Những lời giải đầu tiên

Ðại hội đồng Liên hợp quốc vừa chính thức thông qua những văn kiện quốc tế quan trọng liên quan người di cư và tị nạn. Ðây cũng là lần đầu tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc phối hợp thảo luận thành công để tìm lời giải cho thách thức toàn cầu từ làn sóng người di cư.

Sau các cuộc đàm phán liên chính phủ căng thẳng suốt hai năm qua, Hiệp ước toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM), gọi tắt là Hiệp ước toàn cầu về di cư, đã được các nhà lãnh đạo và đại diện 150 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ) ký phê chuẩn ngày 10-12 vừa qua tại một hội nghị của LHQ ở Marrakech (Maroc) và được Ðại hội đồng LHQ chính thức thông qua hôm 19-12.

Làn sóng di cư đã trở thành một “cuộc khủng hoảng” và là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu năm 2018 của LHQ. Tổng Thư ký LHQ A.Guterres coi việc thông qua GCM là một trong những ưu tiên hành động trong năm 2018. GCM đặt ra 23 mục tiêu nhằm bảo đảm di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn, khi đề cập các nguyên tắc về quyền con người, đồng thời đề xuất những biện pháp hỗ trợ các nước tiếp nhận, bảo vệ người di cư và thúc đẩy họ hòa nhập môi trường sống mới, hoặc giúp họ trở về quê hương một cách an toàn... Việc thông qua khuôn khổ hợp tác GCM có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hình thành các hiệp định song phương hoặc đa phương, cũng như thiết lập cơ chế hành động nhân đạo, hợp lý và cùng có lợi trong vấn đề người di cư.

GCM ra đời trong bối cảnh số người di cư toàn cầu tăng lên hơn 260 triệu người, tương đương 3,4% dân số thế giới. Kể từ năm 2015, làn sóng người di cư chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở các nước Trung Ðông và châu Phi sang châu Âu có quy mô lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi đó, những tháng gần đây, một làn sóng di cư khác nổi lên ở châu Mỹ, khi hàng nghìn người từ các nước Trung Mỹ kéo tới biên giới giữa Mexico và Mỹ để tìm kiếm “giấc mơ Mỹ”, khiến chính quyền Washington phải triển khai binh sĩ tới bảo đảm an ninh.

Theo số liệu của LHQ, hơn 80% trong tổng số người di cư thực hiện hành trình trái phép, bất chấp những chông gai, cạm bẫy rình rập như nạn buôn bán người, sự hành hạ, lạm dụng, hay tình trạng dịch bệnh, đói khát và kiệt sức… Bởi thế, đã có hơn 60 nghìn người chết trong hành trình vượt biên trái phép tính từ năm 2000. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, hơn 4.500 người chết và mất tích trong hành trình trên những “con đường di cư”.

Nội dung của GCM được khởi xướng từ tháng 9-2016 trên cơ sở Tuyên bố Niu Oóc về người di cư và tị nạn, được đưa ra trong khuôn khổ phiên họp thứ 71 của Ðại hội đồng LHQ. Các cuộc đàm phán về GCM kéo dài suốt 18 tháng và được đông đảo các nước, trừ Mỹ, nhất trí hồi tháng 7-2018. Mỹ đã rút khỏi tiến trình soạn thảo hiệp ước này với lý do văn kiện có những điều khoản đi ngược chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống D.Trump. Sau Mỹ, làn sóng phản đối đã bùng lên tại nhiều quốc gia, trong đó các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) như Ba Lan, Hungary, Séc, Bulgaria, Áo... cùng Australia, Chile lần lượt theo Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước. Hiện nhiều cuộc tranh cãi vẫn diễn ra ở một số quốc gia, khu vực. Trái lại, Mexico đã trở thành quốc gia đầu tiên điều chỉnh chính sách di cư ngay sau khi GCM được Ðại hội đồng LHQ thông qua, đó là ưu tiên tôn trọng quyền lợi của người di cư và các mục tiêu phát triển kinh tế trong khu vực.

Cùng GCM, Hiệp ước toàn cầu về người tị nạn (GCR) cũng đã được số đông các quốc gia thành viên LHQ thông qua ngày 17-12. Việc GCM và GCR liên tiếp ra đời trong dịp LHQ kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới (10-12) đã khẳng định tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của con người, trong đó có người di cư và thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ phát triển cộng đồng đón nhận người di cư.

Giải quyết vấn đề di cư là điều không đơn giản, khi có quá nhiều yếu tố phức tạp liên quan lợi ích của các bên, từ các quốc gia khởi nguồn dòng người di cư, đến các nước trung chuyển và tiếp nhận người di cư. Trong khi đó, cả GCM lẫn GCR đều là cơ cấu khung cho hợp tác quốc tế, nhưng không mang tính ràng buộc pháp lý, do đó, việc thực thi các văn kiện toàn cầu này chủ yếu dựa vào thiện chí của các quốc gia. Vì thế, Tổng Thư ký LHQ A.Guterres nhấn mạnh kỳ vọng cộng đồng quốc tế tôn trọng và thực thi những lời giải đầu tiên trong “lộ trình giảm nỗi thống khổ của con người”.

Ðinh Trường

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/38665002-nhung-loi-giai-dau-tien.html