi lại vô hại.

Ngoài ra, vì các tàu sân bay về cơ bản là căn cứ không quân di động, chúng không cần các cuộc đàm phán và thỏa hiệp chính trị nhạy cảm để vận hành các máy bay chiến đấu từ các sân bay nước ngoài.

Tàu sân bay cũng là biểu tượng ngoại giao mạnh mẽ, thể hiện sức mạnh lớn trước các đối thủ, trấn an các đồng minh và đối tác, hỗ trợ các hoạt động quân sự khác và là biểu tượng uy tín của quốc gia sở hữu.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy tàu sân bay có thể đang đi theo con đường của thiết giáp hạm về sự lỗi thời. Cũng như các thiết giáp hạm, tàu sân bay là tài sản hải quân cực kỳ đắt đỏ, đòi hỏi nguồn lực quốc gia và thời gian đáng kể để xây dựng, vận hành và bảo trì.

Trong khi đó, tàu sân bay cũng dễ bị đe dọa bởi những loại vũ khí rẻ tiền hơn như tên lửa chống hạm và ngư lôi. Ví dụ, tên lửa “sát thủ tàu sân bay” DF-21 của Trung Quốc có giá chỉ bằng một phần rất nhỏ của siêu tàu sân bay Mỹ USS Gerald R Ford.

Ngoài ra, tàu sân bay ngày càng dễ bị tổn thương trước các tàu ngầm thông thường được cải tiến và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trong một cuộc tập trận hải quân năm 2015, tàu ngầm Saphir chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Rubis của Pháp đã đánh chìm tàu USS Theodore Roosevelt cùng với một số tàu chiến hộ tống.

Trước đó vào năm 2005, một tàu ngầm thông thường lớp Gotland của Thụy Điển cũng đánh chìm tàu USS Ronald Reagan trong một cuộc tập trận hải quân.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/nhung-ly-do-thuc-day-han-quoc-phat-trien-tau-san-bay-20220309084639543.htm