Những lời xúc động trong sổ tang tiễn biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Trong sổ tang, rất nhiều văn nghệ sĩ đã để lại những lời đầy xúc động và xót xa khi phải vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – một tài năng văn chương hiếm có của văn học Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh internet

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh internet

Sáng ngày 24-03-2021, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội), đông đảo văn nghệ sĩ và người yêu văn học đã đến để tiễn biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về nơi an nghỉ cuối cùng. Sự ra đi của ông để lại bao niềm tiếc xót cho nhiều người. Văn đàn Việt Nam đã mất đi một ông “vua truyện ngắn”.

Trong sổ tang, rất nhiều người đã để lại những lời tiễn biệt đầy xúc động và xót xa khi phải vĩnh biệt một tài năng văn chương đỉnh cao như Nguyễn Huy Thiệp.

PGS.TS nhà văn Văn Giá: “Anh đi nhé, như cánh hạc bay, vừa bay vừa bình an, đừng “kêu thảng thốt” nữa anh nhé!”

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Thương quá, Thiệp ơi! Nhưng một tài năng như em, nhất định sẽ còn mãi”

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Ngày nào vào thăm anh trong bệnh viện, cứ nghĩ sẽ có một phép màu nào đó. Không ai nghĩ có một ngày, chúng ta vĩnh viễn mất đi Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, tinh anh Nguyễn Huy Thiệp còn mãi, còn mãi mãi”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: “Thiệp ơi! Bạn ơi! Nhà văn tài năng của tôi ơi! Thôi đi nhé, mưa tháng ba Hà Nội tiễn bạn, bao người thương yêu tiễn bạn đây. Hẹn sau nơi xa ấy, cho không còn nơi “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt” của một “Thương nhớ đồng quê” Việt Nam.

GS Hồ Ngọc Đại : “Khó khăn trên đời, tạm thời. Vinh quang mãi mãi”

Nhà văn Bảo Ninh: “Xin chia buồn với các cháu Bách Khoa và gia đình nhé, bác Thiệp mất đi, nỗi đau đớn tột cùng cho nền văn học, giới văn học nước nhà”

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống : “Vĩnh biệt anh, cây truyện ngắn tài năng mới mẻ, bạo liệt và sâu thẳm nhất của văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám- 1945. Mong hương hồn anh mãi mát lành”

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: “ Cầu mong nhà văn siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng. Những gì nhà văn để lại cho đời là vĩnh cửu. Xin chân thành chia buồn sâu sắc tới gia đình”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “ Ban chấp hành Hội nhà văn xin cúi đầu tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về cõi vĩnh hằng. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã dựng lên một cột mốc quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông đã mở ra một thời kỳ mới của văn xuôi Việt Nam. Chúng tôi, nhà văn và bạn đọc mãi mãi biết ơn ông và nhớ ông”.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương: “Tạp chí Văn nghệ Quân đội nghiêng mình tỏ lòng thương tiếc và kính trọng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Thật buồn vì phải vĩnh biệt ông. Nhưng thật tự hào vì những gì ông đã để lại cho văn học Việt Nam”

Paul Nguyễn Hoàng Đức: “Rất thương tiếc nhà văn tài năng Nguyễn Huy Thiệp”.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp “Viện Văn học vô cùng thương tiếc nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một tài năng lớn, một nhà văn có tư tưởng nghệ thuật độc đáo”

GS Hoàng Xuân Phú: “Ngưỡng mộ anh Nguyễn Huy Thiệp, một tài năng đặc biệt của văn học Việt Nam”.

Họa sĩ Thành Chương: “Thương nhớ Thiệp vô vàn”.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: “Kính tiễn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về nơi niết bàn cực lạc. Tưởng nhớ về anh, nhà văn bậc thầy của đất nước, người bạn lớn của các thế hệ nhà văn sau này. Vô cùng thương tiếc anh”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Biết ơn anh- nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người đã tạo được cú hích lớn cho văn chương Việt Nam 10 năm cuối thế kỷ hai mươi và dài mãi về sau…”.

PGS.TS Đào Duy Hiệp: “Vô cùng thương tiếc nhà văn lớn, người bạn ân tình. Kính viếng anh. Mong anh thanh thản nơi cõi vĩnh hằng”.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung Ương) - Nguyễn Minh Nhựt: “Vô cùng thương tiếc nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một đại thụ trong nền văn học Việt Nam đương đại! Xin chân thành cùng gia đình trước sự mất mát lớn này. Cầu chúc anh tiêu diêu miền lạc cảnh. Nhớ anh và vô cùng tiếc thương anh”…

Trong lễ truy điệu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đại diện Ban tổ chức lễ tang đọc điếu văn, trong đó có đoạn: “Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương khá muộn. Nhưng khi “Những ngọn gió Hua Tát” và những truyện ngắn khác của ông xuất hiện thì cũng là lúc cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp trỗi dậy, thổi qua cánh rừng đời sống văn chương Việt và nó làm tất cả rung lên. Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Và cho tới lúc này, ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại.

Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật.

Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người.

Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người.

Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên.

Chỉ khi mang nỗi đau đớn tận cùng về con người, ông mới có thể viết những thiên truyện buốt lạnh đến rùng mình. Sự buốt lạnh đến rùng mình ấy chính là lời cảnh báo cao nhất về lương tri. Có lẽ lúc đó, đối với ông, nước mắt than khóc hay những lời an ủi hão huyền chỉ là sự phù phiếm đối với một nhà văn khi nghĩ về, và khi nói về đồng loại của mình.

Đọc những thiên truyện của ông, người đọc nhiều khi mang cảm giác kinh hãi, kinh hãi bởi họ nhận ra những vùng tăm tối đầy man dại còn đâu đó trong chính con người họ. Để từ đó, họ được thức tỉnh và biết hành động để phục sinh nhân tính của mình. Chính thế mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói: “Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng”.

Phụng Thiên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-loi-xuc-dong-trong-so-tang-tien-biet-nha-van-nguyen-huy-thiep-83231