Những luật và quy định nào về phòng chống rửa tiền có tầm ảnh hưởng lớn?

Hiện có rất nhiều luật và quy định liên quan đến thực hành phòng, chống rửa tiền (AML) trên toàn cầu. Tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia tài chính, có 5 luật/quy định tuân thủ về AML của các tổ chức được cho là có tầm ảnh hưởng lớn nhất.

1. Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính quốc tế (FATF)

Vai trò của FATF là thiết lập các tiêu chuẩn cho luật tuân thủ AML trên toàn cầu và cũng thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả việc tuân thủ chống rửa tiền. Các khuyến nghị của FATF đưa ra một khuôn khổ các biện pháp toàn diện mà hầu hết các quốc gia đều thực hiện để chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

FATF khuyến nghị các pháp nhân tiến hành xác minh mã nhận dạng khách hàng bằng cách yêu cầu và xác minh bằng chứng nhận dạng của khách hàng. Đó có thể là ảnh thực của tài liệu chính thức của khách hàng, chẳng hạn như hộ chiếu.

Hướng dẫn của FATF về các biện pháp phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố được biết dưới tên gọi “quy định bổ sung năm 2017 về thẩm định khách hàng” cho phép sử dụng các biện pháp thẩm định khách hàng đơn giản như xác minh danh tính điện tử, đồng thời giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố một cách thích hợp.

Tất cả hồ sơ của những khách hàng có rủi ro cao phải được lưu giữ trong thời hạn 5 năm. Nếu một công ty không lưu giữ những hồ sơ này trong khoảng thời gian bắt buộc, họ có thể phải đối mặt với án phạt do luật pháp địa phương quy định.

Các tài khoản phải được giám sát thường xuyên để phát hiện các hoạt động đáng ngờ, nếu có, bằng cách kiểm tra xem các giao dịch có vượt quá ngưỡng đã thiết lập hay không, cũng như nếu các lý do đằng sau các giao dịch nói trên là không thể xác định được.
Hoạt động đáng ngờ phải được báo cáo cho đơn vị tình báo tài chính phù hợp, nếu có cơ sở hợp lý rằng các hoạt động này liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố.

FATF đề xuất một loạt các biện pháp trừng phạt hiệu quả, bao gồm cả tiền phạt, để đối phó với các pháp nhân và pháp nhân có nghĩa vụ, không tuân thủ các yêu cầu của phòng, chống rửa tiền / tài trợ khủng bố.

FATF bao gồm 36 thành viên là các quốc gia, vùng lãnh thổ và 2 tổ chức khu vực, đại diện cho hầu hết các trung tâm tài chính lớn trên thế giới bao gồm: Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Singapore, Ủy ban châu Âu (EC) và Hồng Kông (Trung Quốc).

2. Đạo luật Bảo mật ngân hàng của Hoa Kỳ (BSA)/Đạo luật Yêu nước của Hoa Kỳ

Đạo luật Bảo mật ngân hàng (BSA) nhằm hỗ trợ các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ phát hiện và ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố. Về bản chất, BSA và một số điều khoản trong Đạo luật Yêu nước có bao gồm luật tuân thủ về phòng, chống rửa tiền ở Hoa Kỳ.

Theo Đạo luật này, các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác phải nộp báo cáo về các giao dịch tiền mặt, giao dịch tiền tệ và các khoản vận chuyển tiền tệ hoặc công cụ tiền tệ quốc tế có giá trị từ 10.000 USD trở lên.

Số tiền này có thể là của một giao dịch đơn lẻ hoặc một loạt các giao dịch có liên quan đến nhau.
Mục 352 của Đạo luật Yêu nước Hoa Kỳ yêu cầu các tổ chức tài chính thiết lập các chương trình tuân thủ AML, các chương trình này phải bao gồm: xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ; chỉ định một cán bộ chuyên trách về tuân thủ AML; một chương trình đào tạo nhân viên liên tục; và các cuộc kiểm toán độc lập có kế hoạch.

Theo Điều luật 18 USC 1956, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có thể đưa ra các hình phạt hình sự về rửa tiền, bao gồm phạt tiền, bỏ tù và tịch thu tài sản.

Bất kỳ cá nhân nào, bao gồm nhân viên ngân hàng, nếu cố tình vi phạm BSA hoặc các quy định hướng dẫn của BSA sẽ bị phạt hình sự lên đến 250.000 USD hoặc 5 năm tù giam, hoặc cả hai.

Để giảm tỷ lệ thành công của tội phạm tài chính, BSA yêu cầu các tổ chức tài chính lập nhật ký công cụ tiền tệ (MLI) đối với các công cụ mua tiền mặt có tổng giá trị từ 3.000 đến 10.000 USD.

3. Liên minh châu Âu - Chỉ thị chống rửa tiền lần thứ 4 và 5 (AMLD4 & AMLD5)

Các chỉ thị Chống rửa tiền với mục đích ngăn chặn việc sử dụng hệ thống tài chính châu Âu cho các mục đích rửa tiền và tài trợ khủng bố, có hiệu lực đối với tất cả các pháp nhân hoạt động trong Liên minh châu Âu.

Chỉ thị chống rửa tiền lần thứ 4 của EU (AMLD 4)

• Chỉ thị AML thứ 4 cho phép các công ty áp dụng việc xác minh danh tính điện tử hoặc e-KYC để xác minh khách hàng từ xa. Điều này có thể được thực hiện thông qua xác minh ID dựa trên ảnh tự chụp hoặc xác minh ID dựa trên video.

• Điều 58-62 của AMLD 4 ghi rõ, hậu quả của việc pháp nhân không tuân thủ là bị phạt hành chính ít nhất gấp đôi số tiền thu lợi được từ việc vi phạm luật AML, nếu lợi ích đó có thể xác định được, hoặc ít nhất là 1 EUR triệu.

• Theo chỉ thị thứ 4, các đơn vị tình báo tài chính EU (FIU) chịu trách nhiệm tiếp nhận và phân tích thông tin từ các pháp nhân về các giao dịch liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Chỉ thị chống rửa tiền lần thứ năm của Liên minh châu Âu (AMLD 5)

Không có nhiều khác biệt giữa chỉ thị AML thứ 4 và thứ 5. Chỉ thị chống rửa tiền lần thứ 5 sửa đổi một số điều khoản của chỉ thị thứ 4 đồng thời bổ sung một số điều khoản mới. Một số điểm quan trọng nên biết bao gồm:

• Minh bạch về vấn đề chủ sở hữu có lợi của pháp nhân, quỹ tín thác cũng như việc tạo sổ đăng ký tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán trung tâm và chủ sở hữu két an toàn.

• Các công ty và các pháp nhân khác sẽ phải giữ thông tin hiện tại về quyền sở hữu có lợi của mình, bao gồm cả mức độ lợi ích nắm giữ. Ngoài ra, thông tin sẽ được gửi đến sổ đăng ký trung tâm này.

• Các cá nhân giữ vị trí chính trị quan trọng trong nước (PEP) giờ đây sẽ chịu sự giám sát tương tự như các PEP nước ngoài, cùng với các quan chức cấp cao của các tổ chức quốc tế và thành viên của cơ quan quản lý của các đảng chính trị.

4. Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA)

Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) là cơ quan có liên quan theo Pháp lệnh chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (AMLO) để giám sát việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý và giám sát được quy định trong AMLO và Hướng dẫn về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

• HKMA yêu cầu các tổ chức có nghĩa vụ thiết lập chương trình phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố bao gồm các thủ tục và kiểm soát để quản lý và giảm thiểu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố.

• Các biện pháp kiểm soát này bao gồm cách tiếp cận dựa trên rủi ro (RBA) để triển khai hiệu quả chương trình tuân thủ phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố.

• Các công ty được khuyến khích thực hiện đánh giá rủi ro phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố của tổ chức để xác định và hiểu các rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố của mình trong mối quan hệ với khách hàng; các quốc gia hoặc khu vực pháp lý của khách hàng; các quốc gia hoặc khu vực pháp lý mà công ty có hoạt động; và các sản phẩm, dịch vụ, giao dịch và kênh phân phối của mình.

5. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS)

Quy định về tuân thủ phòng, chống rửa tiền đối với các pháp nhân hoạt động tại Singapore được nêu trong Thông báo của MAS về Phòng chống rửa tiền và Chống tài trợ cho khủng bố.

• Pháp nhân có nghĩa vụ phải thực hiện các thủ tục thẩm định với khách hàng khi giao dịch với khách hàng hoặc những người được chỉ định để thay mặt khách hàng và chủ sở hữu thụ hưởng.

• Các thủ tục thẩm định khách hàng nâng cao là cần thiết khi có nghi ngờ rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố hoặc nếu tổ chức nghi ngờ về tính trung thực hoặc đầy đủ của bất kỳ thông tin đã thu thập trước đó.

M.P/Báo Tin tức (tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/nhung-luat-va-quy-dinh-nao-ve-phong-chong-rua-tien-co-tam-anh-huong-lon-20201030155204275.htm