Những lưu ý không thể bỏ qua khi làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn

Thí sinh cần chú ý kĩ năng làm bài môn Ngữ vân phần Đọc hiểu và Làm văn để không bị mất điểm một cách oan uổng trong quá trình làm bài thi tốt nghiệp THPT 2020.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Ngữ văn thi theo hình thức trắc nghiệm, đây là môn thi tự luận, mang tính đặc thù của bộ môn nên thí sinh cần lưu ý những điểm sau để làm bài được tốt.

Lưu ý tránh mất điểm oan

Thứ nhất, phần Đọc hiểu, ngữ liệu cho có thể là một đoạn văn xuôi (khoảng 250 đến 300 chữ) hoặc một bài thơ, đoạn thơ và yêu cầu trả lời 4 câu hỏi nhỏ theo ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng (thấp).

Câu 1, ở mức độ nhận biết, thí sinh cần nắm chắc một số đơn vị kiến thức có liên quan như: thể thơ (nếu ngữ liệu cho bài thơ/đoạn thơ), phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ… Giả sử đề yêu cầu chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản thì thí sinh phải trả lời duy nhất phương thức biểu đạt trong số các phương thức: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính công vụ.

Một văn bản thường có nhiều phương thức biểu đạt khác nhau, và muốn biết đâu là phương thức biểu đạt chính thì phải căn cứ vào mục đích cuối cùng mà văn bản dề cập đến. Chẳng hạn ngữ liệu cho là một câu chuyện (có yếu tố miêu tả, biểu cảm), nhưng sau đó lại bàn luận đến một tư tưởng, quan điểm… thì chắc chắn phương thức biểu đạt chính phải là nghị luận.

Câu 2, thường có dạng như “trong đoạn trích, tác giả cho rằng…”, thí sinh phải ghi lại quan điểm của tác giả có sẵn trong ngữ liệu – chứ không phải quan điểm của bản thân. Thí sinh cần trả lời ngắn gọn, trọng tâm, để trong ngoặc kép quan điểm của tác giả - tránh trả lời lan man, dài dòng có thể lạc đề.

Câu 3, được nâng lên ở một mức độ cao hơn so với câu hỏi 1 và 2, ví như “anh/chị hiểu như thế nào về câu…”, thí sinh cần trả lời ngắn gọn nhưng đủ ý – như thế cần diễn đạt khoảng 3 đến 5 câu là đạt yêu cầu.

Học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh họa: N.S)

Học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh họa: N.S)

Câu 4, cũng là câu ở mức độ vận dụng nhưng có độ mở rộng, ví dụ, “anh/chị có đồng tình với quan niệm… không, vì sao”? Thí sinh trả lời khoảng 3 đến 5 câu, có thể đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình một phần nào đó nhưng cần lí giải hợp lí – phù hợp với chuẩn mức đạo đức, thuần phong mĩ tục và không vi phạm pháp luật hiện hành.

Thứ hai, phần Làm văn, có 2 câu hỏi liên quan đến kiến thức nghị luận xã hội và nghị luận văn học – là phần chiếm 70% điểm số của toàn bài văn. Câu nghị luận xã hội, đề yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ được tích hợp một vấn đề, khía cạnh từ ngữ liệu Đọc hiểu.

Về hình thức, thí sinh chỉ viết một đoạn văn (không xuống dòng) khoảng 01 mặt giấy thi, trình bày theo một trong những cách: diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành – nhưng tốt nhất nên viết theo tổng-phân-hợp. Như vậy, câu chủ đề của đoạn văn phải mang luận điểm chính, sau đó giải thích (tùy theo đề), bàn luận và cuối cùng là kết đoạn văn.

Về nội dung, thí sinh xác định cho được vấn đề cần nghị luận để viết chính xác, trọng tâm. Trong quá trình triển khai đoạn văn, thí sinh cần vào đưa những chứng gần gũi, thiết thực, chắt lọc – tránh kể lể – để làm sáng tỏ yêu cầu cần nghị luận. Nên nhớ, bất cứ một vấn đề nào cũng đều có hai mặt – nghĩa là thí sinh phải lật ngược lại vấn đề đề bàn luận cho sâu sắc.

Đáng chú ý nhất là câu nghị luận văn học – chiếm 50% điểm số của toàn bài – đòi hỏi thí sinh phải có chiến thuật làm bài hợp lí, rõ ràng. Theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT – có giá trị tham khảo rất cao – là yêu cầu cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm truyện. Đề chính thức cũng có thể theo hướng này và có thể là cảm nhận về nhân vật qua đoạn văn xuôi hay cảm nhận một đoạn thơ ngắn.

Hướng dẫn đề văn minh họa

Dưới đây là hướng dẫn cụ thể cho đề bài: Cảm nhận về sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mạnh mẽ của nhân vật Mị trong đêm đông cứu A Phủ (trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Thí sinh đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề nghị luận; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

Cần xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận về sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mạnh mẽ của nhân vật Mị trong đêm đông cứu A Phủ qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.

Đồng thời, triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” và khái quát vấn đề cần nghị luận. Sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mạnh mẽ của nhân vật Mị trong đêm đông cứu A Phủ.

Khái quát ngắn gọn, vì sao A Phủ bị thống lí Pá Tra trói đứng trên cọc trong đêm mùa đông. Khát vọng sống trở thành ngọn lửa âm ỉ trong lòng Mị. Khi có cơ hội, ngọn lửa ấy sẽ bùng cháy, trở thành một sự phản kháng mãnh liệt không ai có thể ngờ tới. Những đêm mùa đông trên núi cao, Mị thường dậy sớm trong nỗi cô đơn hiu quạnh một mình lặng lẽ.

Thấy A Phủ bị trói, lúc đầu Mị thản nhiên “nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi”. Nhưng đến lúc bất chợt nhìn thấy dòng nước mắt đau đớn, tuyệt vọng của A Phủ thì tâm hồn Mị hồi sinh một tình người sâu sắc.

Mị thấy đồng cảm với A Phủ, “Mị nhớ lại đêm năm trước A Sử cũng trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia”. Mị và A Phủ là những phận người đồng cảnh ngộ, vừa nghèo khổ vừa bị bọn thống trị đày đọa tàn nhẫn. Trong phút chốc Mị nhớ lại những ngày tháng tủi nhục trước đây.

(Ảnh minh họa: H.C)

Mị sống và làm việc như một con vật, bị bắt trói đứng suốt đêm. Mị nhớ đến người đàn bà bị chồng trói đến chết. Trong Mị bừng lên sự căm phẫn tột cùng “chúng nó thật độc ác”. Mị lo lắng, cảm thương cho tình cảnh hiểm nghèo của A Phủ “chỉ đêm mai là người kia chết chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”. Một cái chết thê thảm sẽ đến với A Phủ.

Mị thấy thật bất công, vô lí nếu A Phủ phải chết “người kia việc gì phải chết thế”. Mị nhận ra nếu phải chết thì đó là một cái chết đầy oan ức cho A Phủ. Mị nghĩ rằng nếu giải thoát cho A Phủ thì Mị sẽ là người thay thế nhưng “làm sao Mị cũng không thấy sợ”. Sức mạnh của tình người thôi thúc Mị, khiến Mị chiến thắng sự sợ hãi.

Mị quyết tâm cởi trói cho A Phủ, Mị đem hết nghị lực để thực hiện hành động táo bạo ấy. Dù trong lòng rất hồi hộp, lo lắng đến “nghẹn lại” nhưng cách Mị cắt, gỡ dây trói thì rất dứt khoát. Sự dũng cảm, lòng thương người đã giúp Mị giải thoát cho A Phủ.

Mị đứng lặng trong bóng tối. Đó chính là giây phút Mị suy nghĩ về bản thân và lựa chọn. Mị đang đứng ở ranh giới ở lại thì chết mà chạy đi có thể được sống. Một khoảnh khắc định mệnh và Mị phải sáng suốt quyết định.

Mị đã vùng chạy theo A Phủ. Một sự lựa chọn sáng suốt. Chỉ có giải thoát mới mong thay đổi được số phận, mới được sống đúng nghĩa. Hàng loạt động từ: “vụt chạy, băng đi, đuổi kịp, lăn…” cho thấy Mị đã dồn hết sức mạnh cố thoát khỏi cõi chết để tìm đến sự sống. Mị và A Phủ “đỡ nhau lao chạy” trong niềm thôi thúc mãnh liệt của lòng khao khát được sống tự do. Đây là kết quả tất yếu của một quá trình Mị bị dồn nén, chà đạp. Sức sống tiềm tàng đã thúc đẩy Mị phản kháng và tự giải thoát mình.

Mị là đại diện tiêu biểu cho người phụ nữ lao động người Mông nghèo khổ, bị vùi dập trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng vẫn tỏa sáng một tâm hồn đẹp: khát khao tự do, hạnh phúc, dũng cảm vùng lên giải thoát số phận nghiệt ngã. Nhân vật thể hiện rõ cảm hứng sáng tác, tư tưởng nhân đạo và tài năng nghệ thuật của nhà văn Tô Hoài.

Chính tả, dùng từ, đặt câu phải ảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. Về độ sáng tạo thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

ThS Phan Thế Hoài

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-luu-y-khong-the-bo-qua-khi-lam-bai-thi-tot-nghiep-thpt-mon-ngu-van-ar561671.html