Những lưu ý quan trọng khi Luật An ninh mạng có hiệu lực

Luật An ninh mạng (ANM) quy định về các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Theo đó, các hành vi bị cấm trên mạng gồm:

- Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

- Thông tin sai sự thật gây hoang mang, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

- Các hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng cũng bị nghiêm cấm.

Ngoài ra, Luật ANM cũng nghiêm cấm sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet…; xâm nhập trái phép; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.

- Cấm chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ ANM; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ ANM;

- Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ ANM để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

Người nào có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, Luật ANM cũng nêu rõ hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng bao gồm:

- Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng;

- Cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư;

- Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật; cố ý nghe, ghi âm, ghi hình trái phép các cuộc đàm thoại;

- Hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư.

Khi có hành vi vi phạm pháp luật về ANM xâm phạm an ninh quốc gia hoặc gây tổn hại nghiêm trọng trật tự an toàn xã hội, lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM thuộc Bộ Công an sẽ tiến hành kiểm tra ANM đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức vi phạm...

L.THANH

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/nhung-luu-y-quan-trong-khi-luat-an-ninh-mang-co-hieu-luc-809666.html