Những lời tâm huyết với Báo Quân đội nhân dân của đồng chí Lê Khả Phiêu

Với anh chị em làm Báo Quân đội nhân dân (QĐND) nói riêng và các nhà báo quân đội nói chung, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Lê Khả Phiêu luôn có tình cảm đặc biệt.

Mỗi lần có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với các nhà báo, ông đều chủ động tạo ra một không khí cởi mở, thân tình, sẵn sàng tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ không chỉ về những vấn đề chính trị quan trọng trong nước, quốc tế mà cả những vấn đề cuộc sống, xã hội thường nhật. Ông chăm chú lắng nghe câu chuyện của các nhà báo, trao đổi, bàn luận về những vấn đề nóng mà người dân, xã hội đang quan tâm. Riêng về nghề báo, tôi từng có nhiều dịp nghe ông nói trên các diễn đàn khác nhau về những vấn đề rất sâu sắc liên quan đến hoạt động báo chí, phẩm chất, năng lực cần có của người làm báo trong giai đoạn mới.

Đồng chí Lê Khả Phiêu đã có nhiều dịp ra thăm, làm việc với lãnh đạo và cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo QĐND và cũng nhiều lần các đồng chí tổng biên tập cùng ban biên tập được đến thăm, trò chuyện với đồng chí tại văn phòng hoặc nhà riêng. Thời gian giữ cương vị Chủ nhiệm TCCT, cũng như sau này, trên cương vị Thường trực Bộ Chính trị, rồi Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến sự phát triển của Báo QĐND, trong đó có một vấn đề được đồng chí đặc biệt coi trọng là xây dựng đội ngũ những người làm Báo QĐND đạt đến trình độ “tinh nhuệ về chính trị”, đủ khả năng phân tích, xử lý những vấn đề phức tạp đang diễn ra hằng ngày trên tất cả lĩnh vực. Đây là một yêu cầu xuất phát từ thực tiễn công tác chính trị-tư tưởng trong LLVT cũng như trong toàn Đảng và trong xã hội, là một đòi hỏi cấp bách trước mắt cũng như lâu dài đối với sự phát triển của Báo QĐND-cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tiếng nói của LLVT và nhân dân Việt Nam.

 Đồng chí Lê Khả Phiêu. Ảnh: Qdnd.vn

Đồng chí Lê Khả Phiêu. Ảnh: Qdnd.vn

Trong lần ra thăm và làm việc với Báo QĐND năm 1993, vào đúng dịp kỷ niệm 43 năm Ngày truyền thống Báo QĐND (20-10-1950 / 20-10-1993), đồng chí Lê Khả Phiêu đã có bài phát biểu rất quan trọng, trong đó đưa ra những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, trên thực tế là những lời dặn dò tâm huyết với những người làm Báo QĐND, trong đó nêu yêu cầu “cán bộ, phóng viên Báo QĐND phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và một tầm nhìn chiến lược”. Đồng chí nói: “Mọi phóng viên phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có trình độ, hiểu rộng, hiểu sâu trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, an ninh, đối ngoại... Cần bám sát diễn biến của thời cuộc, phân tích cả cái đã dự báo và cái chưa được dự báo. Đó là bản lĩnh chính trị, độ nhạy cảm chính trị của người làm báo".

Xây dựng đội ngũ những người làm Báo QĐND có bản lĩnh chính trị và tầm nhìn chiến lược-cho đến hôm nay, khi cuộc sống và ngay cả hoạt động báo chí đã có những thay đổi sâu sắc về diện mạo cũng như đã có những phát triển rất mạnh về khoa học công nghệ, và có lẽ lâu dài về sau nữa, đây vẫn là những lời căn dặn sâu sắc, có giá trị lâu dài với các thế hệ những người làm Báo QĐND. Suy cho cùng, một tờ báo muốn phát triển, muốn thực hiện tốt vai trò thông tin, dẫn dắt, định hướng xã hội phải có những nhà báo giỏi. Khoa học công nghệ có phát triển đến đâu thì con người nhà báo vẫn là quan trọng nhất và giữ vai trò quyết định. Ai cũng hiểu, muốn đạt được trình độ “tinh nhuệ về chính trị”, người làm báo phải lăn lộn trong thực tế cuộc sống, tự giác học tập, rèn luyện, tự mình bồi dưỡng, nâng cao năng lực trí tuệ và phẩm chất. Đồng chí Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “Bản lĩnh chính trị vững vàng phải luôn đi đôi với tri thức rộng, vì có tri thức mới phát hiện được cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu đang nảy sinh từ cơ sở để phản ánh, khen chê, cổ vũ và phê phán cho đúng”.

Nhìn lại bối cảnh những năm 90 của thế kỷ trước, các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ tác động nghiêm trọng đến công tác tư tưởng, mà trước hết là sự nghi ngờ, khủng hoảng niềm tin về học thuyết cách mạng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta. Chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng đứng trước sự phê phán gay gắt và bị tấn công từ nhiều phía. Kẻ địch lợi dụng tình thế này phê phán cay độc sự lựa chọn CNXH và sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta. Chúng phủ nhận đường lối, mục tiêu, lý tưởng và quá khứ vẻ vang của chúng ta, đồng thời tập trung công kích vào hệ thống chính trị, trong đó trọng tâm là vai trò lãnh đạo của Đảng. Mặt trận tư tưởng-văn hóa trở thành mặt trận xung yếu nhất. Kẻ địch dùng mọi thủ đoạn nham hiểm đánh vào niềm tin, lý tưởng và phá hoại tổ chức của Đảng. Vai trò của báo chí, nhất là báo chí quân đội trong cuộc đấu tranh mới này đặc biệt quan trọng, nhưng không thể phủ nhận một thực tế là chúng ta còn ít kinh nghiệm.

Điều làm đồng chí Lê Khả Phiêu suy nghĩ nhiều ở thời điểm này là trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới cũng như những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường thời mở cửa, có rất nhiều vấn đề mới nảy sinh trong công tác chính trị tư tưởng của Đảng và quân đội. Báo QĐND phải làm gì để có thông tin định hướng đúng về đường lối, quan điểm của Đảng, về xây dựng QĐND cách mạng, góp phần để toàn dân, toàn quân hiểu rõ nhiệm vụ của cách mạng, âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù để nâng cao cảnh giác, giương cao ngọn cờ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định con đường XHCN, độc lập dân tộc và CNXH, giữ vững ổn định chính trị, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên vững chắc.

Đồng chí Lê Khả Phiêu nêu vấn đề: Làm sao phải có những bình luận chính trị sắc bén, phân tích kịp thời, định hướng đúng đắn, giúp bạn đọc phân biệt được đúng, sai trong diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, thấy rõ những thuận lợi, khó khăn, những mặt tích cực và tiêu cực. Báo chí phải thể hiện thái độ chân chính của người cách mạng là không chủ quan trước thuận lợi, không dao động trước khó khăn, vừa kiên định, vừa tỉnh táo, cảnh giác.

Trong suốt 27 năm qua, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, những lời căn dặn của đồng chí Lê Khả Phiêu với cán bộ, phóng viên Báo QĐND vẫn là những định hướng cơ bản để xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, phóng viên, công nhân viên vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ và nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Đồng chí dặn: “Người làm báo phải có tính nguyên tắc cao, tuyệt đối phục vụ nhiệm vụ chính trị của tờ báo. Phóng viên phải lăn lộn trong cuộc sống, bám sát cuộc sống của bộ đội và nhân dân để hiểu được tình hình, nắm vững tình hình, phát hiện kịp thời nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt-việc tốt”, đồng thời phát hiện những mặt trì trệ, yếu kém, sai sót, qua đó mà khám phá, nghiền ngẫm và tổng kết kinh nghiệm, phản ánh lên công luận trung thực, có tác dụng, hiệu quả”. Như thấy trước được những ảnh hưởng, tác động của mặt trái kinh tế thị trường và những tiêu cực xã hội đối với nghề báo, đồng chí nhắc nhở: “Trong tình hình hiện nay, các đồng chí phải hết sức coi trọng rèn luyện phẩm chất, tư cách người làm báo. Có như vậy bài báo viết ra mới thực sự là sản phẩm tinh thần, là công cụ góp phần giáo dục, rèn luyện, đào tạo con người. Thực tiễn phản ánh lên báo phải trung thực, khách quan, vì công lý, vì đạo đức, giá trị CNXH, vì truyền thống cách mạng của Bộ đội Cụ Hồ. Cái gì bất công thì lên án. Cái gì phải, dù nhỏ bé cũng cổ vũ động viên. Làm báo phải có lương tâm nghề nghiệp, không chạy theo lỗ lãi, không được vì đồng tiền, coi đồng tiền là động lực, càng không thể vì đồng tiền mà bẻ cong ngòi bút...”.

Giờ đây, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, những người làm Báo QĐND vô cùng đau xót nhận được tin, trái tim đồng chí Lê Khả Phiêu đã ngừng đập. Trong niềm đau thương sâu sắc, khi đọc lại, nghiền ngẫm thêm về những lời tâm huyết của đồng chí căn dặn những người làm Báo QĐND 27 năm trước, chúng tôi càng khâm phục tư duy sắc sảo, tư tưởng sâu sắc cũng như tầm nhìn của đồng chí-một nhà lãnh đạo chính trị, quân sự dày dạn kinh nghiệm-về một lĩnh vực hoạt động đặc thù là báo chí. Trong quá trình công tác những năm sau này, tôi may mắn có điều kiện được tiếp xúc, làm việc cũng như thăm hỏi, trò chuyện nhiều lần với đồng chí, khi đồng chí còn đương chức cũng như nghỉ hưu. Rất cảm động, cuộc gặp nào đồng chí cũng hỏi thăm cặn kẽ về tình hình phát triển của tờ báo, về công việc, đời sống của anh em. Đồng chí luôn coi mình là người bạn đọc chung thủy nhất của Báo QĐND và vui mừng thấy tờ báo có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tin cậy.

“Trở thành nhà báo chân chính, trở thành người bạn tin cậy của bạn đọc-đó là vinh dự cao quý nhất của người làm báo”. Kính thưa anh linh đồng chí Lê Khả Phiêu kính mến, lời dặn này của đồng chí, những người làm Báo QĐND xin ghi lòng, tạc dạ. Chỉ còn hai tháng nữa, Báo QĐND sẽ kỷ niệm tròn 70 năm ngày truyền thống. Lễ trọng này, anh em làm Báo QĐND không còn được đón nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ nhiệm TCCT Lê Khả Phiêu đến dự. Chúng tôi xin nguyện ghi nhớ và làm theo những lời dặn tâm huyết của đồng chí, xây dựng đội ngũ những người làm Báo QĐND thật sự chân chính, đưa tờ báo ngày càng phát triển vững mạnh, như đồng chí hằng mong muốn.

Xin vĩnh biệt đồng chí!

Trung tướng LÊ PHÚC NGUYÊN - Nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nhung-loi-tam-huyet-voi-bao-quan-doi-nhan-dan-cua-dong-chi-le-kha-phieu-631158