Những lưu ý khi dùng thuốc diệt sán

Hiện nay do thói quen, tập quán ăn uống cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm... ngày càng gia tăng khiến cho số lượng bệnh nhân nhiễm giun sán nói chung ngày càng tăng cao, đặc biệt có nhiều trường hợp nhiễm sán nguy hiểm. Vậy khi bị nhiễm sán, người bệnh cần chú ý gì khi dùng thuốc điều trị sán.

Sán lá gan

Sán lá gan nhỏ

Tên khoa học là Clonorchis sinensis và Opisthorchis viverrini. Điều trị sán lá gan nhỏ bằng thuốc praziquantel dùng trong 1 ngày, chia làm 3 lần, uống cách nhau 4-6 giờ. Không được dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu; suy gan, thận, tim; mắc bệnh tâm thần, dị ứng với thuốc... Lưu ý không cho con bú sữa mẹ trong vòng 72 giờ sau khi uống thuốc (nếu dùng cho phụ nữ đang nuôi con bú); thận trọng khi dùng cho trẻ suy dinh dưỡng, người cao tuổi, người bị rối loạn tiền đình...

Nên uống thuốc sau khi ăn no, không uống rượu bia và các chất kích thích; khoảng cách giữa hai lần uống thuốc tối thiểu 4 giờ; phải nghỉ ngơi tại chỗ, không tự đi xe và đi xa, không lao động ít nhất trong 24 giờ.

Khi dùng thuốc có thể có các tác dụng phụ như: chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà, buồn nôn, khó chịu vùng hạ vị, mẩn ngứa và có thể sốt nhẹ... Nếu gặp các tác dụng này nên thông báo ngay cho bác sĩ điều trị của bạn. Các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại giường, tùy theo biểu hiện triệu chứng mà can thiệp bằng thuốc thích hợp và theo dõi thận trọng.

Ăn gỏi rất dễ mắc sán lá gan.

Ăn gỏi rất dễ mắc sán lá gan.

Sán lá gan lớn

Tên khoa học là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Điều trị sán lá gan lớn đặc hiệu bằng thuốc triclabendazole, uống liều duy nhất với lượng nước phù hợp sau khi ăn. Thuốc không được sử dụng cho những người đang bị bệnh cấp tính, phụ nữ có thai và cho con bú; người có tiền sử dị ứng thuốc, đang vận hành máy móc, tàu xe; người bệnh trong đợt cấp tính của các bệnh mạn tính về gan, thận, tim mạch...

Thuốc có thể gây nên tác dụng không mong muốn khi điều trị vào ngày đầu tiên với các triệu chứng như: đau bụng vùng hạ sườn phải, đau âm ỉ hoặc thành cơn; sốt nhẹ, đau đầu nhẹ; buồn nôn, nôn; nổi mẩn, ngứa...; xử trí các triệu chứng này bằng cách dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, chữa triệu chứng phụ khác khi xuất hiện... theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên trên thực tế các triệu chứng phụ chỉ thoáng qua và không cần phải xử trí can thiệp.

Sán lá phổi

Tên khoa học là Paragonimus heterotremus. Điều trị sán lá phổi bằng thuốc praziquantel giống như trong điều trị sán lá gan nhỏ, chia làm 3 lần uống cách nhau 4 - 6 giờ, dùng trong 2 ngày.

Trong quá trình điều trị, có thể bệnh nhân bị ho ra nhiều máu một lúc, vì vậy nên cho người bệnh nghỉ ngơi tuyệt đối và cho thuốc cầm máu, giảm ho... Những trường hợp chóng mặt, nhức đầu... chỉ cần nằm nghỉ ngơi, uống nước chanh đường hoặc nước hoa quả. Chống chỉ định và lưu ý khi dùng thuốc praziquantel thực hiện đúng theo nội dung đã nêu đối với sán lá gan nhỏ.

Sán dây bò và sán dây lợn

Có tên khoa học là Taenia saginata và Taenia solium. Điều trị bằng một trong hai loại thuốc thường dùng hiện nay gồm: praziquantel, uống liều duy nhất sau khi ăn khoảng 1 giờ. Chống chỉ định dùng thuốc và lưu ý khi dùng thuốc cần tuân thủ như đã nêu trong điều trị sán lá gan nhỏ và sán lá phổi. Nếu không có chỉ định dùng praziquantel, có thể sử dụng thuốc niclosamide, uống một lần duy nhất; sau đó 2 giờ uống thêm loại thuốc tẩy magnesium sulfate kèm theo nhiều nước với lượng nước khoảng 2 - 3 lít.

Tác dụng phụ của thuốc niclosamide thường gặp là ăn không ngon, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, nổi mẩn ngứa, chóng mặt, buồn ngủ...; không nên dùng thuốc cho những người bị dị ứng thuốc hoặc uống bia rượu khi dùng thuốc.

Ấu trùng sán lợn

Tên khoa học là Cystisercosis. Ngoài các loại sán lá, sán dây gây bệnh phổ biến đã nêu trên; thực tế bệnh ấu trùng sán lợn cũng thường gặp. Điều trị ấu trùng sán lợn bằng một trong hai thuốc gồm: Praziquantel, uống mỗi ngày 2 lần, dùng trong 10 ngày. Albendazole là loại thuốc thường dùng để điều trị giun, khi dùng để điều trị ấu trùng sán lợn phải dùng với liều cao hơn theo chỉ dẫn của thầy thuốc, uống mỗi ngày 2 lần, dùng trong 30 ngày. Lưu ý cả hai hoại thuốc này phải uống 2 - 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10 - 20 ngày mới có hiệu quả. Chống chỉ định và lưu ý khi dùng thuốc thực hiện theo quy định đã nêu trên đối với thuốc praziquantel. Riêng đối với albendazole không nên dùng đối với người có tiền sử dị ứng thuốc, phụ nữ có thai và đang cho con bú sữa, người trên 65 tuổi, suy gan, suy thận...; thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn như: sốt, nhức đầu, phát ban, nổi này đay, đau thượng vị, buồn nôn, nôn, tiêu chảy... nhưng chỉ thoáng qua. Do phải điều trị dài ngày, nhiều đợt nên hai loại thuốc dùng phải có chỉ định của bác sĩ và được theo dõi cẩn thận.

Ngoài ra, các loại sán khác ít gặp hơn như sán máu, sán lá ruột, sán kim, sán màng, sán dây chó, sán dây cá, sán nhái... khi xâm nhập cơ thể gây bệnh phải được chẩn đoán xác định để có chỉ định sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu phù hợp với từng loại sán.

BS. Nguyễn Trâm Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-luu-y-khi-dung-thuoc-diet-san-n177633.html