Những lưu ý cho doanh nghiệp về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2020

Sáng ngày 4-11, Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư TPHCM (ITPC) và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức hội thảo về những điểm mới và những lưu ý cho doanh nghiệp về Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020.

Chia sẻ tại hội thảo lần này, TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, đã có những đánh giá tích cực về những thay đổi trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020. Theo ông Lịch, DN vừa trải qua một giai đoạn khó khăn do Covid-19, việc thay đổi chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN chuyển mình lúc này là cần thiết. Tuy vậy để thực sự có được những cơ hội DN cần phải hiểu và biết cách áp dụng luật mới sao cho hiệu quả và đúng hướng.

Theo nhận định của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) khi chia sẻ về những thay đổi cơ bản của Luật Doanh nghiệp 2020 thì luật doanh nghiệp có hiệu lực vào tháng 1-2021 đang được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi lớn trên thị trường ở cả góc độ doanh nghiệp và quản lý nhà nước. Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép doanh nghiệp được thuận lợi hơn không chỉ trong việc thành lập mà trong cả quá trình gia nhập thị trường và nhất là quản trị doanh nghiệp.

Tiếp nối phần chia sẻ của ông Hiếu, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM đã chia sẻ với DN về những điểm mới của Luật Đầu tư 2020. Theo nhận định của ông Tuấn Anh, Luật Đầu tư 2020 có nhiều thay đổi, nổi bật trong số đó là thay đổi liên quan đến vấn đề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, thủ tục đầu tư kinh doanh, thực hiện dự án.

Tham gia với hội nghị năm nay, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phân tích những điểm nổi bật của hai văn bản pháp luật mới này. Đối với Luật Đầu tư, ông Tuấn nhấn mạnh nội dung liên quan đến việc xóa bỏ hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đây là một trong những điểm mới nổi bật của Luật Đầu tư 2020, định hướng DN đến những phương thức đòi nợ văn minh hơn như tòa án, trọng tài, hòa giải.

Tại Việt Nam hiện nay xu hướng trọng tài cũng phát triển khá rõ rệt khi các vụ tranh chấp ngày càng tăng cao, đây là cơ sở để DN cân nhắc sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp này khi dịch vụ đòi nợ không còn nữa.

Song song đó ông Tuấn cũng có những bình luận về các thay đổi trong Luật Doanh nghiệp vác tác động của quy định đối với DN. Mặc dù đánh giá cao những thay đổi về thủ tục nhưng nhiều chống chéo vẫn cần được xem xét và tháo gỡ để môi trường kinh doanh ngày càng được cải tiến, hoàn thiện hơn.

Tại hội nghị các DN đã cùng trao đổi, đưa ra các vấn đề khó khăn, thắc mắc để được các chuyên gia chia sẻ. Trong khuôn khổ của một hội thảo vẫn còn nhiều vấn đề của DN chưa thể giải đáp hết nhưng những thông tin mà các diễn giả mang đến cũng phần nào giúp DN hiểu hơn các điểm mới và những lưu ý trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021.

Thanh Dung

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/nhung-luu-y-cho-doanh-nghiep-ve-luat-dau-tu-va-luat-doanh-nghiep-2020-85419.html