Những lo ngại về môi trường khi Triều Tiên thử hạt nhân

Theo báo Asahi Shimbun (Nhật) một chương trình điện toán giả lập sự rò rỉ phóng xạ của Viện công nghệ-khoa học đại dương Hàn Quốc (KIOST) đã cho thấy những điều kiện thời tiết lúc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ sáu sẽ khiến chất phóng xạ bay vào bầu khí quyển ở hướng đông bắc. Điều này có nghĩa mây phóng xạ sẽ phủ một vùng trên không phận Nga, quần đảo Kuril và phía bắc đảo Hokkaido của Nhật.

Những tin đồn ma quanh bãi thử hạt nhân

Theo trang International Business Times ngày 3.12, Lee Jeong-hwa, một người Triều Tiên đào thoát qua Hàn Quốc, nói với hãng tin NBC News: “Có nhiều người chết nên chúng tôi gọi đó là “bệnh ma”. Chúng tôi ngỡ chúng tôi chết vì nghèo và ăn kém. Nay chúng tôi biết đó là do phóng xạ”.

Bà Lee từng sống ở huyện Kilju, nơi có bãi thử Punggye-ri để Triều Tiên thử các loại vũ khí hạt nhân (VKHN). Triều Tiên đã có 6 lần thử hạt nhân và Lee đã chứng kiến 2 lần. Bà nói không biết gì về những vụ thử, cho đến khi bà trốn khỏi Triều Tiên năm 2010.

Tuy nhiên, các chuyên gia không dám đoán chắc các nguyên nhân gây ra bệnh tật. Triều Tiên sống khép kín với thế giới, nên rất khó xác minh những lời kể của người đào thoát khỏi nước này.

Nhà khoa học Ferenc Dalnoki-Veress ở Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury (Canada) không tin chuyện nhiễm phóng xạ gây ra những chứng “bệnh ma”.

Giáo sư Suh Kune-yull ở Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc) nói với NBC News rằng các nhà nghiên cứu không có đủ thông tin, và ông cho rằng họ nói dối: “Chúng tôi phải xem xét những gì họ kể, nhưng tôi không có nhiều thông tin tin cậy”.

Bộ Thống nhất liên Triều (thuộc chính phủ Hàn Quốc, chuyên xử lý quan hệ Hàn-Triều) đã kiểm tra khả năng nhóm 30 người Triều Tiên đào thoát bị nhiễm phóng xạ, nhưng kết quả kiểm tra đều âm tính.

Theo trang International Business Times, người lính Triều Tiên bỏ chạy qua khu giới tuyến phi quân sự hồi tháng 11 có ổ bụng đầy giun sán và chúng có thể gây ra nhiều bệnh. Giun sán thuờng tìm thấy trong các bệnh liên quan sống vệ sinh kém.

Bom hạt nhân tác động thế nào đến môi trường?

Trong khi đó, việc Triều Tiên ngày 29.11 tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hỏa tinh-15 có thể mang “đầu đạn hạng nặng cực đại” để tấn công lãnh thổ Mỹ, đã khiến có câu hỏi: bom hạt nhân của Triều Tiên sẽ tác động thế nào đến môi trường?

Những người đào thoát khác hồi tháng 11 từng cho báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) biết rằng 80% số cây gần bãi thử Punggye-ri đều bị chết, các giếng ngầm không còn trữ nước. Các nước khác giám sát bãi thử Punggye-ri cũng không tìm thấy chứng cứ phóng xạ hạt nhân rò rỉ từ bãi thử này.

Sau vụ thử hạt nhân tháng 9 đã có một cơn động đất mạnh 6,3 độ Richter và có tin những tòa nhà lân cận bị sập, gồm một trường học có hơn 100 học sinh đang học.

Một tháng sau, có tin một căn hầm đang xây ở bãi thử bị sập, làm chết gần 200 người, khiến có sự lo ngại bãi thử sẽ đổ sụp, nhưng Nhật Bản và Trung Quốc cho biết không có dấu hiệu rò rỉ phóng xạ.

Ở Nhật vẫn có sự lo ngại rò rỉ phóng xạ từ bãi thử Punggye-ri, vì Nhật đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ lần bị Mỹ ném bom nguyên tử hồi Thế chiến 2, rồi đến thảm họa rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm 2011.

Theo báo Asahi Shimbun (Nhật) một chương trình điện toán giả lập sự rò rỉ phóng xạ của Viện công nghệ-khoa học đại dương Hàn Quốc (KIOST) đã cho thấy những điều kiện thời tiết lúc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ sáu sẽ khiến chất phóng xạ bay vào bầu khí quyển ở hướng đông bắc. Điều này có nghĩa mây phóng xạ sẽ phủ một vùng trên không phận Nga, quần đảo Kuril và phía bắc đảo Hokkaido của Nhật.

Như vậy, vẫn có nguy cơ rò rỉ phóng xạ trong tương lai, nhất là nếu như Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành thử hạt nhân. Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo: một lần thử hạt nhân nữa dưới núi Mantap sẽ khiến núi này sập và gây rò rỉ phóng xạ.

Cựu chủ tịch Hiệp hội hạt nhân Trung Quốc Vương Nãi Ngạn nói: “Chúng tôi gọi đó là “sập mái”. Nếu núi sập và phơi ra một lỗ hổng, nó sẽ thoát ra nhiều điều xấu”.

Ngoài việc gây nguy hại cho loài người, phóng xạ cũng sẽ tác động đến các dạng sống khác. Nhóm tác giả cuốn sách Hậu quả hạt nhân thẩm thấu trái đất và các loại vũ khí khác viết: “Ở nơi mà người bị thương hoặc chết vì phóng xạ, tính sát thương tương tự cũng xảy ra với loài vật. Nếu các đàn gia súc lớn bị nhiễm, điều kiện vệ sinh kém cũng có thể trở thành một vấn nạn đáng kể”.

Nhóm tác giả thuộc Hàn lâm viện khoa học Mỹ cũng khẳng định các thực vật cũng bị tác động mạnh, nhất là cây thông và cây vân sa, vì chúng là các loài cây rất nhạy cảm với phóng xạ. Họ khẳng định: “Những cánh rừng sẽ bị tiêu diệt, hậu quả có thể là cháy rừng. Một ví dụ cụ thể là cánh rừng thông bị phá hủy ở gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl”.

Trung Trực (theo International Business Times, Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/nhung-lo-ngai-ve-moi-truong-khi-trieu-tien-thu-hat-nhan-77299.html