Những loại thuốc cần chuẩn bị cho con trong kỳ nghỉ Tết

Dịp Tết, bạn đừng quên chuẩn bị một số loại thuốc như hạ sốt, bù nước, táo bón, nhỏ mắt, mũi,... cho trẻ để đề phòng những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

5 đồ uống dinh dưỡng cho bé có thể tự làm tại nhà Chỉ cần bỏ một chút thời gian, mẹ có thể tự chế cho bé thức uống đơn giản, dễ làm lại đầy đủ dinh dưỡng cho bé vào ngày Tết.

Ngày Tết, các gia đình thường tập trung mua sắm, chuẩn bị nhiều loại bánh kẹo, thực phẩm,... Tuy nhiên, dịp này bạn cũng nên sắp xếp lại tủ thuốc gia đình và bổ sung thêm một số loại cần thiết trong kỳ nghỉ sắp tới, đặc biệt thuốc cho trẻ nhỏ.

Thuốc hạ sốt

Thuốc hạ sốt được khuyến cáo an toàn nhất là loại Paracetamol. Loại thuốc này có thể là viên nén, bột hoặc viên đạn (dùng nhét vào hậu môn). Khi đã có thuốc hạ nhiệt, cần biết nguyên tắc và cách sử dụng.

Theo PGS. TS Bùi Khắc Hậu, thuốc hạ nhiệt chỉ được sử dụng khi trẻ sốt từ 38 độ trở lên (phải dùng nhiệt kế để cặp, không dự đoán). Liều dùng 10-15 mg/kg cân nặng/lần, cứ 4-6 tiếng một lần. Chúng có thể hạ sốt do mọi nguyên nhân, tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý độc tính của Paracetamol với gan khi dùng quá liều và liên tục sau 3-4 ngày.

Nếu uống thuốc hạ nhiệt vẫn không đỡ và thấy trẻ sốt cao (trên 39 độ) có thể bị co giật, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay.

Dung dịch bù nước

Bác sĩ Nguyễn Diệu Vinh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, cho hay mỗi gia đình nên dự trữ dung dịch bù nước Oresol. Ngày Tết, trẻ dễ bị rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy. Khi trẻ tiêu chảy, các bà mẹ không mua thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ uống ngay mà phải để trẻ đi ngoài tự nhiên. Lúc này, những chất độc trong phân sẽ được cơ thể tống ra ngoài.

Ngày Tết, bạn nên sắp xếp lại tủ thuốc gia đình và bổ sung thêm một số loại cần thiết, đặc biệt thuốc cho trẻ nhỏ. Ảnh: The Spruce.

Ngày Tết, bạn nên sắp xếp lại tủ thuốc gia đình và bổ sung thêm một số loại cần thiết, đặc biệt thuốc cho trẻ nhỏ. Ảnh: The Spruce.

Uống thuốc cầm tiêu chảy sẽ ứ đọng chất độc lại bên trong ruột, và trẻ sẽ tiếp tục tiêu chảy. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ uống dung dịch Oresol để bù nước chừng 10 ml/kg cân nặng cơ thể. Bệnh nhân cần được uống chậm từng muỗng để nước, khoáng chất thấm vào mạch máu.

Nếu sau một ngày, trẻ vẫn còn tiêu chảy thì nên cho trẻ đến bệnh viện. Dung dịch Oresol còn bù nước cho những bệnh nhân say xỉn nôn ói, gây mất nước.

Thuốc táo bón

Dịp tết, trẻ ăn nhiều chất đạm, mỡ, trong khi ăn ít rau, chất xơ nên có thể bị táo bón, vì vậy cần mua một số tuýp Glycerin để bơm vào hậu môn trong trường hợp 3, 4 ngày trẻ không đi tiêu. Thuốc này có tác dụng làm mềm phân và bôi trơn khi trẻ rặn, phân theo đó ra ngoài dễ dàng. Ngoài ra, có thể mua thêm men vi sinh để hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa,...

Thuốc nhỏ mắt, mũi

Cha mẹ cũng nên chuẩn bị một số thuốc nhỏ mũi, thông dụng nhất là nước muối sinh lý 0,9% hoặc chuẩn bị thêm loại Otrivin 0,05%, Naphazolin (loại dùng cho trẻ em). Dung dịch nước muối sinh lý vừa nhỏ mũi, vừa nhỏ mắt được.

Dung dịch nước muối sinh lý vừa nhỏ mũi, vừa nhỏ mắt được. Ảnh: Focus

Theo PGS Bùi Khắc Hậu, thuốc nhỏ mũi mắt được sử dụng sau khi cho trẻ đi chơi về nhà hoặc bị đau mắt, chảy mũi nước. Thuốc Otrivin 0,05% được sử dụng khi trẻ bị nghẹt mũi.

Thuốc ho

Bạn có mua thuốc dạng siro chứa thuốc kháng sinh histamin làm dịu ho cho trẻ. Nếu là thuốc trị ho loại viên có chứa codein thì chỉ dành cho người lớn.

Ngoài ra, dịp tết mỗi gia đình nên chuẩn bị một số thuốc sát trùng, cồn 70 độ và bông, gạc đề phòng trẻ chơi, đùa nghịch bị trầy xước da.

Thuốc cho trẻ dùng trong các ngày Tết cần mua loại còn hạn sử dụng và được bảo quản cẩn thận. Trong tủ thuốc gia đình, cha mẹ cần phân loại thuốc dùng cho người lớn và trẻ em. Mỗi loại nên để một ngăn riêng và có ghi chú rõ ràng để tránh dùng nhầm thuốc. Nếu khi mua thuốc có kèm bảng hướng dẫn sử dụng cần cất cẩn thận để tham khảo khi cần.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-loai-thuoc-can-chuan-bi-cho-con-trong-ky-nghi-tet-post910214.html