Những loài cây có độc nguy hiểm dễ gặp khi đi du lịch

Trên đường khám phá thế giới bằng những chuyến du lịch khắp Việt Nam, chúng ta thường xuyên gặp những loại cây hoa sặc sỡ đẹp mắt. Tuy nhiên, trong số chúng có vài loài cây có độc, ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí tính mạng con người.

 Lá ngón có hoa rất đẹp, màu vàng cam rực rỡ nên nhiều người nếu không biết sẽ thích thú ngắt hoa chụp ảnh. Tuy nhiên, chất nhựa độc của loài cây này sẽ gây ra triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn dẫn đến chết rất nhanh do ngừng hô hấp.

Lá ngón có hoa rất đẹp, màu vàng cam rực rỡ nên nhiều người nếu không biết sẽ thích thú ngắt hoa chụp ảnh. Tuy nhiên, chất nhựa độc của loài cây này sẽ gây ra triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn dẫn đến chết rất nhanh do ngừng hô hấp.

Cây lá han chứa chất làm ngứa rất mạnh, gây lở loét và buốt thấu da thịt. Với những người da mỏng, nếu đụng phải loại han voi còn có thể gây dị ứng tới mức tử vong.

Cây trúc đào là loài cây kịch độc được trồng nhiều ven đường, chúng gây ra các triệu chứng buồn nôn và nôn mửa, tiết nhiều nước bọt, loạn nhịp tim dẫn đến tử vong. Nhựa trúc đào có thể gây tấy rát da, sưng, tấy rát mắt nghiêm trọng.

Hoa thiên điểu với màu sắc sặc sỡ, hình dạng đẹp mắt nhưng có thể khiến những ai vô tình ăn phải buồn nôn, tiêu chảy và nếu đứng lâu ngửi hoa sẽ gây cảm giác khó chịu.

Cây đủng đỉnh được trồng nhiều trên phố, tuy nhiên quả của loài cây này gây ngứa vô cùng nếu như bạn lỡ tay hái xuống.

Cây sơn được trồng rất phổ biến, trong cây có chất gây dị ứng mạnh đối với da. Những người có cơ địa dị ứng chỉ đi ngang qua cây hay ngửi thấy đã bị lở nặng, bỏng rát, khó chịu.

Cây ngót nghẻo được trồng ở các khu rừng ngập mặn ven biển, có rễ củ rất độc. Chỉ cần 5mg cho 1kg thể trọng cũng đủ gây chết rất nhanh. Ngộ độc gây đau rát miệng, khát nước sau đó nôn, buồn nôn dữ dội, đau bụng và tiêu chảy, tiêu máu nặng dẫn tới trụy tim mạch, rối loạn tri giác, co giật, suy hô hấp, tiểu máu, thiểu niệu.

Cây sui mọc hoang tại một số vùng núi phía Bắc gây viêm sưng đến mù lòa. Nếu nhựa dính vào vết thương hay trên da bị trầy xước lập tức ngộ độc.

Cây sừng trâu có độc tính thuộc loại mạnh. Cả lá, rễ, hạt và nhựa đều độc. Khi ngộ độc, người bồn chồn vật vã, nôn kéo dài gây hội chứng mất nước và rối loạn điện giải, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, ù tai thở khó, mắt mờ dần và nhịp tim rối loạn, lúc nhanh lúc chậm, triệu chứng rầm rộ. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong trong vòng 48 giờ.

Cây bồng bồng mọc rất nhiều ven đường các tỉnh miền Trung. Nhựa của nó với liều thấp sẽ gây nôn, liều cao gây độc mạnh như nhức đầu, chóng mặt, sốt, nổi ban khắp người, yếu sức sẽ bị ép tim, ngủ lịm, khó thở.

Cây cam thảo dây chứa độc tính cao nhưng khó gây tổn thương cho cơ thể người do lớp vỏ cứng và khó bị phá vỡ. Người ta dùng hạt làm đồ trang sức. Một số trường hợp tử vong do bị đâm vào tay trong khi khoan lỗ trên hạt để xỏ dây.

Cây chữa rắn cắn trắng có thể gây ngộ độc nghiêm trọng. Thậm chí, nếu dùng các sản phẩm từ gia súc ăn phải loài cây này, bạn vẫn bị trúng độc.

Mời các bạn xem video: Những loài cây có hình thù kỳ lạ nhất thế giới. Nguồn: Vui khỏe mỗi ngày

Thùy Dung (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc/nhung-loai-cay-co-doc-nguy-hiem-de-gap-khi-di-du-lich-1530656.html