Những lưu ý khi dùng thuốc

Theo thời gian, người cao tuổi (NCT) dần dần bị suy giảm mọi chức năng, trong đó có chức năng đáp ứng với các loại thuốc khi dùng,

nhất là dạng chậm đáp ứng với thuốc rất nguy hiểm, có nghĩa là liều điều trị rất gần với liều độc. Trong khi đó NCT thường một lúc bị nhiều bệnh và thuốc điều trị bệnh này có thể làm tăng tác dụng của thuốc kia và ngược lại.

Một số đặc điểm về hấp thu và đào thải thuốc

Đối với hấp thu thuốc: do bộ máy tiêu hóa của NCT có nhiều thay đổi bởi giảm bài tiết nước bọt, giảm dịch tiết ở dạ dày, ruột, đồng thời giảm số lượng các tế bào hấp thu kèm theo giảm nhu động ruột cũng như giảm lượng máu tuần hoàn đến nuôi ruột dẫn đến việc hấp thu trở nên khó khăn và chậm chạp hơn. Vì vậy, thuốc lưu lại trên đường tiêu hóa lâu hơn dễ gây nên các biến chứng trên đường tiêu hóa. Hoặc hệ thần kinh của NCT thường dễ bị tổn thương bởi những loại thuốc thường dùng như các loại thuốc giảm đau có opi, benzodiazepin và thuốc điều trị Parkinson.

Đối với phân phối thuốc: khối lượng các mô ở NCT giảm, khối lượng nước giảm, trong khi khối lượng mỡ tăng lên. Do vậy, các thuốc tan trong nước sẽ bị tăng nồng độ, còn các thuốc tan trong mỡ bị chậm khởi đầu, nhưng lại tăng thời gian tác dụng dễ dẫn đến tích lũy gây độc. Mặt khác, khi tuổi cao, các loại protein chịu trách nhiệm vận chuyển thuốc trong máu giảm xuống nên lượng thuốc lưu hành tự do trong cơ thể sẽ tăng lên. Chính vì vậy, cùng một liều sử dụng như người trẻ nhưng với NCT có thể gây tăng quá mức tác dụng dẫn tới nhiều biến chứng. Ví dụ, nguy cơ chảy máu do dùng các thuốc chống viêm không có steroid (NSAIDs) thường gặp hơn ở NCT và thường là nguyên nhân gây ra những hậu quả nghiêm trọng hoặc tử vong.

Về chuyển hóa và thải trừ thuốc: thuốc được thải trừ qua gan và thận là chủ yếu, một số thuốc còn đào thải qua đường tiêu hóa. Nhưng ở NCT, khối lượng gan và thận đều giảm, lượng máu đến cũng giảm, ở ruột máu đến nuôi dưỡng, tế bào niêm mạc ruột và nhu động đều giảm, vì vậy ảnh hưởng tới chuyển hóa thuốc, dễ dẫn đến tích lũy thuốc, gây độc cho cơ thể. NCT khi dùng thuốc cần lưu ý về nguyên tắc dùng thuốc.

Một phương pháp tránh nhầm lẫn thuốc

Nên dùng thuốc như thế nào?

Vấn đề dùng thuốc cho NCT, trước hết đội ngũ bác sĩ khám chữa bệnh cho họ nên cố gắng dùng một phương pháp nào đó có thể cho kết quả tương đối khi chưa cần dùng thuốc là cách thức tốt nhất. Nếu chưa thấy cần thiết có thể chưa cho dùng thuốc vội, ví dụ: đang sốt nhẹ có thể chườm mát hoặc thỉnh thoảng mất ngủ có thể nên hướng dẫn cách đếm số khi nằm chờ ngủ… Nếu phải dùng thuốc, nên dùng càng ít loại thuốc càng tốt, tốt nhất là thuốc ít độc và hiệu quả cao, ví dụ, sốt cao nên dùng Paracetamol đơn chất, hạn chế dùng Aspirin hoặc thuốc không steroid. Nên chọn phương thức, đường đưa thuốc vào cơ thể an toàn, thuận tiện nhất (NCT ở gia đình nên cho uống, đặt hậu môn thuận lợi hơn là tiêm vì không có y tá) để bảo đảm được sự hấp thu tốt và có hiệu quả tốt. Do sự hấp thu thuốc ở NCT đã có hạn chế cho nên bác sĩ kê đơn nên hết sức lưu ý với liều lượng dùng mỗi lần, mỗi ngày và tổng liều. Mặt khác, bác sĩ nên cân nhắc kỹ giữa lợi và không lợi giữa dùng thuốc này và thuốc khác, đặc biệt thuốc đào thải qua gan, thận trong khi người bệnh có tiền sử các bệnh này. Với NCT thường mắc nhiều bệnh hoặc tiền sử đã mắc một số bệnh, nếu không hỏi kỹ bệnh nhân, cho một loại thuốc nào đó, bệnh có thể bị tái diễn. Ví dụ, lúc còn trẻ mắc bệnh hen phế quản, bẵng đi một thời gian dài cho đến khi có tuổi không thấy hen xuất hiện nhưng khi được dùng thuốc không steroid (meloxicam, tilcotil…) để điều trị khớp, bệnh hen tái phát, thậm chí rất nặng. Vì vậy, thuốc được dùng cho NCT phải thích hợp với từng loại bệnh và luôn luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi và hại, cần cân nhắc kỹ tương tác giữa các loại thuốc với chức năng gan - thận và luôn lưu ý tiền sử mắc bệnh của NCT, không để tình trạng chữa được bệnh này lại làm nặng thêm bệnh khác.

Khi NCT mắc bệnh mạn tính (hen suyễn, thấp khớp, thoái hóa khớp, COPD, viêm phế quản mạn tính…) phải sử dụng thuốc trong một thời gian dài, bác sĩ khám, chữa bệnh cần theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá, nhận định kết quả điều trị theo từng thời gian, từng giai đoạn (định kỳ), trên cơ sở đó có thể có điều chỉnh thuốc điều trị cũng như liều lượng sử dụng (tăng liều hay giảm liều). Một số thuốc phải dùng kéo dài, nếu có thể được nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ để tránh hiện tượng tích lũy thuốc (thuốc điều trị loãng xương…).

Với dược tá bán thuốc ở các quầy thuốc, nhà thuốc cần ghi rõ, chữ viết to, đậm từng loại thuốc ở bao bì đựng thuốc khi bán thuốc theo đơn cho người bệnh, bởi vì, NCT độ tinh tường của mắt đã suy giảm, thậm chí nhìn không rõ ngay cả khi có kính hỗ trợ.

Lời khuyên của thầy thuốc
Với NCT, trước tiên khi nghi ngờ có bệnh cần đi khám ở cơ sở y tế, tốt nhất là cơ sở bảo hiểm để được khám, theo dõi bệnh của mình có tính hệ thống. Khi đã có thuốc hoặc đơn thuốc của bác sĩ chỉ định cần tuân thủ uống thuốc theo đúng chỉ định. NCT không được tự động đổi thuốc, tự động thay đổi liều lượng, đặc biệt là tăng liều thuốc sẽ rất nguy hiểm. Mỗi lần có thuốc được cấp phát hoặc mua cần để riêng từng loại, ghi chú rõ ràng (nếu không làm được hãy nhờ con, cháu làm giúp) để tránh nhầm lẫn thuốc. NCT không nên lạm dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thuốc do người không có chuyên môn về y học bán cho mình. Những loại thuốc gọi là “thuốc bổ” cũng cần hết sức thận trọng không nên lạm dụng, đặc biệt “thuốc bổ” không rõ nguồn gốc xuất xứ. NCT cần chú ý, khi đang dùng thuốc, nếu thấy bất thường (mệt mỏi, khó thở, choáng váng…), ví dụ, nam giới dùng thuốc Xatral điều trị tăng sinh tiền liệt tuyến lành tính có thể bị hạ huyết áp thể đứng, cần ngưng dùng thuốc và người nhà cần đưa NCT đến cơ sở y tế gần nhất để được khám bệnh và theo dõi.

TTƯT.PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhung-luu-y-khi-dung-thuoc-n138658.html