Những lời gan ruột của phạm nhân 'nhí' khiến người nghe nhói lòng

Hiệp là đứa trẻ được sinh ra trong sự nhỡ nhàng. Vì thế, lúc nào Hiệp cũng khao khát được bàn tay của người cha chăm sóc. Lớn lên, Hiệp đi tìm bố và cậu thực sự bất ngờ khi biết người đã cho mình hình hài ấy sống ở ngay làng bên, chỉ cách nơi Hiệp sống có một con đò. Hiệp đã sang gặp, đã hỏi 'bố' mình câu hỏi từng ấp ủ rất lâu rồi nhưng đáp lại chỉ là sự lạnh nhạt.

Sự hụt hẫng vì không được bố đẻ thừa nhận cộng với việc thiếu sự quan tâm sát sao của người lớn đã khiến Hiệp từ đứa trẻ ngoan ngoãn trở nên bướng bỉnh. Đàn đúm với những thanh niên hư trong làng, Hiệp bắt đầu hư hỏng và kết quả là đang độ tuổi vị thành niên, Hiệp đã bị bắt về tội trộm cắp tài sản và cướp giật. Với hai tội danh này, Hiệp bị kết án 6 năm tù, thi hành án ở trại giam Ninh Khánh.

Bước ngoặt đầu đời

Ngày bị bắt, Phạm Văn Hiệp, SN 2001, ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, mới bước qua tuổi 15, vì thế nên khi về trại giam Quyết Tiến cải tạo, anh ta chủ yếu có mặt ở đội học nghề. Nếu hôm nào không có thầy dạy thì đi quét dọn, nhổ cỏ. Giờ thì Hiệp đã qua tuổi 18 và chỗ làm hiện tại là ở xưởng khâu bóng.

Tâm sự với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình, thanh niên này không hề giấu giếm, kể cả điều thầm kín nhất. Cậu ta bảo đã hơn 2 năm ở trại giam cải tạo, người mà cậu ta mong nhiều nhất chính là bố nhưng ông không hề đến bởi với ông, Hiệp chỉ là hậu quả trong những lần cao hứng với người yêu mà thôi. Mối quan tâm của ông ta bây giờ, theo lời Hiệp là hai cô con gái đang học phổ thông.

Hiệp là kết quả của mối tình giữa một phụ nữ nhỡ thì với người đàn ông kém gần chục tuổi. Thế nên những người đón nhận cậu khi cất tiếng khóc chào đời chỉ có ông bà ngoại. Người cho cậu hình hài đã bỏ mẹ cậu từ lúc biết bà mang thai để đi xây dựng gia đình với người phụ nữ khác. Có lẽ vì cay đắng và một phần vì muốn tránh điều tiếng nên khi Hiệp chập chững tập đi, mẹ cậu đã ra nước ngoài. Bà chỉ về nhà mỗi năm 2 lần vào dịp con trai nghỉ hè và Tết đến còn chủ yếu liên lạc với con qua điện thoại. Theo lời Hiệp thì cuộc sống của cậu khá đủ đầy, chỉ thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. “Em không biết lý do gì mà bố mẹ bỏ nhau. Em không hỏi và cũng không muốn biết. Em chỉ nhớ ngày mẹ ra nước ngoài đã khóc nhiều lắm, có lẽ vừa hận vừa nhớ bố”, Hiệp tâm sự.

Kể từ ngày mẹ ra nước ngoài, Hiệp sống với ông bà ngoại, mọi sinh hoạt đều trông vào đồng tiền hàng tháng mẹ gửi về. Thế nên trong trí nhớ của cậu ta, hình ảnh về mẹ, về cha rất nhạt nhòa, chỉ có hơi ấm của bà, của ông ngoại là đọng lại. Cho tới năm cậu lên THCS, những tiếng xì xào của người lớn mới làm Hiệp nghĩ đến thân phận của mình.

“Em bắt đầu đi tìm bố và qua những gì người lớn kể, em đã tìm được. Nhìn cảnh bố vui vầy với vợ con, em tủi thân lắm. Cũng dự định niềm đau chôn chặt nhưng rồi không hiểu sao em lại đến gặp và hỏi thẳng điều mà bao lâu nay vẫn thắc mắc trong lòng”, Hiệp kể.

Hiệp bảo buổi gặp hôm đó, cậu đã đọc được sự bất ngờ trong cử chỉ luống cuống của bố. Hiệp đã tưởng ông sẽ rất vui mừng vì được con trai bỏ qua mọi chuyện để đón nhận một người cha bạc tình, bạc nghĩa. Nhưng không. Ông đã thẳng thừng từ chối, thẳng thừng thừa nhận có quan hệ tình cảm với mẹ Hiệp nhưng không nhận Hiệp là con. Ông còn nói rất nhiều nữa nhưng lời từ chối không nhận con của “bố đẻ” đã khiến đầu óc cậu quay cuồng, không còn nhớ thêm gì nữa.

Sau lần đó, Hiệp không đi tìm bố nữa nhưng cậu đã trở thành một con người khác hẳn. Không còn là cậu bé Hiệp vô tư hay cười nói cho dù lắm lúc cũng đăm chiêu tư lự. Sức học của Hiệp giảm sút trông thấy. Vậy là đang từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, Hiệp bắt đầu có những biểu hiện chệch choạc. Ban đầu là không làm bài tập rồi đi chơi điện tử và sau đó là những buổi trốn học cũng xảy ra thường xuyên. Cho đến khi gia đình nhận được thông báo của nhà trường thì Hiệp đã nghiện điện tử nặng.

Nhận được tin con trai hay bỏ học để chơi điện tử, mẹ Hiệp tức tốc về nước. Việc đầu tiên bà làm là cho con trai vào sống trong một ngôi chùa ở miền Nam để cai điện tử. Nơi cửa từ bi cũng ít nhiều tác động đến con người Hiệp nhưng khi quay về Phú Thọ, Hiệp lại tìm đến niềm đam mê ngày nào. Học hành sa sút, năm lớp 8 Hiệp chính thức bị đuổi học.

Phạm Văn Hiệp đang học khâu bóng ở xưởng lao động dành cho phạm nhân tuổi vị thành niên trại giam Quyết Tiến.

Phạm Văn Hiệp đang học khâu bóng ở xưởng lao động dành cho phạm nhân tuổi vị thành niên trại giam Quyết Tiến.

Thầm kín một ước mong

Mẹ tiếp tục ra nước ngoài làm việc, hứa sẽ quay về đón con trai sang ở cùng khi Hiệp đến tuổi trưởng thành. Tiếc là trong độ tuổi vị thành niên, Hiệp đã vấp ngã.

13 tuổi Hiệp ăn trộm. Ban đầu là trộm tiền của ông bà để chơi điện tử, sau đến là trộm vặt của láng giềng. 15 tuổi, Hiệp có mặt trong nhóm thanh niên gây ra 4 vụ trộm xe máy và 2 vụ cướp tài sản người đi đường.

Những ngày trong nhà tạm giam, Hiệp thèm lắm cảm giác được bố mẹ đến thăm như những người cùng buồng giam. Nhưng chẳng có ai tới thăm cậu ngoài ông ngoại. Cũng vẫn là ông trong tư cách người giám hộ, có mặt trong phiên tòa xét xử Hiệp. Tủi thân đến cùng cực, Hiệp tìm cách tự sát. Ban đầu là không ăn, không uống nhưng rồi không chịu được cảm giác đói lả nên Hiệp lại ăn. Lần sau, nghe mọi người nói chuyện với nhau rằng có phạm nhân vì tiêu cực nên uống nước xà phòng bị tiêu chảy mà chết nên cậu ta cũng làm thử. Hiệp kể là lần ấy, cậu đã hòa một bát bột giặt nhưng mới uống được một nửa đã nôn thốc nôn tháo. Mặc dù không uống trọn bát nước bột giặt nhưng mấy ngày sau đó, Hiệp cũng bị tiêu chảy…

“Em cũng định giấu nhẹm chuyện mình bị tiêu chảy nhưng đau bụng quá không thể không rên. Rồi việc thường xuyên vào nhà vệ sinh cũng khiến trưởng buồng chú ý, báo cho cán bộ trại”, Hiệp kể.

Bị bắt lên bệnh xá nằm truyền nước, Hiệp phải viết bản kiểm điểm theo yêu cầu của cán bộ trại và dù cố giấu thì chuyện cậu ta uống nước bột giặt cũng bị phát giác. Bị cán bộ giáo dục rồi quản giáo gọi lên nhắc nhở, động viên, Hiệp như thấy đầu óc được mở mang. Cậu không còn hận đời, hận người bố bỏ rơi mình nữa mà đã biết thương ông bà ngoại hơn.

Thời gian đầu về trại giam Quyết Tiến, do đang ở độ tuổi vị thành niên nên Hiệp được đi học nghề. Có nhiều nghề do trại tổ chức dạy như thợ xây, điện tử, may mặc, trồng cây cảnh, làm nông nghiệp… nghề nào Hiệp cũng trải qua để chọn lấy một nghề yêu thích. Hiệp bảo thích làm nghề xây dựng nên từ khi bước qua tuổi 18, ngoài thời gian lao động ở đội khâu bóng ra, những lúc rảnh rỗi, cậu ta lại xuống lớp học nghề để nghe cán bộ chỉ bảo.

“Sau này về nhà có thể em sẽ đi làm thợ xây vì ngày còn ở nhà, có thời gian em xuống Hà Nội phụ hồ rồi. Nhưng cũng có thể em sẽ học nghề lái máy xúc, máy ủi…Giờ thì em sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm về với ông bà. Từ ngày em vào đây, ở nhà chỉ có hai ông bà chăm nhau, chắc cũng buồn lắm”, Hiệp tâm sự.

Câu nói của Hiệp khiến chúng tôi cảm thấy trong lòng le lói hy vọng. Trải qua những biến cố, những sai lầm và vấp ngã, Hiệp đã nhận ra con đường mình phải đi và đang có một lựa chọn đúng. Thế nhưng trong lòng chúng tôi vẫn cảm thấy se sắt. Giá như Hiệp có cha mẹ đủ đầy, được sống trong sự yêu thương đùm bọc, có khi giờ này cậu đã có mặt trong số những thanh niên đang hăng say học hành để mong có dịp cống hiến. Chỉ nghĩ thế thôi đã thấy nhói lòng.

Nguyễn Vũ – Đức Hùng

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhung-loi-gan-ruot-cua-pham-nhan-nhi-khien-nguoi-nghe-nhoi-long-117527.html