Những lợi ích bất ngờ khi trẻ em ăn bốc đúng cách

Để trẻ hào hứng hơn với đồ ăn cũng như rèn luyện thêm nhiều nhiều kỹ năng, ngày càng có nhiều bà mẹ trẻ cho con trải nghiệm cách ăn bốc. Tuy nhiên, cách ăn này đã gặp rất nhiều ý kiến phản đối với lý do có thể khiến đường ruột của trẻ bị nhiễm khuẩn.

Việc ăn bốc không phải là nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột

Mỗi bữa ăn là một cơ hội khám phá thế giới

Trào lưu cho con ăn dặm kiểu Nhật hay BLW xuất hiện tại Việt Nam đã mang theo hình thức ăn khá mới mẻ với đại đa số người Việt Nam, đó là cho trẻ cảm nhận thức ăn bằng tay trước khi đưa lên miệng. Với cách ăn này, đa số trẻ đều tỏ ra khá hứng khởi. Bởi lẽ, nó mang lại cảm giác mỗi bữa ăn như một trò chơi, một cơ hội để trẻ khám phá thế giới xung quanh.

Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Dinh dưỡng cho bà mẹ và em bé của Anh, sau khi theo dõi và ghi chép quá trình ăn dặm của trẻ, các nhà khoa học nhận thấy: độ tuổi trung bình của trẻ được cho ăn bốc là 6,35 tháng. Lúc này, trẻ đã có thể cầm nắm các loại củ ninh nhừ. Sau đó, các bé thậm chí có thể bốc các loại thịt, cá thái miếng phù hợp.

Trong số các trẻ được theo dõi trong nghiên cứu trên, 68% trẻ phát triển ngôn ngữ sớm hơn; 54% biết đi sớm, tầm 11-12 tháng. Cảm quan, đặc biệt là xúc giác của trẻ được ăn bốc cũng phát triển tốt hơn. Các bé có thể cảm nhận thức ăn bằng tay và quyết định nên ăn loại nào khi cầm nắm. Điều đó cũng phần nào giúp các nơ-ron thần kinh được kích thích hoạt động.

Cách ăn nào cũng có thể gây nhiễm khuẩn

Khi cho trẻ ăn bốc, nhiều người hi vọng vì vui vẻ mà con sẽ tự giác ăn, từ đó có thể cải thiện phần nào tình trạng biếng ăn, Tuy nhiên, thực tế là khi ăn bằng tay, lượng thức ăn trẻ dung nạp được sẽ khá ít. Và như thế, bạn cần phải có thêm các giải pháp khác để bổ sung dinh dưỡng cho con. Việc cầm nắm thức ăn chỉ nên coi là tượng trưng và chỉ là cách để rèn luyện các kỹ năng cho trẻ mà thôi. Nếu kỳ vọng quá nhiều vào việc con sẽ tự mình ăn trọn vẹn khẩu phần mỗi bữa, mỗi chúng ta sẽ thấy vô cùng áp lực.

“Trên thế giới, có khá nhiều dân tộc có thói quen ăn bằng tay và họ vẫn phát triển khỏe mạnh. Thế nên, nếu trước khi ăn, chúng ta rửa tay cho trẻ sạch sẽ thì hoàn toàn đảm bảo được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”.

PGS. TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Mặc dù ăn bốc có thể mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra là việc tạo điều kiện cho trẻ ăn bốc liệu có mất vệ sinh không? Bởi vì, đường ruột của trẻ ở thời điểm này khá là non nớt nên việc nhiễm khuẩn là hoàn toàn có thể xảy ra. Bàn về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: Trên thế giới, có khá nhiều dân tộc có thói quen ăn bằng tay và họ vẫn phát triển khỏe mạnh. Thế nên, nếu trước khi ăn, chúng ta rửa tay cho trẻ sạch sẽ thì hoàn toàn đảm bảo được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc ăn bốc không phải là nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột, mà chính việc chúng ta không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Và nếu vệ sinh kém thì dù ăn bằng thìa thì vẫn có thể khiến đường ruột nhiễm khuẩn. Chính vì thế, bên cạnh việc rửa tay cho trẻ trước khi ăn, chúng ta cũng cần vệ sinh sạch sẽ vật dụng đựng thức ăn.

Thực tế, khi cho con ăn, nhiều mẹ để trực tiếp thức ăn trên mặt bàn của ghế ăn dặm vì cho rằng: mặt bàn đó đã được rửa sạch trước khi để thức ăn. Tuy nhiên, những vật dụng này không nên vừa là đồ chơi, vừa là đồ đựng thức ăn, bởi nó sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Việc cọ rửa dụng cụ đó trước khi ăn sẽ không hoàn toàn sạch được vi khuẩn. Nhất là khi các dụng cụ đó bị xước, vi khuẩn có thể ẩn nấp trong các vết xước đó và gây bệnh cho trẻ.

Minh Trang

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nhung-loi-ich-bat-ngo-khi-tre-em-an-boc-dung-cach/776542.antd