Những 'lực cản' cần được tháo gỡ để Nghệ An tạo bước đột phá trong phát triển

Đồng chí Trương Công Anh - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gửi bài viết góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX.

Báo Nghệ An trích đăng nội dung:

Mục III, nội dung B của Phần thứ nhất Dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá tổng quát, viết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã đoàn kết, nỗ lực, cố gắng đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực... Tuy nhiên, Nghệ An vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn... một số chỉ tiêu chủ yếu khó đạt mục tiêu đề ra...”.

Đánh giá như vậy có nghĩa là kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII chưa trọn vẹn, Nghệ An vẫn chưa là tỉnh khá (trong khu vực).

Vì sao vậy? Dự thảo Báo cáo chính trị lý giải điều này bằng việc nêu ra 7 hạn chế, khuyết điểm (Mục I, phần B) và chỉ ra 4 nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm chủ quan (mà không nói đến nguyên nhân khách quan) (Mục II, phần B) .

Đại hội Đảng bộ tỉnh nghệ An lần thứ XVIII. Ảnh tư liệu

Đại hội Đảng bộ tỉnh nghệ An lần thứ XVIII. Ảnh tư liệu

Xin được có mấy ý kiến về các nội dung nói trên:

Dự thảo nêu 7 hạn chế khuyết điểm và 4 nguyên nhân (chủ quan) nói trên là không sai nhưng có lẽ chưa thật đúng và nhất là chưa thật trúng. Nói khác đi là chưa điểm trúng huyệt. Vậy thử tìm những “huyệt” cần phải điểm. Phải chăng là mấy “huyệt” sau đây:

- Đảng bộ, mà trước hết là cấp ủy các cấp (từ tỉnh đến cơ sở) tiếp đến là nhân dân tỉnh ta chưa đủ khát vọng cho và vì một Nghệ An giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chưa đủ khát vọng để vượt qua những hạn chế của chính mình, từ đó phát huy cao nhất truyền thống oanh liệt của quê hương Xô viết. Cùng với đó, Nghệ An cũng chưa đủ ý chí và tri thức để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu. Đây vừa là hạn chế, khuyết điểm vừa là nguyên nhân dẫn đến thực tế: Nghệ An vẫn đi lên (trong phát triển kinh tế - xã hội) ở mức tiệm tiến mà chưa tạo ra được bước phát triển đột phá.

Nếu ý kiến này được chấp nhận thì đề nghị cần bổ sung vào nhiệm vụ công tác chính trị, tư tưởng (điểm 1.1, mục 1 của mục II), nội dung: Khơi lên, nuôi dưỡng, tỏa sáng lên khát vọng vì Nghệ An giàu mạnh… Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư tưởng về chính trị đi liền với làm tốt công tác tư tưởng về kinh tế, trang bị đầy đủ tri thức kinh tế (tri thức toàn diện) cho Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh.

- Theo quan điểm: "Cán bộ là gốc của mọi việc", "Sau khi có đường lối đúng cán bộ quyết định hết thảy", "Công tác tổ chức cán bộ là then chốt của then chốt", thì ta nhận ra cái “huyệt” thứ hai cần được (hay phải) “điểm”. Cụ thể là: Nghệ An vẫn chưa có đủ đội ngũ cán bộ chủ chốt (từ tỉnh đến cơ sở) thật sự hết sức, hết lòng, thật sự tận tụy, cống hiến và khi cần thì hy sinh vì địa phương mình, vì ngành mình, vì chung cả tỉnh. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này, nhưng xin không đề cập ở đây. Thiếu một đội ngũ như vậy, mà chỉ lo sao cho “tròn vai” thì làm sao mà có đột phá, làm sao mà có khát vọng.

Cán bộ xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua Bộ phận một cửa. Ảnh minh họa: Thanh Lê

Nghệ An có thể chưa đủ, nhưng chắc chắn không thiếu các “chiến lược” phát triển, các chương trình, các dự án, các đề án kinh tế. Cái thiếu mà lẽ ra không thể thiếu là chưa có “Chiến lược” cán bộ, chưa có chương trình, dự án, đề án cán bộ tương ứng và tương xứng với chiến lược phát triển, với các chương trình dự án, đề án kinh tế. Ta mới chăm lo đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống chính trị mà chưa chăm lo đội ngũ cán bộ kinh tế. Nhìn vào bất cứ ngành, nghề nào, bất cứ lĩnh vực nào, thậm chí cây, con, sản phẩm nào chúng ta cũng đều thấy rất thiếu người “lo”. Thiếu đội ngũ này thì dù chiến lược, chương trình, dự án, đề án có hay, có đúng đến đâu thì kết quả sẽ không bao giờ đạt được như mong muốn.

Nếu ý kiến này được chấp thuận thì đề nghị bổ sung nội dung này vào điểm 1.3, mục 1 của mục II.

- “Huyệt” thứ ba cần “điểm” là tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng và các nhiệm vụ chính trị hàng năm. Trước hết phải thừa nhận một thực tế là: Nhiệm kỳ qua (2015 - 2020) các vị trí chủ trì tỉnh thay đổi nhiều nên khó tránh khỏi những xáo trộn trong tổ chức chỉ đạo. Song, nhìn vào thực tế, ta cũng phải đánh giá việc tổ chức chỉ đạo… là việc của cả hệ thống tổ chức - bộ máy chứ không là riêng của cá nhân người chủ trì.

Từ cách nhìn nhận đó, có thể đánh giá rằng việc tổ chức chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và các nhiệm vụ cụ thể hàng năm thời gian qua còn dàn trải, thiếu tập trung và thiếu quyết liệt. Hạn chế, khuyết điểm này có tính phổ biến ở các cấp, các ngành, các địa phương. Theo một cách nói khác thì đây là lỗi mang tính hệ thống. Các nguồn lực của Nghệ An vốn không nhiều, không lớn lại bị dàn trải thì yếu càng yếu thêm. Tinh thần trách nhiệm không cao như cần có, tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn ở mức này mức khác thì thiếu quyết liệt sẽ khó mà đột phá được vào những nhiệm vụ quan trọng nhất.

Một góc thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy

Ba “huyệt” cần “điểm” ở trên vừa độc lập vừa tác động qua lại lẫn nhau đã là “lực cản” của nhiều năm qua - của mấy nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ chứ không phải mới có trong 4 - 5 năm mới đây. Nếu Đại hội Đảng bộ khóa XIX không tháo gỡ được “lực cản” này thì e rằng sẽ khó mà có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật để nhìn nhận thật đúng mình, từ đó mà vượt qua những hạn chế của chính mình đưa Nghệ An đột phá đi lên thực hiện trọn vẹn điều Bác Hồ mong mỏi.

Mấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX trình bày ở trên xuất phát từ tinh thần ấy.

Trương Công Anh

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nhung-luc-can-can-duoc-thao-go-de-nghe-an-tao-buoc-dot-pha-trong-phat-trien-271959.html