Những loại vũ khí đáng chú ý tại triển lãm hàng không Trung Quốc

Hôm 8/11, Triển lãm Quốc tế Hàng không Trung Quốc lần thứ 14 đã khai mạc tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, đông nam nước này.

Ảnh: Đài truyền hình trung ương Trung Quốc

Ảnh: Đài truyền hình trung ương Trung Quốc

Theo đài Sputnik (Nga), tại cuộc triển lãm, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã "trình làng" một số vũ khí mới - bao gồm tên lửa siêu vượt âm, công nghệ chống máy bay không người lái và máy bay chở khách nội địa đầu tiên.

Trên 740 doanh nghiệp trong và ngoài nước từ 43 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau đã tham dự cuộc triển lãm, cả theo hình thực trực tiếp và trực tuyến. Ít nhất 110 chiếc máy bay, cũng như nhiều phương tiện và vũ khí trên bộ khác cũng đã xuất hiện tại sự kiện năm nay.

Tên lửa mới

Tên lửa siêu thanh YJ-21 phiên bản xuất khẩu. Ảnh: Twitter

Gây chú ý nhất tại triển lãm năm nay là phiên bản xuất khẩu của tên lửa siêu vượt âm YJ-21 hay còn gọi là Eagle Strike 21. Đây là loại tên lửa đạn đạo phóng từ trên không (ALBM) có tầm bắn khoảng 2.000km. Trung Quốc đã lần đầu phóng thử loại vũ khí này từ tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 055 vào đầu năm nay.

2PZD-21 - một loại vũ khí siêu vượt âm khác, cũng ra mắt tại triển lãm. 2PZD-21 gắn dưới cánh của máy bay ném bom chiến lược hiện đại Tây An H-6K. Đây là phiên bản hiện đại hóa của máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-16 do Liên Xô chế tạo.

Tên lửa H-6K. Ảnh: Twitter

Tên lửa H-6K. Ảnh: Twitter

Theo các chuyên gia, mẫu tên lửa này gần giống với Kh-47 Kinzhal của Nga - tên lửa siêu vượt âm tấn công mặt đất được gắn trên máy bay đánh chặn MiG-31K và máy bay ném bom Tu-22M3. Trung Quốc không sử dụng cả hai loại máy bay này. Kinzhal cũng có tầm bắn 2.000km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Hệ thống phòng không

Triễn lãm Chu Hải cũng giới thiệu một số hệ thống phòng không tiên tiến của Trung Quốc bao gồm hệ thống phòng thủ chống máy bay không người lái (UAV), có khả năng phát hiện và đánh chặn UAV. Trong đó, đáng chú ý nhất là hệ thống ZR-1500 do Tổng công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) chế tạo.

Ngoài ra, HQ-11 - hệ thống phòng không tầm ngắn mới (SHORAD) cũng được trưng bày tại triển lãm. Hệ thống này có khả năng bảo vệ chống lại tên lửa hành trình, đạn dẫn đường và máy bay.

Hệ thống HQ-11 SHORAD ra mắt lần đầu tại triển lãm. Ảnh: Twitter

Ảnh: Twitter

Tiêm kích tàng hình

Tại triển lãm năm nay, tiêm kích tàng hình J-20 “Mighty Dragon” cũng đã thực hiện màn trình diễn trên không như thường lệ.

Máy bay không người lái

Một số máy bay không người lái mới thuộc dòng máy bay không người lái Wing Loong do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) chế tạo cũng đã xuất hiện tại triển lãm Chu Hải.

Wing Loong 1E, phiên bản nâng cấp của máy bay không người lái Wing Loong 1, được trang bị cho các nhiệm vụ chiến đấu hoặc trinh sát. Nó có thể hoạt động trong vòng 45 giờ, có phạm vi hoạt động tối đa là 7.000 km và có thể mang theo hai vũ khí nặng 50 kg ở độ cao hơn 10.000 mét

Wing Loong-1E tại triển lãm Chu Hải. Ảnh: Twitter

Trong khi đó, Wing Loong 3 là loại UAV tầm xa đa tác vụ. Nó có độ bền trung bình, có thể thực hiện trinh sát và gây nhiễu điện tử cũng như đảm nhiệm một số nhiệm vụ của hải quân, bao gồm các nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm và cứu hộ hàng hải.

UAV Wing Loong - 3. Ảnh: Twitter

Wing Loong 10A và 10B là phiên bản UAV xuất khẩu.

Máy bay dân sự

Một số mẫu máy bay dân sự cũng xuất hiện lần đầu tại triển lãm Chu Hải, trong đó có Comac C919 - máy bay phản lực chở khách đầu tiên của Trung Quốc. Đây là loại máy bay thân hẹp, có thể chở 168 hành khách. Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cấp chứng nhận đủ điều kiện bay cho Comac C919 hồi cuối tháng 9.

Hãng hàng không China Eastern Airlines dự kiến nhận được những đơn đặt hàng đầu tiên cho chiếc máy bay này. Comac C919 sẽ là “đối thủ” cạnh tranh đáng gờm của Boeing 737 và Airbus A320.

Máy bay chở khách nội địa đầu tiên của Trung Quốc C919. Ảnh: Twitter

Đặc biệt, triển lãm lần này còn có sự góp mặt của thủy phi cơ lớn nhất thế giới AG600M Kunlong, do AVIC chế tạo. Chiếc thủy phi cơ khổng lồ bay thử nghiệm lần đầu hồi tháng 8 và dự kiến đảm nhận các vai trò quan trọng như chữa cháy, tìm kiếm và cứu nạn, cũng như tiếp cận các khu vực hẻo lánh dọc theo các con sông của Trung Quốc.

Thuyền bay AG600M. Ảnh: Twitter

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 13/11 tới. Đây là sự kiện thường diễn ra 2 năm/lần. Tuy nhiên, triển lãm đã được tổ chức vào năm 2021 sau khi bị hủy năm 2020 do đại dịch COVID-19.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/nhung-loai-vu-khi-dang-chu-y-tai-trien-lam-hang-khong-trung-quoc-20221109105441817.htm