Những lợi ích mang lại từ đối thoại, hòa giải tại tòa án

Hiện nay, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện không ngừng tăng lên. Cùng với đó số lượng các vụ án cũng tăng hơn nhiều so với các năm trước với tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp. Vì vậy TANDTC đã đề ra nhiều giải pháp để giải quyết.

Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều loại hình hòa giải, đối thoại; trong đó các loại hình hòa giải, đối thoại ngoài Tòa án, hòa giải, đối thoại trong tố tụng đã hình thành và phát triển từ lâu. Mỗi loại hình hòa giải qua thực tiễn áp dụng đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn nhiều vướng mắc dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự, khiều kiện hành chính ngày càng nhiều và phức tạp.

Thực trạng hòa giải, đối thoại những năm qua cho thấy vẫn chưa có sự kết hợp giữa Tòa án và các nguồn lực hòa giải ngoài Tòa án trong quá trình hòa giải, đối thoại, dẫn tới cả phương thức hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải ngoài Tòa án không phát huy hết ưu thế, hiệu quả.

Phương thức hòa giải ngoài Tòa án có ưu điểm là linh hoạt; nhiều cơ quan, tố chức, cá nhân theo quy định của pháp luật thực hiện hòa giải nhưng kết quả hòa giải chỉ được thi hành khi các bên tự nguyện hoặc được Tòa án công nhận. Phương thức hòa giải, đối thoại trong tố tụng có giá trị pháp lý và được thi hành bằng con đường thi hành án, nhưng hòa giải, đối thoại chỉ là một thủ tục bắt buộc mà không có cán bộ chuyên trách thực hiện, do vậy hiệu quả chưa cao.

Theo Bí thư Trunng ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, tổng kết thực tiễn xét xử và tham khảo chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, TANDTC đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân 16 tỉnh, thành phố. Kết quả thực hiện thí điểm đã thu được nhiều thành công và khẳng định những giá trị mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại.

Thứ nhất, đã phát huy tối đa tự do ý chí và khả năng tự định đoạt của các chủ thể tham gia với sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các Hòa giải viên giúp cho các bên trao đổi, đàm phán với nhau, gợi ý về các giải pháp phù hợp để giải quyết bất đồng.

Thứ hai, đáp ứng được mong muốn của các bên tranh chấp, đó là chi phí ít tốn kém, thời gian giải quyết nhanh chóng, không gây ra xung đột như phương thức tố tụng tại Tòa án; đặc biệt là bất đồng được giải quyết một cách kín đáo và bảo mật thông tin, tiêu chí mà phương thức giải quyết bằng tố tụng tại Tòa án không thể có được.

Thứ ba, được tiến hành thông qua tại Tòa án. Tòa án là cơ quan lựa chọn và chỉ định các hòa giải viên, tạo sự tin tưởng cho các chủ thể trong quá trình hòa giải; đồng thời là thiết chế quan trọng để hỗ trợ cho các thỏa thuận đạt được thông qua hòa giải được thực thi.

Thứ tư, kết quả giải quyết của phương thức này được pháp luật thừa nhận. Sự thừa nhận này có thể chỉ đơn giản là không phủ nhận hiệu lực của các phương án giải quyết tranh chấp đạt được thông qua hòa giải; hoặc cao hơn là thiết lập các cơ chế pháp lý nhằm loại bỏ những hạn chế có thể phát sinh, công nhận và đảm bảo thực thi các phương án giải quyết tranh chấp đạt được thông qua hòa giải.

Thứ năm, thông qua hòa giải, các bên tìm được sự thiện chí, thống nhất để hài hòa lợi ích đôi bên, theo tinh thần hai bên cùng thắng, không bị rơi vào tâm lý thắng thua như khi giải quyết tranh chấp thông qua tố tụng tư pháp tại Tòa án. Nhờ thế mà mối quan hệ hợp tác được duy trì tốt hơn.

Thứ sáu, kết quả giải quyết tranh chấp bằng hòa giải có tính khả thi, bởi kết quả của phương thức này chính là kết quả của quá trình thương lượng và sự thỏa thuận, nhất trí của các bên. Do đó, phương án thống nhất được sau hòa giải, đối thoại sẽ được các bên tôn trọng và tuân theo.

Thứ bảy, nếu hòa giải thành công thì tranh chấp được giải quyết mà không cần phải thông qua con đường tố tụng tư pháp, sẽ giảm tải công việc và áp lực đối với công tác xét xử của Tòa án; tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân mà vẫn đạt được mục đích là giải quyết được các tranh chấp phát sinh. Đặc biệt đối với những tranh chấp kinh doanh thương mại có giá trị lớn, thì tranh chấp kéo dài đồng nghĩa với thiệt hại về vật chất của các bên sẽ tăng lên. Do đó, với phương thức linh hoạt, phát huy tối đa ý chí của các bên cả về phương ánvà thời gian giải quyết tranh chấp, hòa giải thành công sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại lợi ích vật chất của các bên.

Thứ tám, giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải như một phương thức giải quyết độc lập là biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp với xu thế của thời đại. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giao lưu dân sự, kinh tế ngày càng phát triển, đa dạng về phương thức, phong phú về nội dung, đan xen và giao thoa với nhau. Phạm vi của các quan hệ xã hội, đặc biệt là các quan hệ dân sự, kinh tế không còn bó hẹp trong quốc gia, mà mở rộng ra khu vực và thế giới. Việc duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của phương thức hòa giải để giải quyết tranh chấp có ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần giải quyết một cách hòa bình, thân thiện, nhanh chóng các mâu thuẫn, bất đồng; thúc đẩy giao lưu dân sự, kinh tế phát triển; xây dựng các mối quan hệ trong xã hội một cách hòa bình, ổn định và lâu dài.

Tại Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử, phương thức hòa giải luôn tồn tại với các cộng đồng người Việt và trở thành một trong những thiết chế truyền thống trong giải quyết các tranh chấp. Các quy định về hòa giải cũng đã bắt đầu hình thành từ thời phong kiến (trong Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long)…Bên cạnh các còn có lệ làng, hương ước với nhiều quy định phù hợp với tâm lý, tình cảm người Việt nên có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội phong kiến Việt Nam. Lệ làng điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực khác nhau trong đời sống làng xã. Vị trí quan trọng của lệ làng trong đời sống xã hội phong kiến có thể coi là phù hợp với vai trò giải quyết tranh chấp của các xã quan ở làng xã bằng phương thức hòa giải không mang tính áp đặt. Như vậy, hòa giải với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng tư pháp đã có cơ sở xã hội hình thành ngay từ thời phong kiến ở Việt Nam.

Từ truyền thống văn hóa và pháp lý Việt Nam với những thành công đã khẳng định trong thí điểm, TANDTC đã đề xuất và được UBTVQH đồng ý cho phép xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động nhân văn, hiệu quả và có lợi cho nhân dân này.

Nhóm PVTS

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/trao-doi-nghiep-vu/nhung-loi-ich-mang-lai-tu-doi-thoai-hoa-giai-tai-toa-an-23058.html