Những lý do khiến Mỹ nghi ngờ tính 'gián điệp' của Huawei

Trước nay nhiều chính khách Mỹ không ủng hộ việc thương hiệu Trung Quốc Huawei hiện diện tại thị trường Mỹ bởi sự nghi ngờ về tính gián điệp từ các sản phẩm của công ty này.

Dù có nhiều thành công về thương mại, tuy nhiên Huawei thường xuyên bị chỉ trích về những vấn đề an ninh mạng, đặc biệt từ chính quyền Mỹ khi cho rằng công ty này là backdoor (cửa sau) cho hệ thống gián điệp từ chính phủ Trung Quốc với nhiều lý do.

Doanh nghiệp thân Chính phủ Bắc Kinh

Dù đã được Mỹ nới lỏng lệnh cấm nhưng sự nghi ngờ của Mỹ dành cho doanh nghiệp này chưa hề giảm.

Dù đã được Mỹ nới lỏng lệnh cấm nhưng sự nghi ngờ của Mỹ dành cho doanh nghiệp này chưa hề giảm.

Trong quan hệ thương mại với Mỹ, đại diện Huawei luôn khẳng định công ty này độc lập với Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Mỹ lại thường xuyên đưa ra bằng chứng phản bác.

Cụ thể, trong một buổi phát biểu, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết mối liên kết giữa doanh nghiệp dân sự với quân đội Trung Quốc quá gần gũi và Trung Quốc có các chính sách, điều luật yêu cầu các doanh nghiệp được chia sẻ dữ liệu. Vị này còn cho rằng các sản phẩm của Huawei trước nay luôn mang tính dò thám thông tin các thị trường, nhất là Mỹ và thậm chí Mỹ còn nhiều lần cáo buộc Huawei là “con át chủ bài” của Trung Quốc để đối phó với Nhà Trắng trong thương chiến Mỹ-Trung. Dù chính ông chủ của Huawei-Nhậm Chính Phi từng phản bác và khẳng định doanh nghiệp này thà đóng cửa chứ không đi làm dò thám cho chính phủ.

Thực tế sự lớn mạnh nhanh chóng của Huawei khi vượt mặt Apple trên phương diện kinh doanh smartphone để trở thành thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy thứ 2 thế giới sau Samsung, cộng thêm sự lớn mạnh trong việc đi đầu xu hướng mạng 5G đã không thể khiến Mỹ ngừng lo lắng về khả năng chi phối, thống lĩnh an ninh toàn cầu của Huawei. Điều mà Mỹ chỉ muốn các thương hiệu của đất nước mình (cụ thể là Apple) làm được.

Hàng nghìn nhân viên Huawei từng làm tình báo, quân đội Trung Quốc

Với sự giúp đỡ từ 3 nhà nghiên cứu đến từ tổ chức phân tích Henry Jackson Society của Anh, mới đây nhà nghiên cứu Christopher Balding, Đại học Fulbright Việt Nam, đã trích xuất dữ liệu từ hơn 590 triệu bản lý lịch bị rò rỉ trên mạng từ năm 2018 để đưa ra kết luận rằng có hàng nghìn nhân viên Huawei từng làm tình báo, quân đội cho Trung Quốc.

Theo đó, trong số 65.000 bộ lý lịch được các nhà nghiên cứu tìm hiểu có khoảng 25.000 bộ lý lịch thuộc về các nhân viên hoặc cựu nhân viên của tập đoàn này.

Các nhà nghiên cứu cho hay, khi tìm kiếm theo một số từ khóa nhất định – ví dụ như Quân đội Giải phóng Nhân dân. Từ đó, họ thu hẹp danh sách trên còn khoảng 100 người, tất cả đều có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực an ninh quốc gia.

Ông Balding đã đăng tải dữ liệu lý lịch mà ông tìm kiếm được trên mạng internet, nhưng điều chỉnh chúng để giữ kín danh tính của những cá nhân trên. Trong số này có bản lý lịch của một nhân viên phát triển sản phẩm của Huawei, trong đó mô tả người này từng làm đại diện cho Bộ An ninh Trung Quốc. Một thực tế bổ sung cho nghiên cứu này là Nhậm Chính Phi – nhà sáng lập Huawei từng là kỹ sư thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, điều khiến người Mỹ nghi ngờ công ty này có quan hệ với Chính phủ Bắc Kinh.

Nghiên cứu này xuất hiện ngay sau công bố nới lỏng lệnh cấm với Huawei 7 ngày. Tính chính xác hoàn toàn của nghiên cứu này là chưa được xác định. Tuy nhiên, đây cũng được coi là một cơ sở để Mỹ và các thị trường liên quan để ý.

Sau đó phía Huawei đã đưa ra ý kiến phản bác lại những nghiên cứu này, và khẳng định luôn nắm rõ hồ sơ, lý lịch ứng viên và luôn đề nghị họ chấm dứt mọi mối quan hệ với quân đội hoặc Chính phủ.

EU cũng đang hợp lực đối phó Huawei

Cuối năm 2019 này, các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ cùng nhau thực hiện kế hoạch đối phó tính gián điệp của các thiết bị Huawei.

Hiện nay sau Mỹ, từng nước thuộc EU đã có những biện pháp đối phó, khai trừ các sản phẩm, thiết bị của Huawei. Tuy nhiên vẫn chưa có tính thống nhất và những dấu hiệu rõ ràng, cụ thể nào như phía Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế – Xã hội châu Âu (EESC) Luca Jahier nhận định, khối này đã sớm nhận ra những mối nguy từ các thiết bị của Huawei nhưng sẽ thận trọng đối phó chứ không cứng rắn như Mỹ. Bởi sự ảnh hưởng về thương mại hàng hóa giữa EU và Trung Quốc hiện nay là không hề nhỏ.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.vn/doc-gia-gui-bai/nhung-ly-do-khien-my-nghi-ngo-tinh-gian-diep-cua-huawei-45438.html