Những loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng lại có hại nếu sử dụng quá mức

Có rất nhiều loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe ở xung quanh chúng ta. Trong đó, không ít loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe nếu được sử dụng với liều lượng hợp lý nhưng lại gây hại nếu được sử dụng quá nhiều.

Omega- 3 và dầu cá

Dầu cá rất tốt cho cơ thể nhưng không nên quá lạm dụng. (Ảnh minh họa)

Dầu cá rất tốt cho cơ thể nhưng không nên quá lạm dụng. (Ảnh minh họa)

Axit béo omega-3 rất cần thiết cho sức khỏe của chúng ta, giúp chống lại chứng viêm trong cơ thể và đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của não bộ và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Từ khi hầu hết các chế độ ăn kiêng đều có lượng omega-3 thấp, các viên uống bổ sung đã trở nên phổ biến hơn. Viên uống bổ sung phổ biến nhất bao gồm viên nang omega-3 được sản xuất từ cá, gan cá và tảo.

Tuy nhiên, quá nhiều omega-3 cũng có thể là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe. Thông thường, liều lượng sử dụng omega-3 dao động trong khoảng từ 1 đến 6g mỗi ngày, nhưng nếu dùng quá nhiều trong khoảng 13g đến 14g mỗi ngày có thể gây loãng máu ở người bình thường. Đây có thể là nguy cơ đối với những người dễ bị chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu. Ngoài ra, uống nhiều dầu cá có thể dẫn đến tình trạng thừa vitamin A, có thể gây ngộ độc vitamin A, đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ mang thai.

Cá ngừ

Cá ngừ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên phụ nữ và trẻ em không nên ăn quá nhiều. (Ảnh minh họa)

Cá ngừ là một loại cá béo được coi là có nhiều lợi ích cho sức khỏe, đồng thời cũng là một nguồn cung cấp axit béo omega-3 và rất giàu protein. Tuy nhiên, cá ngừ cũng có thể chứa hàm lượng chất methylmercury (hợp chất thủy ngân) trong môi trường cao. Ở mức độ cao hơn, methylmercury là một chất độc thần kinh có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bao gồm chậm phát triển ở trẻ em, các vấn đề về thị lực, thiếu khả năng phối hợp và suy giảm khả năng nghe và nói.

Cá ngừ lớn chứa nhiều thủy ngân nhất, vì nó được tích tụ trong các mô của chúng theo thời gian. Mặc dù vậy, nhưng cá ngừ lớn lại thường được sử dụng trong các món sushi hoặc bít tết cá ngừ trong các nhà hàng. Những con cá ngừ nhỏ hơn chứa lượng thủy ngân thấp hơn thường được sử dụng để làm món cá ngừ đóng hộp. Giới hạn an toàn trên của methylmercury đối với con người là 0,1 microgam/kg trọng lượng cơ thể. Điều này có nghĩa là một đứa trẻ nặng 25kg chỉ có thể ăn một khẩu phần 75g cá ngừ trắng đóng hộp sau mỗi 19 ngày mà thôi. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai và trẻ em cũng không nên ăn hải sản có chứa thủy ngân quá hai lần mỗi tuần. Một số loại cá khác cũng giàu axit béo omega-3 và ít bị nhiễm thủy ngân hơn bao gồm cá hồi, cá thu, cá mòi và cá hồi nước ngọt.

Quế

Quế là loại gia vị thơm ngon. (Ảnh minh họa)

Quế là một loại gia vị thơm ngon, được sử dụng rộng rãi và có một số đặc tính chữa bệnh. Quế chứa nhiều chất chống oxy hóa và đã được chứng minh là có khả năng chống viêm và giảm lượng đường trong máu. Sử dụng quế cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, ung thư và các bệnh thoái hóa thần kinh.

Tuy nhiên, trong quế có chứa một lượng lớn hợp chất gọi là coumarin, có thể gây hại với liều lượng lớn. Có hai loại quế chính, với lượng coumarin khác nhau bao gồm quế Cassia (có nguồn gốc từ Trung Quốc và được tiêu thụ rộng rãi trên thế giới. Quế Cassia chứa một lượng coumarin tương đối cao) và quế Ceylon (còn gọi là quế thật, có nguồn gốc từ Srilanka và các tỉnh phía nam Ấn Độ. Quế Ceylon có hàm lượng coumarin thấp hơn nhiều so với quế Cassia).

Lượng coumarin mà con người có thể dung nạp hàng ngày là 0,1mg cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Nếu tiêu thụ nhiều hơn có thể gây độc cho gan và gây ung thư.

Dựa trên liều lượng dung nạp hàng ngày, không nên tiêu thụ quá 0,5- 2g quế Cassia mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng tới 5g (1 muỗng cà phê) quế Ceylon mỗi ngày. Tuy nhiên, một món ăn có sử dụng liều lượng quế cao hơn mức cho phép thì cũng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng nếu bạn không ăn chúng quá thường xuyên.

Cà phê

Cà phê là thức uống yêu thích của rất nhiều người. (Ảnh minh họa)

Cà phê là một thức uống tuyệt vời chứa nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất hoạt tính khác. Cà phê được chứng minh có liên quan đến nhiều lợi ích về sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan, bệnh tiểu đường tuýp 2 và các bệnh thoái hóa thần kinh. Thành phần tích cực trong cà phê thông thường là caffein, với mỗi tách chứa trung bình 80–120 mg. Tiêu thụ dưới 400mg caffein mỗi ngày được coi là an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ hơn 500- 600 mg mỗi ngày có thể coi là quá mức và điều này có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, gây mất ngủ, hồi hộp, khó chịu, co thắt dạ dày, tim đập nhanh và run cơ bắp. Mỗi người khác nhau sẽ bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của caffein với liều lượng khác nhau. Một số người có thể uống cà phê tùy thích, trong khi những người khác gặp các triệu chứng chỉ với một lượng nhỏ caffein.

Gan

Nội tạng động vật là nơi chứa nhiều dinh dưỡng nhất và gan là cơ quan chứa nhiều dinh dưỡng nhất trong tất cả. Gan rất giàu chất dinh dưỡng thiết yếu, chẳng hạn như sắt, B12, vitamin A và đồng.

Tuy nhiên, chỉ 100g gan bò đã chứa hơn sáu lần lượng dinh dưỡng khuyến nghị (RDI) của vitamin A và 7 lần RDI của đồng. Trong khi vitamin A là một vitamin tan trong chất béo, có nghĩa là nó được lưu trữ trong cơ thể chúng ta. Do đó, lượng dư thừa có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc vitamin A. Những triệu chứng này có thể bao gồm các vấn đề về thị lực, đau nhức xương và tăng nguy cơ gãy xương, buồn nôn và nôn.

Ngoài ra, ăn quá nhiều đồng có thể gây ra ngộ độc đồng. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng oxy hóa và thoái hóa thần kinh, và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Do vậy, cho dù gan rất tốt và bổ dưỡng, nhưng nó không phải là loại thức ăn nên được tiêu thụ hàng ngày.

Rau họ cải

Rau họ cải rất phổ biến và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Rau họ cải là một họ rau xanh với nhiều chi, loài và giống được trồng để sản xuất thực phẩm như súp lơ, cải bắp, cải xoăn, cải xoong vườn, bông cải xanh, cải Brussels và các loại rau lá xanh tương tự. Những loại rau này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim. Các loại rau họ cải chiếm một phần lớn trong lượng rau tiêu thụ hàng ngày của con người. Chúng cũng đã trở nên rất phổ biến trong thành phần trong các loại sinh tố xanh và nước ép rau quả tươi khác nhau.

Tuy nhiên, các hợp chất trong các loại rau này gọi là thiocyanate có thể cản trở khả năng hấp thụ iốt của cơ thể và nó có thể góp phần gây nên tình trạng suy giáp. Suy giáp là tình trạng bệnh lý khi tuyến giáp hoạt động kém. Các triệu chứng bao gồm tuyến giáp to, tăng cân, táo bón, khô da và giảm mức năng lượng.

Mặc dù các loại rau họ cải như bông cải xanh rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu cho quá nhiều thành phần này vào sinh tố hoặc nước ép có thể làm tăng các hợp chất thiocyanate có hại. Những người có vấn đề về tuyến giáp nên tránh tiêu thụ những loại rau này với số lượng quá nhiều.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-loai-thuc-pham-bo-duong-nhung-lai-co-hai-neu-su-dung-qua-muc-204736.html