Những luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục

Nhóm Nghiên cứu Trường ĐH Luật TPHCM nhấn mạnh, việc đề xuất không thu học phí đối với trẻ em 5 tuổi học tại các cơ sở GDMN, HS tiểu học, HS THCS công lập và hỗ trợ học phí cho HS NCL trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ từng bước thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đặc biệt là chính sách phổ cập giáo dục.

Chính sách miễn học phí thể hiện tính nhân văn trong GD là bước đà để GD phổ thông phát triển

Chính sách miễn học phí thể hiện tính nhân văn trong GD là bước đà để GD phổ thông phát triển

Những hạn chế chế độ học phí cấp phổ thông

Giải trình, đánh giá tác động chính sách không thu học phí trẻ em mầm non 5 tuổi, HS tiểu học, THCS trường công lập và hỗ trợ đóng hoc phí cơ sở ngoài công lập (NCL) đối với HS diện phổ cập, báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo Luật GD sửa đổi đã chỉ ra những hạn chế của chế độ học phí cấp phổ thông ở nước ta hiện nay.

Theo đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là thực hiện chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau 2020. Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với cấp giáo dục tiểu học, còn giáo dục THCS, trẻ em học mầm non 5 tuổi (HS thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện nay, phần lớn trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT sống ở vùng nông thôn, miền núi, con công nhân sống tại khu công nghiệp, khu chế xuất, thu nhập gia đình tương đối thấp, vì vậy mặc dù mức thu học phí không quá cao, nhưng cũng là một gánh nặng đối với gia đình có thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo.

Còn rất nhiều trẻ mầm non, HS phổ thông học vì những lý do khác nhau đang học tại các trường NCL, học phí cao, đặc biệt là con của công nhân làm việc ở khu công nghiệp. Đây là một gánh nặng đối với gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và rất cần sự hỗ trợ về chính sách học phí của Nhà nước, để giảm bớt khó khăn cho gia đình công nhân, đồng thời bảo đảm công bằng giữa trường công lập và trường NCL. Nhà nước vẫn chưa đầu tư đầy đủ cho các trường công để đáp ứng nhu cầu của các gia đình công nhân cho con đi học, cho nên họ vẫn phải gửi con học trường tư (đặc biệt là trẻ mầm non 5 tuổi).

Cũng theo nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Luật TPHCM, cử tri cả nước thời gian qua đã thông qua Đại biểu Quốc hội kiến nghị với Nhà nước đề nghị không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và HS trung học cơ sở thuộc diện phổ cập.

Căn cứ đề xuất chính sách

Việc mở rộng đối tượng không thu học phí tớitrẻ em học mầm non 5 tuổi, HS THCS học tại trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cho HS NCL dựa trên cơ sở luận cứ: Căn cứ quy định của Công ước quốc tế và quyền được tiếp cận giáo dục của trẻ em; căn cứ quan điểm của Đảng, Nhà nước và tham khảo từ kinh nghiệm quốc tế.

Chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đã khẳng định phải thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi, giáo dục THCS và thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Đồng thời, Nhà nước phải có chính sách để thực hiện giáo dục phổ cập và giáo dục bắt buộc, để tạo điều kiện huy động được tất cả các HS trong độ tuổi đến trường.

Để thực hiện chính sách phổ cập và giáo dục bắt buộc, Nhà nước phải có chính sách đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp học và phải không thu học phí (không phân biệt trường công và trường tư), vì hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ gia đình có thu nhập trung bình và thu nhập thấp (tiệm cận chuẩn nghèo), nếu không miễn hoàn toàn học phí cho đối tượng này, thì rất khó huy động tất cả các trẻ em HS đến trường và không thể hoàn thành mục tiêu thực hiện phổ cập và giáo dục bắt buộc. Vì vậy không thực hiện được đúng chủ trương Nghị quyết của Đảng, Nhà nước.

Về kinh nghiệm quốc tế, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu chính sách học phí từ cấp học mầm non đến phổ thông của 18 nước đại diện 4 châu lục (châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi) và đại diện cho các nước có thu nhập cao, thu nhập trung bình và thu nhập thấp, qua nghiên cứu cho thấy:

Có 4/18 (chiếm 2,2%) nước miễn hoàn toàn học phí đối với tất cả các cấp học từ GDMN đến giáo dục phổ thông là; 6/18 (chiếm 33%) nước miễn hoàn toàn học phí đối với GDMN; 18/18 (100%) nước miễn hoàn toàn học phí đối với giáo dục tiểu học; 11/18 (chiếm 61%) nước miễn học phí hoàn toàn đối với giáo dục THCS; 8/18 (chiếm 44%) nước miễn học phí hoàn toàn đối với giáo dục THPT. Bên cạnh chính sách miễn học phí, một số nước đã và đang thực hiện các chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho HS...

Tác động nhân văn của chính sách mới

Việc đề xuất không thu học phí đối với trẻ em 5 tuổi học tại các cơ sở GDMN, HS tiểu học, HS THCS công lập và hỗ trợ học phí cho HS NCL sẽ từng bước thực hiện đúng chủ trương, chính sách của đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đặc biệt là chính sách phổ cập. Thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với GDMN; thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; tạo điều kiện cho 100% trẻ 5 tuổi được học mầm non trước khi vào lớp 1. Thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển xã hội hóa, khuyến khích các loại hình trường NCL phát triển, đối xử bình đẳng giữa trường công và trường tư khi thực hiện các dịch vụ công thiết yếu do Nhà nước đảm bảo kinh phí.

Chính sách cũng thể hiện tinh thần của Luật Trẻ em, đảm bảo các quyền của trẻ em được ghi nhận trong Luật Trẻ em 2016 và các công ước quốc tế về quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ 5 tuổi được học mầm non miễn học phí, không có tác động về giới.

Theo nhóm nghiên cứu, mức thu học phí đối với GDMN và phổ thông hiện nay không cao. Tuy nhiên, việc không thu học phí THCS sẽ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Tạo thêm cơ hội cho trẻ em học mầm non 5 tuổi, HS THCS học được tiếp cận giáo dục, đặc biệt các HS gia đình có thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo. Qua đó khắc phục cơ bản tình trạng HS bỏ học, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Giảm tỷ lệ trẻ em học mầm non 5 tuổi, HS THCS học bỏ học do khó khăn về kinh tế: Ước tính năm 2016, tỷ lệ HS từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS chiếm khoảng 90%; tỷ lệ bỏ học ở THCS chiếm khoảng 1%. Trong số HS bỏ học, có rất nhiều HS gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Điều này, gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là HS vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Đồng thời, nâng cao chỉ số phát triển người (HDI).

Việc không thu học phí trẻ em học mầm non 5 tuổi, HS THCS học tại trường công lập và hỗ trợ HS NCL sẽ góp phần quan trọng nâng cao số HS hoàn thành phổ cập GDMN, tiểu học, THCS đúng độ tuổi, nâng cao số năm đi học kỳ vọng và số năm đi học trung bình, góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người của Việt Nam. Tạo sự bình đẳng đối với các cơ sở công lập. Giảm áp lực, giảm tải cho cơ sở GDMN công lập; trường tiểu học công lập; trường THCS công lập. Đáp ứng yêu cầu của xã hội và gia đình người học, tác động tích cực đến chính sách xã hội hóa và việc phát triển cơ sở GDMN NCL. Tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư có đủ năng lực để đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục NCL.

(Bài 4: Thay đổi chính sách học phí với sinh viên sư phạm đáp ứng yêu cầu mới)

Tác động đối với ngân sách Nhà nước

Ngoài kinh phí ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách chế độ cho HS miễn giảm học phí theo quy định hiện nay, theo tính toán của nhóm nghiên cứu, khi thực hiện chính sách này, hàng năm, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi thêm một khoản 4.730 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện cân đối trong 20% chi ngân sách cho GD-ĐT.

Hiện nay, tổng ngân sách chi thường xuyên cho GD-ĐT theo Nghị quyết Quốc hội phê duyệt mỗi năm tăng từ 6% - 8%. Như vậy, với số ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục hàng năm tăng thêm khoảng 13.907 tỷ, thì hoàn toàn có thể bù đắp kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí trường công lập diện phổ cập và hỗ trợ đóng học phí trường NCL là 4.730 tỷ đồng nêu trên, chưa kể số dự phòng ngân sách cho giáo dục hàng năm chưa sử dụng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-luan-cu-khoa-hoc-sua-doi-bo-sung-luat-giao-duc-3963645-b.html