Những lợi ích từ việc liên thông bảo hiểm y tế và bảo hiểm y tế thương mại

Theo đánh giá việc liên thông giữa bảo hiểm y tế (BHYT) và BHYT thương mại sẽ góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước.

Hiện nay người có thẻ BHYT phải chi trả các dịch vụ không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT bao gồm: thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật ngoài danh mục; khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, dịch vụ y tế dự phòng; sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; điều trị tật khúc xạ, sử dụng kính mắt, răng giả…

Bên cạnh đó, người bệnh phải chịu chi phí cùng chi trả tùy từng dịch vụ là 5%, 20% tổng chi; chi phí khám chữa bệnh trái tuyến tuyến tỉnh, Trung ương; chi phí phải cùng chi trả đối với một số loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật (có trong danh mục BHYT); phần chi phí chênh lệch khi khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Nhằm đa dạng các gói BHYT và tăng cường liên kết giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại, tới đây, Bộ Y tế sẽ cho phép các DN bảo hiểm thương mại tham gia vào BHYT xã hội, cung cấp các sản phẩm ngoài phạm vi quyền lợi BHYT.

Người dân được tiếp cận nhiều quyền lợi chăm sóc y tế ngoài quyền lợi BHYT cơ bản; được lựa chọn chăm sóc y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh kỹ thuật cao trong và ngoài nước thông qua BHYT thương mại.

Người dân được tiếp cận nhiều quyền lợi chăm sóc y tế ngoài quyền lợi BHYT cơ bản; được lựa chọn chăm sóc y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh kỹ thuật cao trong và ngoài nước thông qua BHYT thương mại.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hiện nay một bộ phận người dân tham gia BHYT có nguyện vọng tham gia các dịch vụ y tế cao hơn như: giường bệnh theo yêu cầu, bác sĩ theo yêu cầu, các dịch vụ y tế khác theo yêu cầu...

Do vậy, việc triển khai liên thông giữa BHYT hiện hành và BHYT thương mại sẽ giúp người dân có được những gói dịch vụ y tế đa dạng với quyền lợi hưởng cao nhất. Hiện gói dịch vụ y tế cơ bản của BHYT chưa có quy định chi trả các dịch vụ như khám sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, khám sức khỏe định kỳ, thuốc, vật tư y tế ngoài danh mục, chi phí khám chữa bệnh trái tuyến (ngoại trừ cấp huyện)…

Trong khi đó, với các gói dịch vụ đa dạng khác nhau, BHYT thương mại đã thực hiện được việc kết nối quyền lợi của người tham gia với mức đóng và hưởng tương xứng. Cũng theo ông Sơn, các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu, thống nhất các quy định liên thông giữa 2 bên nhằm giúp người bệnh có thể thụ hưởng quyền lợi cao nhất. Tính đến tháng 6-2019, cả nước đã có 84,5 (gần 90%) triệu người tham gia BHYT. Từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục triệu lượt người khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho hay, sự hoạt động của DN BHYT thương mại không mới, và phát triển rất mạnh trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm cho trường hợp bị thương tật, tai nạn, ốm đau… Tuy nhiên, trong bối cảnh BHYT nhà nước chỉ đáp ứng dịch vụ cơ bản còn một loạt dịch vụ y tế khác nữa, người dân đang phải chi trả tiền túi, thì việc có mặt của BHYT thương mại vào BHYT Nhà nước sẽ bù vào khoảng trống giữa BHYT nhà nước với chi phí thực tế.

“Các DN có thể triển khai các gói sản phẩm như chi trả bảo hiểm cho danh mục thuốc, vật tư ngoài chi trả BHYT; thiết kế gói quyền lợi bổ sung cho chi phí cùng chi trả, phần chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu như trái tuyến ở tuyến tỉnh, Trung ương. Các DN cũng có thể tham gia các gói khác theo yêu cầu thị trường”, ông Khảm nói.

Khi có hai nguồn BHYT nhà nước và BHYT thương mại (nguồn BHYT công – tư) sẽ tạo nguồn tài chính bền vững và ổn định cho người tham gia. Vì thế, điều kiện hoạt động của BV cũng sẽ đáp ứng tốt hơn. Ông Khảm dẫn chứng thêm, hiện nay, trên thế giới, nhiều tổ chức BHYT tư nhân, thương mại triển khai các gói y tế bổ sung.

Ở Úc, BHYT chi trả 75-80% chi phí khám chữa bệnh của người dân, nên các tổ chức thương mại tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm này cung cấp các gói y tế bổ sung với 20% chi phí còn lại. Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế được loại hình BHYT thương mại này với các gói bổ sung, gói nâng cao, các gói sản phẩm theo yêu cầu.

Còn theo ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong thời gian tới, để tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT với BHYT thương mại, chúng ta cần đa dạng hóa sản phẩm BHYT thương mại, bảo đảm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các cá nhân, hộ gia đình; tạo thuận lợi cho các đối tượng này, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, được tiếp cận các gói bảo hiểm sức khỏe.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường, liên kết, hợp tác thông qua các hình thức liên kết về cơ sở dữ liệu; kênh phân phối và sản phẩm bảo hiểm. Bởi theo ông Nguyễn Quang Huyền, trong những năm gần đây, nước ta đã gia nhập vào nước có thu nhập trung bình, GDP bình quân đầu người tăng tương đối nhanh. Số người có thu nhập cao và tầng lớp trung lưu cũng tăng nhanh, do đó nhu cầu được bảo vệ sức khỏe và chăm sóc y tế với dịch vụ gia tăng của người dân cũng tăng nhanh.

Vì vậy, việc phát triển bảo hiểm sức khỏe thương mại sẽ là xu thế chung tương tự như các nước phát triển. Ông Nguyễn Quang Huyền cho rằng, để BHYT thương mại từng bước trở thành một giải pháp chính sách quan trọng bên cạnh BHYT, góp phần thực hiện chính sách bao phủ BHYT toàn dân Nhà nước cần tập trung nguồn lực hỗ trợ cho loại hình này phát triển.

Đăng Quý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-loi-ich-tu-viec-lien-thong-bao-hiem-y-te-va-bao-hiem-y-te-thuong-mai-154420.html